"Mặc dù Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có các nghị định, thông tư hướng dẫn tạo ra khoảng trống pháp lý. Cùng với đó, các quy định chưa phù hợp khiến cho các bệnh viện gặp khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người bệnh”.
Đây là khó khăn được nêu ra ở buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố tại Bệnh viện Chợ Rẫy, diễn ra vào ngày 10/1.
Tại buổi giám sát, ông Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, năm 2023, Bệnh viện triển khai đấu thầu khoảng 200 gói thầu. Tuy nhiên, tỷ lệ đấu thầu mua sắm hàng hóa thành công chỉ khoảng 80%, còn khoảng 20% hàng hóa các loại không lựa chọn được nhà thầu. Nguyên nhân là do một số hàng hóa không có giấy lưu hành sản phẩm. Một số nhà thầu dù đã trúng thầu nhưng chậm cung ứng, gián đoạn cung cấp hoặc không có năng lực thực hiện hợp đồng dẫn đến không có hàng hóa phục vụ bệnh nhân. Một số trường hợp, Bệnh viện buộc phải để bệnh nhân mua bên ngoài để sử dụng trong quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị, Bộ Y tế sớm ban hành thông tư đề xuất cơ chế chi trả khi người có Thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc, vật tư trong việc đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.
Liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm, bác sỹ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy nêu rõ, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, hóa chất xét nghiệm cung ứng cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như: Việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật (cấu hình, chức năng, tính năng, thông số yêu cầu chuyên môn của người dùng) là khâu quan trọng nhất của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế nhưng rất dễ bị gây "khó dễ" bởi cho rằng đây là định hướng thầu, gây hạn chế nhà thầu, chỉ định thầu sai quy định. Trong khi đó, chưa có văn bản quy phạm nào hướng dẫn cụ thể cách xây dựng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Để giải quyết những hạn chế trên, bác sỹ Phạm Thanh Việt kiến nghị, Bộ Y tế cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cho việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật khi lập hồ sơ đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế; trong đó, cần quy định phạm vi được phép tham khảo tài liệu về thông tin thiết bị của các hãng và quy định các thiết bị đã công khai thông tin thì mới được tham dự thầu.
Theo bác sỹ Phạm Thanh Việt, hiện các bệnh viện rất e ngại khi đặt ra yêu cầu kỹ thuật của thiết bị mà chỉ 1 - 2 hãng đáp ứng được, bởi vì dễ bị đặt dưới góc nhìn theo hướng tiêu cực. Để an toàn cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, các bệnh viện công chỉ dám đặt ra các cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn cơ bản, mang tính phổ biến, nhiều hãng đáp ứng được. "Thực tế này khiến cho các bệnh viện công lập ngày càng thua các bệnh viện tư về mức độ hiện đại của trang thiết bị y tế. Chúng ta bị chậm so với các bệnh viện tư nhân khoảng từ 5 - 10 năm", bác sỹ Phạm Thanh Việt nhìn nhận. Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị, các thiết bị có cấu hình, chức năng, tính năng, thông số chuyên môn chuyên biệt chỉ giới hạn 1 hoặc 2 hãng đáp ứng thì Bộ Y tế quản lý giá hoặc triển khai đàm phán giá tập trung (giống như đối với thuốc biệt dược trong thời gian độc quyền sản xuất).
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, đơn vị đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, thách thức lớn nhất luôn là cạnh tranh để giữ vai trò chủ đạo bệnh viện công của Nhà nước như: Cạnh tranh về hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành bệnh viện; cạnh tranh về thương hiệu bệnh viện; cạnh tranh để duy trì phát triển bền vững các chuyên khoa. Hiện Bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ bảo đảm chi thường xuyên. Tuy nhiên nguồn thu giá khám, chữa bệnh phải theo quy định, thấp hơn nhiều so với bệnh viện tư nhân. So sánh với một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn, giá các dịch vụ kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy thấp hơn từ 4 - 12 lần. Người đứng đầu Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất, cần tính đúng, tính đủ, cập nhật kịp thời biến động giá của nguyên vật liệu đầu vào và có tích lũy. Việc trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, bổ sung thu nhập, phúc lợi, khen thưởng cần phải để cơ sở khám, chữa bệnh quyết định tùy theo tình hình thu - chi. Qua đó, tạo điều kiện nâng cao đời sống và tránh chảy máu chất xám tại các bệnh viện công.
Theo TTXVN
Tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao là nhận định của các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi tiếp nhận một cháu bé được sinh cực non. Sản phụ sinh non bé tại một trạm y tế thuộc huyện Tân Lạc khi thai nhi chỉ vừa tròn 26 tuần và nặng 700g.
"Giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan” - Đây là khuyến cáo vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra trong thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 đang cận kề.
Sáng 3/1, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội và phong trào CTĐ, công tác hiến máu tình nguyện (HMTN) năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 8/12, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 354/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Việc đầu tư cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Sáng 27/12, Sở Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.