Hội chứng tự kỷ tuy đã không còn xa lạ nhưng có thể nó vẫn chưa thực sự gần gũi với nhiều ông bố bà mẹ. Hậu quả là còn nhiều trẻ tự kỷ bị chẩn đoán muộn hoặc không được can thiệp tốt khiến cho trẻ khó hòa nhập cộng đồng.

Ở nước ta hiện chưa có số liệu thống kê nhưng trên thế giới vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX là 1 – 2 trẻ tự kỷ/10.000 trẻ, thập kỷ 90 là 3- 4 /10.000, năm 2001 – 2002 là 1/165, năm 2008 – 2009 là 1/110, riêng ở Mỹ cứ 50 gia đình thì có một gia đình có con bị tự kỷ. Giải thích về sự gia tăng này ThS. Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng đó là do nhận thức của xã hội về rối loạn tự kỷ đã tăng, mặt khác tiêu chuẩn để đánh giá, chẩn đoán tự kỷ đã được mở rộng hơn. Nếu trước đây những trẻ bị tự kỷ nhẹ thường bị bỏ sót thì nay đã được chẩn đoán.

Về nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ là do biến đổi cấu trúc não. Có rất nhiều yếu tố gây ra sự biến đổi này như bất thường gen, các chấn thương xảy ra trong quá trình người mẹ mang thai, sinh nở… Ý kiến cho rằng con tự kỷ là do bố mẹ ít quan tâm, trò chuyện là sai. Đây chỉ là một yếu tố thúc đẩy làm cho hội chứng này phát sinh, phát triển.

 Giờ sinh hoạt tập thể tại một lớp học dành cho trẻ tự kỷ.

Nhiều trẻ phát hiện muộn, can thiệp chưa tốt

Hiện nay các thông tin liên quan đến tự kỷ có khá nhiều trên mạng internet, các website, các câu lạc bộ, các địa chỉ chẩn đoán, tư vấn, can thiệp cho trẻ tự kỷ cũng không phải hiếm hoi. Thế nhưng vẫn còn khá nhiều người không cho con em mình đi khám sớm, hoặc điều trị đến nơi đến chốn.

Trường hợp của cháu Nguyễn Thanh N., 31 tháng tuổi, ở Lạng Sơn hiện đang điều trị tại Khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương là một ví dụ. Hiện cháu không nói được, giao tiếp kém, không nhìn vào mắt người đối thoại, khuôn mặt ít biểu lộ tình cảm. Khi sinh hoạt lớp cháu không tham gia nghe cô giáo nói, không tham dự vào các trò chơi tập thể của lớp, chỉ ngồi và nhìn đi đâu. Theo các bác sĩ, cháu N. bị tự kỷ ở mức độ tương đối nặng, đòi hỏi sự can thiệp tích cực trong thời gian khá lâu.

Mẹ cháu, chị Nguyễn Thị L., 38 tuổi, một dược sĩ làm việc tại Trung tâm y tế dự phòng TP. Lạng Sơn cho biết: “ Cháu là con gái thứ hai trong gia đình, chị cháu hiện đang học lớp 7 và hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Trong quá trình mang thai và sinh nở cháu đều bình thường, cháu sinh ra nặng 3,7kg. Hàng ngày cháu ở với người giúp việc, tôi đi làm cả ngày tối mới về. Cũng do bận công việc nên tôi không có nhiều thời gian chơi với cháu. Khi được 12 – 13 tháng cháu cũng bập bẹ như những trẻ khác. Khi được 17 – 18 tháng trong một lần đi khám họng tại bác sĩ nhi của một phòng khám tư, tôi có nói với bác sĩ về việc chậm nói của cháu nhưng bác sĩ bảo không sao, cháu hoàn toàn bình thường, chắc chỉ chậm nói tí thôi. Sau đó tôi cũng thấy cháu có ít nhiều tiến bộ, cháu tỏ ra biết hơn một chút nhưng vẫn chưa nói được. Mãi đến gần đây qua tìm hiểu trên mạng internet tôi mới cho cháu xuống đây khám và điều trị vì ở TP.Lạng Sơn không có giáo viên hay trung tâm nào dạy cho trẻ tự kỷ.”

Cháu trai H., 31 tháng tuổi, ở Quảng Ninh, là một bé trai bụ bẫm, khỏe mạnh, nét mặt khôi ngô, tuấn tú, nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy. Cháu là con trai đầu, là cháu đích tôn trong nhà. Chị M., 28 tuổi, mẹ cháu tâm sự: “Khi cháu được 2 tuổi, em thấy cháu vẫn chưa nói được, gọi thì không quay lại, cháu tỏ ra thờ ơ với mọi người. Em có nói với bà nội cháu, là hiệu trưởng một trường mầm non của tỉnh đưa cháu đi khám nhưng bà cứ khẳng định cháu hoàn toàn bình thường chỉ chậm nói thôi. Bà bảo nếu em cứ quyết tâm cho con đi khám chỉ để giải quyết vấn đề tư tưởng. Sau này có bận đi khám em đưa cả bà nội cùng đi lúc đó bà mới tin. Con có làm sao người mẹ nào chả buồn lòng, đây cháu lại mắc chứng nan y này. Đi đâu, ai hỏi có dám nói con bị tự kỷ đâu. Xã hội đa số vẫn miệt thị, chê bai. Em chỉ dám nói là con bị rối loạn chức năng ngôn ngữ. Em mong cả gia đình cùng với em tích cực chữa trị cho cháu, mong mọi người ai có thông tin gì mới về tự kỷ cùng chia sẻ.”

Trường hợp của cháu trai Q.A, tuy đã 10 tuổi nhưng vẫn không học xong lớp 1, mặc dù cháu phát triển hoàn toàn bình thường, cháu vẫn nói được, cháu đang được điều trị từ vài tháng nay tại Trung tâm Lucky Duck, xóm Ké, thôn 7, Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội do TS. Trần Thị Thu Hà, nguyên Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương làm giám đốc. Trong giờ chơi xếp hình cùng các bạn trong lớp Q.A xếp đẹp và khéo léo nhất, trí tưởng tượng của cháu khá phong phú. Và rất nhiều trường hợp, có cháu đang nói tự nhiên không nói được nữa, đi khám mới phát hiện bị tự kỷ. Có cháu lại được phát hiện sớm nhưng gia đình chủ quan bỏ điều trị đến lúc nặng hơn mới quay lại chữa tiếp khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài hơn…

Can thiệp thế nào?

ThS. Quách Thúy Minh cho biết tự kỷ là một rối loạn mà hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Khi trẻ bị tự kỷ thường có các bệnh lý kèm theo như tăng động, động kinh, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, lo âu ám ảnh, ám ảnh sợ… Các cháu tự kỷ thường sống thu mình, mặc cảm, khó hòa nhập xã hội. Hiện tự kỷ chưa chữa khỏi được. Chỉ có thể giúp trẻ hòa nhập xã hội. Độ tuổi can thiệp tích cực nhất là từ 2 -3 tuổi, sau 3 tuổi việc can thiệp ngày càng trở nên khó khăn, tỉ lệ thuận với tuổi của trẻ. Kết quả điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của tự kỷ, khả năng trí tuệ trẻ, phương pháp cũng như quá trình dạy dỗ.

TS. Trần Thị Thu Hà giới thiệu về Chương trình đặc biệt Smart kid – Bé thông minh. Theo TS. Hà trẻ tự kỷ không những được can thiệp để có thể nói được, hòa nhập được với xã hội mà còn phải phát triển trí tuệ mà Chương trình Bé thông minh chính là một công cụ hữu hiệu giúp các bé trong vấn đề này.

Hiện nay tuy đã có những phương pháp chữa trị cho trẻ tự kỷ như ôxy cao áp, châm cứu, lọc các kim loại nặng, chế độ ăn… nhưng theo các chuyên gia nước ngoài thì liệu pháp hành vi ứng dụng vẫn là phương pháp can thiệp có hiệu quả nhất, có chứng cứ khoa học rõ ràng nhất. Những phương pháp khác chỉ là xu hướng đang được các nhà khoa học tìm kiếm. Hiện Khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng liệu pháp này, đặc biệt chú trọng phương pháp dạy trẻ giao tiếp bằng tranh.

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ chủ yếu bằng tâm lý và giáo dục. Các bậc cha mẹ cần phải học hỏi cách dạy trẻ từ các nhà chuyên môn, sau đó cùng phối hợp tích cực dạy con tại nhà mà không nên có tâm lý trông chờ ai thay mình dạy con được. Cần kiên trì dạy trẻ mọi nơi mọi lúc, nhằm giúp trẻ có thể tự lập dần dần và hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Để chữa trị được cho trẻ tự kỷ không chỉ riêng ngành y tế mà là quá trình phối kết hợp của 5 chuyên ngành khác nhau: bác sĩ nhi khoa, cán bộ tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, giáo viên mầm non và cán bộ xã hội.

Vẫn còn nhiều bác sĩ do không cập nhật được thông tin về hội chứng tự kỷ nên không chẩn đoán được hoặc bỏ sót, hoặc nhầm giữa tự kỷ với tăng động và các bệnh lý khác.

Hiện nay khu vực phía Bắc, không phải tỉnh nào cũng có trung tâm cho trẻ tự kỷ, vì vậy nhiều trẻ phải đi trị liệu ở xa, tốn kém nhiều, cha mẹ phải bỏ việc để đưa con đi chữa. Xã hội còn thiếu các trường lớp, các trung tâm cho trẻ tự kỷ. Vì vậy các bậc phụ huynh cũng rất mong Nhà nước quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo thêm nhiều giáo viên giáo dục chuyên biệt, mở thêm các lớp đặc biệt trong trường bình thường để các cháu tự kỷ có thể theo học ngay tại địa phương mình.

 

                                                                             Theo Báo SKĐS

Các tin khác

Công ty CP sản xuất đá xây dựng Lương Sơn luôn đề cao an toàn lao động trong sản xuất và chăm lo tốt đời sống công nhân lao động.
Không có hình ảnh
Xương bình thường -   Xương bị loãng
Không có hình ảnh

Chậm phát triển tâm thần : Hậu quả và biện pháp khắc phục

Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) không phải là một đơn thể bệnh mà là một nhóm trạng thái bệnh lý khác nhau về nguyên nhân, bệnh sinh nhưng có chung một bệnh cảnh lâm sàng đó là sự trì trệ về phát triển tâm thần có tính chất bẩm sinh hoặc mắc phải chủ yếu trong 3 năm đầu đời khi hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh về cấu trúc.

Gần 40.000 người mắc bệnh tay chân miệng

Thông báo của Bộ Y tế ngày 4/9 cho biết, số người mắc bệnh tay chân miệng trong cả nước vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Thị trường bánh trung thu: Chung một nỗi lo vệ sinh

Ngoài việc 63/63 tỉnh, thành phố chủ động kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Trung thu, sẽ có 6 đoàn kiểm tra liên ngành TƯ tăng cường kiểm tra tại 18 tỉnh, thành trọng điểm, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương… Liên quan đến các hoạt động này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP.

Món ăn - bài thuốc trị bệnh đau lưng

Tôi mới hơn 40 tuổi nhưng đã rất hay bị đau lưng. Xin hỏi có những bài thuốc nào chế biến đơn giản mà có tác dụng trị được bệnh này? Trần Lâm (Đông Anh)

Bệnh viện TƯ Quân đội 108: Thay khớp miễn phí cho 80 bệnh nhân nghèo

Từ ngày 8 đến ngày 12-9, các bác sỹ của Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện TƯ Quân đội 108) sẽ phối hợp với Tổ chức Operation Walk phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng miễn phí cho 80 bệnh nhân nghèo, mỗi khớp trị giá từ 45 đến 80 triệu đồng.

Ứng dụng KH-KT cao trong chẩn đoán và điều trị người bệnh

(HBĐT) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 33 khoa, phòng với hơn 530 cán bộ. Xác định trình độ tay nghề của các y - bác sỹ và ứng dụng các tiến bộ KH-KT có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng KCB, Ban Giám đốc bệnh viện luôn coi trọng nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KH-KT vào hoạt động chuyên môn. Đồng thời, có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho nguồn nhân lực tại chỗ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục