(HBĐT)-Hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) qua hình thức online rất phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm tốt, chất lượng, nhiều sản phẩm chức năng, thực phẩm BVSK được người bán thổi phồng công dụng; nhiều sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định nhưng vẫn được giao bán với những lời có cánh nhằm đánh lừa người mua.
"Bí quyết bị F0 vẫn khỏe, da vẫn đẹp", "kinh nghiệm của gia đình bất tử"..., đang nghỉ cách ly tại nhà do bị Covid-19, đọc được những dòng quảng cáo trên của một người bạn đăng tải trên mạng zalo về hai loại thực phẩm chức năng có thể "đánh bay Covid" với giá hơn 1,3 triệu đồng/lọ 1.200 viên, chị Lan (TP Hòa Bình) rất hứng khởi quyết định tìm hiểu thông tin để mua cho cả nhà sử dụng. Trực tiếp nhắn tin cho người bạn giao bán sản phẩm trên trang cá nhân, chị Lan nhận được lời cam kết: Sản phẩm chất lượng, đắt xắt ra miếng. Chưa thực sự yên tâm, chị Lan thông tin thêm về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh để xin tư vấn sử dụng sản phẩm thì "nhà cung cấp" khẳng định đã là thực phẩm chức năng thì ai cũng có thể dùng được. "Nghe bạn ấy trả lời như vậy tôi thực sự cũng hơi hoang mang, hỏi bạn đã dùng sản phẩm chưa được biết bạn chưa dùng sản phẩm mà chỉ đăng tải bài viết theo diện cộng tác viên, khi đăng bài nếu ai có nhu cầu mua bạn mới liên hệ với đại lý để nhận sản phẩm về bán. Sau khi biết được điều đó tôi không dám dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng giao bán trên mạng nữa, kể cả là người quen giao bán" - chị Lan chia sẻ.
Thực tế, câu chuyện chị Lan chia sẻ không phải là hiếm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mạng xã hội đã trở thành một công cụ hữu hiệu để bán hàng online. "Có một đội ngũ cộng tác viên chuyên làm nhiệm vụ share bài (chia sẻ bài viết) bất cứ một mặt hàng nào mà tổng kho hoặc đại lý yêu cầu và hưởng "hoa hồng". Trong đó, ngoài các sản phẩm gia dụng có cả thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng" - chị Nguyễn Thị Loan, cũng là một người chuyên đăng bài quảng cáo trên zalo cá nhân tại TP Hòa Bình cho biết.
Không nắm rõ thông tin sản phẩm, cam kết bằng những lời có cánh, cắt ghép những đoạn clip, tin nhắn khách hàng mua sản phẩm... là những chiêu thức để bán các mặt hàng thực phẩm chức năng theo hình thức online hiện nay. Đặc biệt, đánh vào tâm lý người xem về vấn đề hình thể và nhu cầu tương tác cao trong đại dịch Covid-19, một số clip quảng cáo thực phẩm BVSK đã thổi phồng công dụng của sản phẩm. Đồng thời, tìm cách củng cố lòng tin của người tiêu dùng bằng những chiêu trò dùng thử, cam kết hiệu quả tức thì. Dạo qua các "chợ mạng" online không khó để bắt gặp những sản phẩm như các loại thực phẩm chức năng giảm cân, thực phẩm chức năng từ đông trùng hạ thảo, chăm sóc sắc đẹp... với những lời tư vấn có cánh. Tuy nhiên, thực tế chất lượng sản phẩm như thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, chưa được kiểm chứng.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2021, Cục đã xử lý 197 trường hợp vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm BVSK, chủ yếu trên các trang mạng xã hội; xử phạt 28 cơ sở với 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng liên quan đến quảng cáo thực phẩm BVSK. Đánh giá về công tác quản lý quảng cáo thực phẩm BVSK, theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), hiện các vi phạm về quảng cáo thực phẩm BVSK, nhất là trên zalo, facebook khá phổ biến nhưng khó xử lý, vì nhiều trường hợp các website đặt máy chủ ở nước ngoài khó kiểm soát. Mặc khác, nhân lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực còn hạn chế về số lượng, năng lực chưa đáp ứng được tình hình thực tế.
Liên quan đến sản phẩm và quảng cáo các sản phẩm thực phẩm BVSK, năm 2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành quyết định về việc thu hồi hiệu lực giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với 2 sản phẩm là sữa và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt sản xuất tại huyện Lương Sơn.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm BVSK tương đối đầy đủ và chặt chẽ, hành lang pháp lý về xử lý trong lĩnh vực này cũng đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những khó khăn trong công tác quản lý. Trước tình hình đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lưu ý: Thực phẩm BVSK không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm BVSK qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm; đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm BVSK luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; chọn mua sản phẩm thực phẩm BVSK có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Đ.H