Một loạt nghiên cứu mới trên động vật thí nghiệm và mô người đang cung cấp các dữ liệu đầu tiên lý giải nguyên nhân biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước của SARS-CoV-2.


Nhiều thí nghiệm mới nhất đều đưa ra cùng một kết luận: Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta và các phiên bản trước đó của virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Reuters)

Các nghiên cứu trên chuột và chuột lang cho thấy Omicron gây nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn, tập trung chủ yếu ở đường hô hấp trên như mũi, họng và khí quản. Đặc biệt, biến thể này ít gây hại cho phổi, trong khi các biến thể khác thường gây sẹo và khó thở nghiêm trọng cho bộ phận này.

Vào tháng 11/2021, khi báo cáo đầu tiên về biến thể Omicron lây lan ra ngoài lãnh thổ Nam Phi, giới khoa học chỉ có thể đoán rằng biến chủng này hoạt động khác biệt so với các chủng khác. Tất cả những gì họ biết là nó có đến hơn 50 đột biến gen.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một số loại đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám chặt hơn vào tế bào. Một số đột biến khác được minh chứng là có khả năng lẩn trốn kháng thể - cơ chế đầu tiên giúp con người chống lại sự lây nhiễm. Tuy nhiên, Omicron hoạt động như thế nào bên trong cơ thể người vẫn là một bí ẩn.

Tiến sĩ Ravindra Gupta, chuyên gia về virus tại Đại học Cambridge cho biết: "Bạn không thể dự đoán hành vi của virus chỉ từ những đột biến”.

Trong tháng 12 vừa qua, hơn chục nhóm nghiên cứu, trong đó có Tiến sĩ Gupta, đã quan sát mầm bệnh mới trong phòng thí nghiệm bằng cách cho các tế bào đặt trên đĩa nuôi cấy nhiễm Omicron hoặc phun loại virus này vào mũi động vật.

Trong khi các nhà khoa học vẫn miệt mài làm việc thì Omicron đã lan rộng khắp hành tinh, dễ dàng lây nhiễm cho cả những người đã tiêm phòng hoặc khỏi bệnh.

Mặc dù các ca bệnh tăng vọt nhưng số ca nhập viện chỉ tăng ở mức khiêm tốn. Các nghiên cứu ban đầu trên bệnh nhân cho thấy Omicron ít gây bệnh nặng hơn các biến thể khác, đặc biệt là ở những người được tiêm chủng. Tuy nhiên, những phát hiện đó đi kèm với rất nhiều cảnh báo.

Thứ nhất, phần lớn các trường hợp nhiễm Omicron ban đầu là ở những người trẻ tuổi, những người ít có khả năng bị bệnh nặng với tất cả các biến thể khác. Phần nhiều trong số những ca ban đầu đó xảy ra ở những người đã có kháng thể hoặc đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Chưa rõ liệu Omicron có bớt nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi chưa được tiêm phòng hay không.

Đáng chú ý, thí nghiệm trên động vật có thể giúp làm sáng tỏ những điều mơ hồ này, bởi vì các nhà khoa học có thể kiểm tra trên những động vật giống nhau cũng như sống trong điều kiện đồng nhất. Vài thí nghiệm được công bố gần đây đều chỉ ra cùng một kết luận: Omicron nhẹ hơn Delta và các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 như Alpha hay Beta.

Ngày 29/12, một nhóm gồm nhiều nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu trên chuột và chuột lang nhiễm Omicron hoặc một biến thể khác. Nghiên cứu cho thấy những con chuột bị nhiễm Omicron ít bị tổn thương phổi, sụt cân cũng như giảm nguy cơ tử vong.

Mặc dù các động vật trong thí nghiệm bị nhiễm Omicron đều xuất hiện triệu chứng nhẹ hơn, nhưng các nhà khoa học đặc biệt ấn tượng với kết quả ở chuột lang Syria. Đây là loài mắc bệnh nặng với tất cả các biến thể trước đó của SARS-CoV-2. 

Tiến sĩ Michael Diamond, chuyên gia về virus tại Đại học Washington và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Điều này thật đáng ngạc nhiên, vì mọi biến thể khác đều đã lây nhiễm mạnh đối với giống chuột lang này”. 

Một số nghiên cứu khác trên chuột và chuột lang cũng đưa ra kết luận tương tự. (Giống như phần lớn nghiên cứu khẩn cấp về Omicron, những nghiên cứu này đều được đăng tải công khai song vẫn chưa được công bố trên các tạp chí khoa học).

Lý do Omicron gây triệu trứng nhẹ hơn có thể là vấn đề giải phẫu. Tiến sĩ Diamond và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra rằng nồng độ virus Omicron trong mũi của chuột lang cũng giống như ở các động vật bị nhiễm các biến thể trước đó. Nhưng nồng độ Omicron trong phổi bằng một phần mười hoặc ít hơn so với mức của các biến thể khác.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cũng đưa ra một kết quả tương tự. Họ đã nghiên cứu các mẫu mô được lấy từ đường thở của con người trong quá trình phẫu thuật. Trong 12 mẫu phổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy Omicron phát triển chậm hơn Delta và các biến thể khác.

Các nhà nghiên cứu cũng cho virus lây nhiễm các mô phế quản, đây là các ống thở ở ngực trên cung cấp không khí từ khí quản đến phổi. Trong 2 ngày đầu bị nhiễm virus, Omicron phát triển nhanh hơn Delta và các biến thể trước đó.

Những phát hiện này sẽ phải được theo dõi với các nghiên cứu sâu hơn, chẳng hạn như thí nghiệm với khỉ hoặc kiểm tra đường thở của những người bị nhiễm Omicron. Nếu kết quả được xem xét kỹ lưỡng, họ có thể giải thích tại sao những người bị nhiễm Omicron dường như ít phải nhập viện hơn những người bị nhiễm Delta.

Lây nhiễm bắt đầu ở mũi hoặc có thể là miệng và lan xuống cổ họng. Nhiễm trùng ở dạng nhẹ sẽ không lan xa hơn. Nhưng khi SARS-CoV-2 đến phổi, nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng.

Các tế bào miễn dịch trong phổi có thể phản ứng quá mức, giết chết không chỉ các tế bào bị nhiễm mà cả những tế bào không bị nhiễm. Chúng có thể tạo ra tình trạng viêm nhiễm, gây sẹo cho màng phổi. Hơn nữa, virus có thể thoát ra khỏi phổi bị tổn thương vào máu, gây ra các cục máu đông và tàn phá các cơ quan khác.

Tiến sĩ Gupta đưa ra số liệu về những nghiên cứu ở cấp độ phân tử giải lý do tại sao Omicron không hoạt động tốt trong phổi.

Nhiều tế bào trong phổi mang một protein gọi là TMPRSS2 trên bề mặt của chúng, có thể vô tình giúp virus truyền bệnh xâm nhập vào tế bào. Nhưng nhóm của Tiến sĩ Gupta phát hiện ra rằng loại protein này không bám tốt vào Omicron. Kết quả là, Omicron có khả năng lây nhiễm kém hơn Delta. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Glasgow đã đưa ra kết luận tương tự.

Ở vị trí cao hơn trong đường thở, các tế bào có xu hướng không chứa protein TMPRSS2, điều này có thể giải thích bằng chứng cho thấy Omicron được tìm thấy ở đó thường xuyên hơn phổi.

Tiến sĩ Gupta nhận định rằng Omicron tập trung chủ yếu ở đường hô hấp trên, phát triển mạnh ở cổ họng và mũi. Nếu điều đó là đúng, virus có thể có cơ hội tốt hơn để theo những giọt bắn thâm nhập vào cơ thể vật chủ mới.

Ông Gupta nói: "Tất cả việc lây truyền đều diễn ra ở đường thở trên. Bạn có thể hiểu được tại sao loại biến thể này có thể phát triển”. 

Những nghiên cứu trên giúp giải thích rõ ràng lý do tại sao Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn nhưng vẫn chưa trả lời được lý do tại sao biến thể này lại có khả năng lây lan nhanh từ người sang người. Mỹ đã ghi nhận hơn 580 nghìn ca lây nhiễm vào ngày 30/12, phần lớn trong số đó được cho là Omicron.

                                                                              Theo báo Nhân Dân


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục