(HBĐT) - Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ (CSSK) Nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trạm y tế xã Chiềng Châu (Mai Châu) được trang cấp nhiều loại thuốc đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Bà Bùi Thị Nhỉn, xóm Bai Vớn, xã Định Cư (Lạc Sơn) đến trạm y tế xã để khám sức khỏe. Bà Nhỉn chia sẻ: Tôi bị ho, tiền sử bệnh huyết áp cao nên đến trạm y tế để khám, lấy thuốc điều trị. Phòng khám rộng rãi, sạch sẽ. Cán bộ trạm y tế nhiệt tình, trách nhiệm nên tôi thấy yên tâm, tin tưởng. Trước đây, mỗi khi gia đình có người ốm, chúng tôi phải vượt quãng đường dài đến Trung tâm Y tế huyện để điều trị. Từ khi có nhà trạm mới, với những bệnh thông thường, người dân có thể khám, điều trị ngay tại trạm, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trạm trưởng trạm y tế xã Định Cư cho biết: Trạm y tế cũ được xây dựng từ lâu, các phòng chức năng, thiết bị y tế hỏng, xuống cấp, khó khăn cho việc khám, điều trị bệnh cho người dân nên phần lớn bà con khi ốm thường phải lên Trung tâm Y tế huyện. Hiện nay, trạm y tế mới được xây dựng, diện tích hơn 600 m2 với 10 phòng chức năng. Từ khi có cơ sở mới, người dân địa phương đã yên tâm đến trạm. Trung bình mỗi ngày có 25 - 30 người bệnh đến khám, lấy thuốc tại trạm.
Trạm Y tế xã Mai Hạ (Mai Châu) cũng vừa được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 7/2022. Trạm có 2 dãy nhà 2 tầng, 14 phòng chức năng, các thiết bị y tế cơ bản được trang bị, đảm bảo tốt công tác CSSK ban đầu cho Nhân dân.
Bác sĩ Ngần Thị Sọi, Trạm trưởng trạm y tế xã Mai Hạ cho biết: Xác định công tác CSSK ban đầu cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, trạm duy trì lịch trực, không kể cuối tuần, ngày nghỉ lễ... Trung bình mỗi ngày có 15 - 20 bệnh nhân đến khám, điều trị. Trạm cũng triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án quốc gia về y tế như tiêm chủng mở rộng, giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh....
Hiện nay, 100% trạm y tế xã trong toàn tỉnh và trung tâm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, tạo thuận lợi cho người dân. Một số bệnh mãn tính đã được quản lý tại trạm y tế, người bệnh hàng tháng được khám, cấp phát thuốc ngay tại hệ thống y tế cơ sở. Trạm y tế là tuyến y tế gần nhất với người dân, thực hiện quản lý các đối tượng trên địa bàn như trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người khuyết tật, mắc bệnh mãn tính, tâm thần... Đối với các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên. Với quyết tâm cao, ngành Y tế nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chương trình mục tiêu quốc gia y tế được triển khai có hiệu quả; chất lượng khám, điều trị tại các cơ sở y tế không ngừng được nâng cao. Đến nay, số bác sĩ tại trạm y tế đạt 84,76%; số giường bệnh đạt 29,04/ vạn dân; 98% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 9,47 bác sĩ/vạn dân…
Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hệ thống KCB trong tỉnh luôn kết nối, liên thông đảm bảo hỗ trợ chuyên môn từ trung tâm y tế cấp huyện đến trạm y tế xã và từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến trung tâm y tế các huyện. 100% cơ sở KCB ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận tiện cho người bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc đã áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử; chất lượng KCB dần được nâng cao. Bệnh viện đã thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu giúp người dân giảm chi phí không phải đến tuyến Trung ương để điều trị như: can thiệp tim mạch, thay khớp, PT cột sống, tán sỏi qua da…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB ở các tuyến, phát triển y tế ngoài công lập, bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường hợp tác KCB từ xa, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương, chú trọng phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện, tuyến xã. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại bệnh viện tuyến tỉnh, khắc phục dần tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến xã. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng triển khai thực hiện, ứng dụng có hiệu quả hồ sơ sức khỏe cá nhân, hồ sơ, bệnh án điện tử...
Đỗ Hà
"Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus, lây qua đường tiêu hóa và hô hấp, phụ huynh, giáo viên cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tránh bị lây nhiễm chéo trong lớp học", ThS. BS Dương Quốc Bảo khuyến cáo.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ mắc số xuất huyết gia tăng nhanh; nhiều bệnh nhi đang điều trị tại đây đã trong tình trạng nặng.
Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
(HBĐT) - Đưa bác sỹ về cơ sở, ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị, áp dụng mô hình khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh... là những giải pháp đã, đang được Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đà Bắc triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân (CSSKND).
Được đánh giá là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp tích cực với lực lượng công an, ứng phó nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, không để bệnh viện trở thành tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và ùn tắc giao thông tại các cổng ra vào.
(HBĐT) - Ngày 15/8, Ban quản lý dự án khu vực tỉnh Hoà Bình phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức lễ bàn giao và đưa vào sử dụng công trình Nhà khoa Ung bướu và Phục hồi chức năng, cùng các hạng mục hạ tầng ngoài nhà thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình mở rộng.