(HBĐT) - "Hậu Covid-19" hiện đang là vấn đề rất nhiều người bị mắc Covid-19 quan tâm. Trên các diễn đàn, nhiều "bác sỹ online" tiếp tục chia sẻ các đơn thuốc để chống hậu Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng thuốc quá đà không hạn chế được những di chứng hậu Covid mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.


Khám, tư vấn điều trị hậu Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Cao Phong.

Sau khi khỏi Covid-19, anh T., phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) trở lại với công việc bình thường. Tuy nhiên vào buổi tối, anh T. thường xuyên trải qua những cơn đau tức ngực kèm khó thở. Mỗi lần như thế, anh T. phải ngồi dựa lưng vào tường, tự hít thở sâu những cơn đau tức ngực mới hạ dần. Tình trạng đau tức ngực, hụt hơi và mệt mỏi cũng là triệu chứng xảy ra đối với nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh. Chị N.N.H, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) cho biết: Dù đã qua ngày âm tính thứ 3 nhưng tôi vẫn ho nhiều và tức ngực. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên bị mất ngủ, có lúc phải dùng đến thuốc an thần mới ngủ được vào ban đêm.

Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi Covid-19, nhiều bệnh nhân khỏe lại nhanh chóng nhưng cũng nhiều người mắc các triệu chứng hậu Covid. Đó là các triệu chứng khác nhau như có thể còn sốt nhẹ, khó thở nhẹ hoặc hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt, ho, đau đầu, tức ngực, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, có thể đau cơ, khớp. Hoặc có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác. Cũng  có thể xuất hiện rối loạn giấc ngủ hoặc khó tập trung tư tưởng, thay đổi tâm trạng. Một số người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan, hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng. 

Lo lắng với các triệu chứng hậu Covid-19, nhiều người lại bắt đầu với cuộc chiến hậu Covid. "Tôi vẫn tiếp tục uống các loại thuốc bổ phế để giảm triệu chứng ho, đau ngực. Ngoài ra, bổ sung thêm một số loại thuốc bổ não, các loại vitamin tổng hợp để tăng cường đề kháng" - chị N.M.L, một bệnh nhân đã khỏi Covid-19 cho biết. Mặt khác, không ít người thay vì sử dụng các loại thuốc thông thường để tăng đề kháng, tăng sức khỏe đã lựa chọn nhiều đơn thuốc, nhiều loại thuốc chữa hậu Covid-19 được rao bán tràn lan trên mạng. Không khó để có thể tìm được các loại thuốc điều trị hậu Covid-19 bán trên mạng. Với những tiêu đề bắt mắt như: Đau khớp hậu Covid-19 cải thiện như nào cho hiệu quả? Mất ngủ do Covid-19 uống thuốc gì?... Rất nhiều loại thuốc được giới thiệu để điều trị các triệu chứng hậu Covid-19, từ sản phẩm đông y đến tây y, thực phẩm chức năng lẫn thuốc "xách tay”. Tuy nhiên, tìm hiểu có thể thấy các loại thuốc điều trị hậu Covid-19 được rao bán trên mạng hầu như không có giấy tờ xác nhận nguồn gốc theo quy định, bao bì và hướng dẫn chủ yếu bằng tiếng nước ngoài, trong khi người bán hướng dẫn sử dụng thuốc rất qua loa.

Theo bác sỹ Trương Như Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi mắc Covid-19, người bệnh cần được tiếp tục hỗ trợ hoặc cố gắng tự phục vụ mình trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện, điều đó vô cùng cần thiết và rất quan trọng, giúp người bệnh hậu Covid-19 phục hồi sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn. Trước hết, cần duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe khác như vận động nhẹ nhàng. Cần chú ý tập thở hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã, nhịp độ tăng lên từng ngày. Bên cạnh đó cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3 - 4 lần, mỗi lần 5 - 10 phút), việc làm này giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể. Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly nên tham gia các hoạt động cùng người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không có hướng dẫn của bác sỹ để tránh những nguy cơ tai biến có thể xảy ra do lạm dụng thuốc. 

Đinh Hòa

Các tin khác


Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

5 cách hạ huyết áp không cần dùng thuốc

Huyết áp cao là nguy cơ hàng đầu làm tăng mắc bệnh tim và đột quỵ. Mặc dù nhiều người đang dùng thuốc để hạ huyết áp, nhưng đối với những người mắc chứng tăng huyết áp giai đoạn 1 không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc.

Ca tử vong do bệnh dại gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều 13/3 cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong...

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được công văn của một số Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung kích, tình nguyện vì sức khỏe nhân dân

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện có gần 300 đoàn viên. Với sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, chi đoàn có điều kiện thuận lợi để triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cấp giấy chứng nhận cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Tháng 2/2024, thực hiện thẩm định, đánh giá theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý chuyên ngành tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nông, lâm, thủy sản. Qua đó đánh giá 13 cơ sở xếp loại B.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục