(HBĐT) - Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Từ nguyên nhân bùng phát, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch hiệu quả.
Đến nay, DTLCP vẫn là "kẻ thù” số một đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bởi, khi lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Những năm qua, dịch bệnh nguy hiểm này đã gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh, những tháng cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không phát sinh DTLCP. Tuy nhiên, giữa tháng 7/2023 ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại xóm Cai, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn). Cụ thể, ổ dịch xảy ra tại đàn lợn của gia đình ông Bùi Văn Mạnh, xóm Cai, với 50 con lợn ốm, chết.
Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến bùng phát ổ dịch này do lợn bị mắc bệnh được chuyển từ nơi khác đến tiêu thụ tại xóm Cai. Mặc dù chính quyền địa phương đã kịp thời thực hiện tiêu huỷ, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn xã Tân Mỹ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng sau gia đình ông Mạnh đã ghi nhận thêm lợn của 5 hộ dân khác (thuộc xóm Cai và xóm Câu) bị mắc DTLCP. Từ tháng 7 đến nay, tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ trên địa bàn xã Tân Mỹ là 117 con, tổng trọng lượng 2.773 kg.
Đối với toàn tỉnh, từ giữa tháng 7 đến nay, DTLCP đã bùng phát và diễn biến phức tạp với 8 xã thuộc 3 huyện bị DTLCP. Trong đó, 2 xã đã công bố hết dịch, hiện 6 xã của 3 huyện còn dịch, gồm các xã: Bình Sơn (Kim Bôi); Tân Mỹ (Lạc Sơn); Phú Lai, Ngọc Lương, Hữu Lợi, Lạc Sỹ (Yên Thủy). Tổng số lợn phải tiêu huỷ 331 con, trọng lượng 14.596 kg. Ngoài số liệu ngành chức năng cung cấp, theo ghi nhận thực tế, tại một số xóm, xã (chưa công bố dịch) ở một số địa phương khác cũng xuất hiện lợn bị ốm, chết, nghi mắc DTLCP.
Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh: Một trong những nguyên nhân khiến DTLCP bùng phát là do một số hộ dân mua bán lợn giống trên môi trường mạng (người mua và người bán không biết nhau; liên hệ qua zalo, facebook hoặc sim rác), con giống không có nguồn gốc rõ ràng, hình thức thanh toán tiền qua trung gian thuê vận chuyển dẫn đến lây lan DTLCP. Đồng chí Phó Chi cục trưởng khuyến cáo, nếu hộ dân muốn phát triển chăn nuôi phải lấy lợn rõ nguồn gốc. Khi mua lợn về cần cách ly riêng với lợn của gia đình để theo dõi, kịp thời phát hiện lợn bị mắc bệnh để xử lý.
Đối với DTLCP, giải pháp để phòng, chống hiệu quả nhất là đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Theo đó, hộ chăn nuôi cần thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, phun khử trùng, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh. Địa bàn tỉnh có nguy cơ bùng phát DTLCP, bởi ở các địa phương đều đã từng xảy ra dịch bệnh. Trong khi đến nay dịch bệnh nguy hiểm này vẫn chưa có vắc xin. Ngoài ra, khu vực giáp ranh với các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao vì không có chốt kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, giải pháp quan trọng nhất là người dân phải nêu cao ý thức, cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh cần thông tin kịp thời cho ngành chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Viết Đào