Dù không có khoản thưởng Tết, những  giáo viên ở trường tiểu học xã Gia Mô (Tân Lạc) vẫn miệt mài lên lớp.

Dù không có khoản thưởng Tết, những giáo viên ở trường tiểu học xã Gia Mô (Tân Lạc) vẫn miệt mài lên lớp.

(HBĐT) - Sau một năm lao động vất vả, ai cũng muốn được thưởng Tết để về lo cho gia đình mình. Nhiều ngành nghề ít cũng được thưởng vài trăm nghìn, có người được thưởng hàng chục triệu đồng. Đó là thành quả lao động của cả năm. Nhưng với các thầy, cô giáo, nhất là vùng sâu, xa sau một năm vất vả gieo con chữ vùng cao thì việc đó là … mơ.

 

“Tự thưởng” cho mình.

           

Một ngày giáp Tết, khi các học sinh đã chuẩn bị nghỉ Tết, chúng tôi ngược dốc Thung Khe đến trường tiểu học Đồng Bảng (Mai Châu). Khi hỏi về việc chuẩn bị ăn Tết, ai cũng buồn. Chị Nguyễn Thị Sâm đã có 23 năm đứng lớp tâm sự: “Năm nào cũng vậy, chẳng bao giờ anh- chị em giáo viên trong trường dám nghĩ tới chuyện thưởng Tết cả. Ngay cả một tờ lịch của ngành cũng không có. Giáo viên nơi đây không được nhận thưởng Tết cũng thành quen rồi”. Việc nghĩ đến thưởng quả là quá xa vời. Đa số học sinh của trường đều thuộc diện con nhà nghèo. Các em đến lớp áo mặc chưa đủ ấm, cơm chưa đủ no. Cán bộ, giáo viên nhà trường không có nguồn thu nào khác ngoài lương của các giáo viên. Có giáo viên còn trích một phần lương ra mua bút mực cho các em. Thầy Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Bảng khi nói về vấn đề thưởng Tết cho các giáo viên chỉ cười trừ: “Năm nay, mỗi giáo viên được nhận 200.000 đồng tiền Tết trích từ nguồn kinh phí trích của quỹ công đoàn. Quỹ này do giáo viên đóng góp, cuối năm lấy ra động viên nhau vậy”.

 

Tết đến trong thâm tâm mỗi giáo viên, ai cũng muốn có một khoản thưởng để về sắm Tết chung vui của gia đình. Dù sao cũng chỉ là động viên. Một giáo viên trường tiểu học Tân Sơn chia sẻ: “Xem trên các phương tiện đại chúng thấy nhiều ngành thưởng ít cũng một tháng lương, nhiều vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng cũng thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề một đặc thù riêng. Với nghề giáo, mỗi lứa học sinh trưởng thành là niềm động viên, an ủi với giáo viên. Đó cũng là hạnh phúc lớn nhất để mình tiếp tục gắn bó với nghề, nhất là ở nơi miền núi cao bốn bề heo hút này…”. Qua tìm hiểu thêm, hầu hết ở các trường đều trích quỹ công đoàn để “tự thưởng” cho mình, có trường còn trích quỹ đi nghỉ mát (nghĩa là hàng tháng trích lương để đến hè đi nghỉ mát), thậm chí, hết quỹ có trường còn phải đi vay lãi ngoài để “động viên” giáo viên. Còn việc trả thì sang năm tính tiếp.

 

Động viên là chính.

 

Khác với những ngành nghề khác, cán bộ, giáo viên, trong ngành giáo dục từ trước đến nay không có tháng lương thứ 13. Cũng như những người làm các ngành khác trong xã hội, mỗi dịp Tết đến, người giáo viên cũng phải sửa soạn, mua sắm những vật dụng cần thiết cho bản thân và gia đình. Do đó, không ít giáo viên có tâm lý “sợ” Tết đến vì không biết “nhìn” vào khoản nào để trang trải, chi tiêu trong dịp Tết.

 

Đến Phòng Giáo dục huyện Mai Châu, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch công đoàn đang chuẩn bị đi trao quà Tết cho các giáo viên. Ấy vậy mà khi nói đến Tết nhất với các giáo viên, ông lại không vui cho lắm: “Chỉ có 10 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng để trao cho những giáo viên bị ốm đau, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thôi. Đây là danh sách mà các trường phải bình bầu mãi mới gạn được đấy. Số giáo viên còn lại là trên 1.500 người không ai được nhận cả”. Theo ông Mạnh, năm nào may mắn mà ngân sách huyện còn dư dả, giáo viên được ứng trước 1 tháng lương để ăn Tết. Mấy năm gần đây, ngay cả việc được nhận lương sớm cũng không thành.

 

Chưa có chính sách thưởng Tết cho giáo viên từ cấp trên, một số trường đã “sáng tạo” để dành các khoản chi trả tiền thừa giờ, chấm bài, văn phòng phẩm, tiền thưởng cho các danh hiệu thi đua phát vào dịp cuối năm để giáo viên có thêm khoản tiêu Tết. Một số trường lại cho phép giáo viên được tạm ứng tháng lương kế tiếp. Được cấp tháng lương tiếp theo, nhiều giáo viên có tâm trạng phấn khởi bởi có thêm được khoản tiền mua sắm mấy ngày Tết nhưng cũng canh cánh nỗi lo là sau Tết không biết trông vào khoản nào để chi tiêu lại phải rơi vào cảnh “no dồn, đói góp”.

 

Còn nhớ, trong dịp chuẩn bị đón Tết Kỷ Sửu năm 2009, Phó Thủ tướng - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ nỗi thiệt thòi của đội ngũ nhà giáo mỗi dịp Tết về. Bức thư có đoạn viết: “Bộ GD&ĐT thiết tha đề nghị các đồng chí Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ các tỉnh, thành phố, quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy, cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến…”.

 

Đó cũng là mong muốn của những giáo viên ở những nơi vùng sâu, xa nhưng đến nay cũng vẫn chỉ là ước mơ mà thôi.

 

 

 

                                                                        Việt Lâm 

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục