Điều trị F0 tại nhà cần theo dõi và chuyển bệnh viện khẩn cấp khi có dấu hiệu chuyển nặng. Ảnh: Điều trị F0 chuyển nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tuy nhiên, tại nhiều hộ gia đình, việc điều trị F0 tại nhà nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Nhiều người cho rằng, sống chung nhà với F0, nhất là nhà khép kín, diện tích hẹp thì việc cách ly rất khó nên nhiều người đã bị lây nhiễm chéo.
Gia đình chị N.T.L ở TP Hòa Bình là một trong những trường hợp như vậy. Chị L. và chồng dương tính với virus SARS-CoV-2, nhà có 2 con nhỏ chưa nhiễm nhưng hoàn cảnh gia đình không thể cách ly con nên cả gia đình vẫn sống chung với nhau. Do biểu hiện bệnh không nặng, hàng ngày chị L. vẫn nấu cơm, tắm giặt cho 2 con theo như cách chị nói F0 chăm sóc cho F1. Vậy là thời gian ngắn sau, cả nhà chị đều trở thành F0 và tiếp tục quá trình tự chăm sóc, điều trị cho nhau.
Gia đình chị Đ.T.H cũng trong tình trạng tương tự. Con gái nhỏ của chị bị F0, do con nhỏ, hàng ngày chị ở nhà chăm con. Tuy nhiên, cùng với việc chăm con, chị vẫn phải nấu cơm và tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình. Vô hình chung, chị H. trở thành trung gian lây bệnh cho cả nhà.
Trường hợp như gia đình chị L., chị H. không phải hiếm tại TP Hòa Bình. Thực tế nhiều nhà kín, diện tích nhỏ hẹp, việc cách ly tuyệt đối đảm bảo không lây nhiễm Covid-19 là điều rất khó thực hiện.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo: Để tránh lây nhiễm khi sinh sống cùng F0 thì phải ở riêng phòng, mọi sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống phải tách biệt với những người mắc bệnh. Bên cạnh đó, khi chung nhà thì dù là F0 hay F1 cũng phải đeo khẩu trang. Đồng thời, F1 phải tự theo dõi sức khoẻ của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0. Trong gia đình nếu có F0 cần hạn chế nói chuyện với nhau. Đặc biệt, cần lưu ý ở những vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa... Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh thì cả F0 và F1 phải có ý thức không khạc nhổ bừa bãi, chú ý vệ sinh thường xuyên các vị trí như tay nắm cửa nhà vệ sinh, công tắc điện để tránh virus lây lan… Nếu có thể, hãy dành một phòng ngủ và phòng tắm riêng cho người bị bệnh. Nếu không thể tách biệt, thành viên mắc Covid-19 nên làm sạch và khử trùng các bề mặt và vật dụng sau mỗi lần dùng. Đảm bảo phòng sinh hoạt chung được thông thoáng.
Cùng với khó khăn trong cách ly, nhiều người cũng tùy tiện trong việc dùng thuốc điều trị Covid-19. Không ít người ngay khi nhận được kết quả dương tính đã ra cửa hàng thuốc mua đủ các loại thuốc từ hạ sốt, tăng đề kháng, kháng viêm… mà không đọc kỹ hướng dẫn hoặc để đảm bảo yên tâm cứ uống một lúc rất nhiều loại thuốc. Anh B.V.P ở TP Hòa Bình đang trong tình trạng như vậy. Ngày 2/3, sau khi có biểu hiện sốt nhẹ, rát họng, test nhanh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, vợ anh P. liền ra cửa hàng thuốc mua 6 loại thuốc, cùng với lọ xịt họng đưa vào phòng cách ly cho anh. Trong đó có thuốc hạ sốt, vitamin tổng hợp, thuốc kháng viêm và thuốc khi điều trị mất khứu giác, vị giác. Anh P. không sốt nhiều nhưng biểu hiện ho khá nặng, anh lúng túng không biết uống loại thuốc nào. Vì thuốc bán theo vỉ, uống theo ngày nên không có giấy hướng dẫn sử dụng thuốc. Uống nhiều thuốc và uống thuốc khi không có triệu chứng là tình trạng chung của nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay.
Cũng từng trải qua tình trạng này khi là F0 có triệu chứng khá rõ, chị B.T.M, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: "Có những loại thuốc khi nào khó thở mới uống, hoặc có những thuốc chỉ khi mất khứu giác, vị giác mới uống. Mỗi người phát bệnh một triệu chứng khác nhau, bị triệu chứng nào thì uống thuốc điều trị loại đó, không phải uống tất cả các loại thuốc điều trị Covid-19. Vì vậy, cách tốt nhất là khi triệu chứng đến đâu thì nhờ bác sỹ tư vấn. Uống nhiều loại thuốc quá lại phản tác dụng”.
Từ thực tế đó, theo khuyến cáo của ngành y tế, người bệnh Covid-19 không nhất thiết phải uống quá nhiều loại thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch và không nên dùng 2 loại kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn, không cần xông hơi quá nhiều dễ gây mất nước, mất điện giải và tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Việc dùng thuốc không đúng không chỉ gây nhờn thuốc mà còn có thể dẫn đến những tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan, thận. Vì vậy, khi dùng thuốc nhất thiết phải có tư vấn của bác sỹ.
Đinh Hòa
VTV.vn - Theo Bộ Y tế, từ 16h ngày 4/3 đến 16h ngày 5/3, cả nước 131.817 ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 88.572 ca ghi nhận tại cộng đồng.