(HBĐT) - Theo báo cáo của ngành y tế, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19. Nhiều địa phương vẫn ghi nhận ca mắc Covid-19 hàng ngày trong cộng đồng. Ngoài ra, biến chủng Omicron đang lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch (PCD), đặc biệt trong dịp nghỉ Tết Dương lịch sắp tới.


Cán bộ y tế thành phố Hòa Bình xét nghiệm sàng lọc đối tượng F1 liên quan đến các ca F0 cộng đồng tại xã Thịnh Minh.

Tính đến ngày 27/12, toàn tỉnh ghi nhận 1.245 trường hợp dương tính với virus SARS- CoV-2 trong đợt dịch thứ 4. Cả 10/10 huyện, thành phố đều ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng. Theo thông báo mới nhất của Sở Y tế về cấp độ dịch, toàn tỉnh có 8 địa bàn cấp huyện ở cấp độ 1; 2 huyện Mai Châu, Lương Sơn cấp độ 2. Có 4 địa bàn xã cấp độ 3, trong đó, huyện Mai Châu có 3 địa bàn (thị trấn Mai Châu, xã Pà Cò, Tòng Đậu), huyện Kim Bôi 1 địa bàn là xã Đông Bắc.

Đánh giá của ngành y tế cho thấy, nguyên nhân xuất hiện các ca lây nhiễm cộng đồng chủ yếu từ công dân vùng có dịch trở về địa phương. Cùng với đó, nhiều người chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định "5K" về phòng dịch, dẫn đến các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Đặc biệt, tình trạng tụ tập ăn uống, hoạt động vui chơi tập trung đông người vẫn diễn ra, vì vậy, tại nhiều địa phương, khi phát hiện ca cộng đồng có rất nhiều F1, việc truy vết F1 khó khăn, gây áp lực, quá tải trong xét nghiệm đối với lực lượng y tế. Theo phân tích của ngành, dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị thường diễn ra hoạt động tổng kết, hội họp, kéo theo hoạt động ăn uống, liên hoan khiến việc tiếp xúc gần giữa nhiều cá nhân. Đây là nguy cơ và mầm mống cho việc lây nhiễm dịch bệnh. Mặt khác, cuối năm cũng là dịp lao động từ các thành phố lớn được nghỉ trở về quê đón Tết, người dân ở các thành phố cũng có xu hướng du lịch về các vùng ngoại thành, trong đó các điểm du lịch như Kim Bôi, Mai Châu, Lương Sơn tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu không triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Theo bác sỹ Trương Như Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dù đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh và diễn biến bệnh nặng, thậm chí là tử vong, nhất là đối với những người già, người có bệnh lý nền. Mặt khác, các bệnh nhân Covid-19 được cứu chữa khỏi nhưng cũng gánh chịu nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

"Nguy hiểm hơn, những bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay không có biểu hiện bệnh, dẫn đến chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng dịch làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người thân, gồm cả những em nhỏ chưa đến tuổi được tiêm vắc xin. Tại TP Hòa Bình, tôi đã chứng kiến cả gia đình đều là F0 cũng từ người lớn đi ra ngoài lây bệnh về cho con. Như vậy thực sự nguy hại. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là tự bảo vệ, tự phòng tránh và hạn chế tối đa việc tiếp xúc người lạ, tiếp xúc đông người" - chị Nguyễn Thị Hà (TP Hòa Bình) chia sẻ.

Tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó, nhiều tỉnh, thành phố giáp ranh với Hòa Bình. Như TP Hà Nội nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất cả nước. Hà Nội cũng là địa bàn lực lượng lao động từ các địa phương trong tỉnh đến làm việc rất nhiều. Hơn lúc nào hết, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi người hãy hạn chế các hoạt động tập trung đông người, sinh hoạt ăn uống không cần thiết để bảo vệ mình và xã hội.

Liên quan đến công tác PCD Covid-19, theo Ban chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 1.200 ca Covid-19, đang điều trị trên 400 trường hợp dương tính. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, ca nhiễm tăng cao sẽ gây quá tải, khủng hoảng y tế. Do đó, ý thức của người dân và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa, PCD, nhất là trong các đợt nghỉ lễ, Tết cuối năm.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ra văn bản đề nghị Chính phủ xem xét tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết tuyệt đối tuân thủ đúng, đầy đủ quy định "5K" (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế và khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19.


Đinh Hòa 


Các tin khác


Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Ngày 28/12, Bộ Y tế có thông tin về ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại Việt Nam.Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, cụ thể như sau:

Trạm Y tế Cao Dương: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh

(HBĐT) - Ngày 25 - 26/12, Trạm Y tế Cao Dương (Lương Sơn) phối hợp với các trường THCS xã Cao Dương tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 696 mũi 2, đạt 97,47% (Theo kế hoạch đối tượng 12 - 17 tuổi cần tiêm vắcxin Pfizer-BionTech là 714 mũi

Khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Tính đến ngày 24/12, trên địa bàn xã Ngọc Lương (Yên Thủy) ghi nhận 50 trường hợp nhiễm Covid-19. Đáng lưu ý, trong đó có 48 trường hợp liên quan đến 1 ca F0. Là xã đông dân nhất của huyện, Ngọc Lương có 18 xóm với hơn 9.000 nhân khẩu. Số lượng người dân đi làm xa trở về địa phương vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới lớn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng. Do đó, ngay từ lúc này, xã đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.

Sáng 28/12: Hơn 7.600 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị; Duy nhất 1 tỉnh 14 ngày không có F0 thứ phát

Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 1,26 triệu bệnh nhân COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh, trong số các ca đang điều trị có hơn 7.600 trường hợp nặng; Với việc bao phủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho gần 70% dân số, Việt Nam về đích sớm tiêm chủng...

Ngày 27/12: Cả nước có 14.872 ca mắc COVID-19; riêng Hà Nội 1.948 ca

Bản tin dịch COVID-19 ngày 27/12 của Bộ Y tế cho biết có 14.872 ca mắc COVID-19 tại 59 tỉnh, thành phố; Hà Nội đã 9 ngày có số mắc nhiều nhất cả nước với 1.948 ca; trong ngày có 11.374 ca khỏi; 204 trường hợp tử vong

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục