Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 78.000 người mắc, 30 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đã phát đi thông điệp nhắc các địa phương phải vừa chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực phòng chống SXH và các dịch bệnh khác, tránh để dịch chồng dịch.

Điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM.

Điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM.  

Ca mắc tăng nhanh

Theo Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số mắc SXH trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao.

Trong khi đó, TP HCM là địa phương hiện dịch SXH đang "nóng bỏng”. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, từ đầu 2022 đến nay, TP HCM đã ghi nhận 1.111 ổ dịch. Các quận, huyện có ca mắc SXH cao là Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, TP Thủ Đức, Củ Chi và Tân Phú.

Trong số 30 ca tử vong do SXH, thì riêng TP HCM đã ghi nhận 10 ca, trong đó nhiều nhất là Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), quận 11 (1 ca), TP Thủ Đức (1 ca).

Trong khi đó, BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang hôm 1/7 cho biết, từ đầu năm đến ngày 19/6, toàn tỉnh ghi nhận 5.685 ca mắc SXH, tăng 417,8% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 259,6% so với số ca mắc trung bình 5 năm (2016-2020). 10/11 huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng (trừ Tri Tôn) vượt trên 100% so với cùng kỳ 2021; trong đó 6/11 huyện có số ca mắc tăng trên 500% so với cùng kỳ 2021 như: Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Phú Tân. Hiện An Giang chưa ghi nhận ca tử vong do mắc SXH.

Căn cứ những diễn biến dịch tễ, một số chuyên gia y tế tại TP HCM đang đánh giá nguy cơ chủng SXH D2 tăng nhanh ở khu vực phía Nam. Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, từ các quan sát trước đây, khi có chuyển đổi type virus gây bệnh thì số ca mắc sẽ thường tăng cao.

Tại buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị SXH do Bộ Y tế tổ chức mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh: Dịch SXH bùng phát trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị.

Các chuyên gia cũng cho hay, năm nay số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Không bỏ qua thăm khám, xét nghiệm

Theo PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương, nhiều người bị SXH nhưng không biết, bởi những ngày đầu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng giống với sốt virus thông thường, nên chủ quan ở nhà mua thuốc uống thuốc. Ngày thứ 4-5 trở đi bệnh nặng, lúc đó bệnh nhân không được xét nghiệm kịp thời, dẫn đến cô đặc máu, nguy cơ tử vong cao.

BSCK II Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM nhấn mạnh, việc chẩn đoán và phân loại SXH ban đầu rất quan trọng. Cần chẩn đoán phân biệt Covid-19 cấp tính, sốt phát ban, viêm não, sốc nhiễm khuẩn… Còn SXH có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu. Chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh <100k/microL, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền.

Cũng theo BS Tiến, đối với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết).

Đặc biệt, khi mắc SXH và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Thai phụ cần đề phòng

Theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, thời gian qua ghi nhận 3 ca tử vong vì SXH và 7 ca quá nặng được gia đình xin về, trong đó có 2 thai phụ. Hai bệnh nhân mang thai này tự mua thuốc uống khi có triệu chứng sốt, bệnh nặng hơn mới nhập viện điều trị. Khi đó tình trạng đã muộn, bệnh nhân bị sốc, được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới - tuyến cuối về điều trị SXH tại TP HCM. Theo BS Nguyễn Trọng Duy, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), điều trị sốc SXH trên thai phụ phức tạp hơn các bệnh nhân khác.

Từ các ca tử vong vì SXH, Sở Y tế TP HCM khuyến cáo phụ nữ có thai là một trong hai nhóm nguy cơ SXH diễn tiến nặng, bên cạnh trẻ em béo phì. Tuy nhiên, đến nay phác đồ quốc gia về điều trị SXH, cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa có hướng dẫn điều trị riêng cho nhóm này.

Theo BS Lê Võ Minh Hương - Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ, SXH trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho mẹ và thai nhi. Ở phụ nữ mang thai, virus có khả năng gây bệnh nặng hơn do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Người bệnh có thể tử vong do thoát huyết tương hoặc xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích. Ngoài ra, một phụ nữ mang thai bị SXH có thể gây nên các tác động xấu cho thai, như trẻ sinh nhẹ cân, sinh non hoặc thậm chí tử vong. Nếu mẹ bầu bị SXH trong lúc sinh, khả năng băng huyết sau sinh rất cao.

Biểu hiện của bệnh SXH ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị SXH, để giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, phụ nữ có thai cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp.

Theo báo Đại đoàn kết



Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục