(HBĐT) - Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND, ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh chiếm 26,14%, trong đó có 34.029 hộ nghèo, chiếm 15,49% số hộ toàn tỉnh. Bên cạnh mục tiêu quan trọng đưa huyện nghèo Đà Bắc thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỉnh khẩn trương thực hiện các chính sách, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên toàn địa bàn.





Sàn giao dịch việc làm huyện Lạc Sơn cung cấp, tư vấn cơ hội việc làm trong nước, ngoài nước đến người lao động các xã, thị trấn nhằm thúc đẩy giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Đòn bẩy từ các chương trình, dự án

Tháng 9/2022, anh Bùi Văn Lợi (SN 1992) ở xóm Ấm, xã Văn Nghĩa chính thức xuất cảnh sang Đài Loan làm việc có thời hạn theo hợp đồng. Bà Bùi Thị Lảnh, mẹ anh Lợi cho biết: Qua chương trình phiên giao dịch việc làm và hội nghị tư vấn ở địa phương, gia đình đã gặp gỡ, nắm bắt thông tin từ nhà tuyển dụng và động viên con trai thứ hai tham gia xuất khẩu lao động với mong muốn ở nơi xa xứ, anh Lợi có môi trường làm việc phù hợp với khả năng, có nguồn thu nhập tốt và nâng cao trình độ tay nghề để sau này về nước vừa có vốn tích lũy, vừa dễ dàng xin vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, cùng với dự án 4 - phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chương trình hỗ trợ việc làm bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.

Cũng như hơn một nửa số chị em đang làm việc tại cơ sở may Sơn Duyên (xóm Hợp Thành, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy), chị Bùi Thị Nhất ở xóm Tròng, xã Bảo Hiệu hoàn thành khóa học nghề may theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở, dành cho đối tượng lao động thuộc  hộ nghèo, cận nghèo. Chị Nhất tâm sự: Chị em ở nông thôn thường ít có lựa chọn hơn về nghề nghiệp do còn bận bịu với vai trò phụ nữ trong gia đình. Làm việc tại cơ sở may gần nhà giúp chúng tôi vừa thu xếp được việc nhà, vừa phát triển kinh tế. Cơ sở có đơn hàng đều đặn nên công việc và thu nhập của chị em ổn định, hưởng theo sản phẩm với mức bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị em nào sắm máy may tại nhà có thể nhận hàng về làm, không nhất thiết phải đến cơ sở.

Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, các đơn vị dạy nghề đã mở 77 lớp nghề cho trên 2.300 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tổ chức Ngày hội việc làm quy mô cấp tỉnh thu hút 40 doanh nghiệp, hơn 1.000 lao động tham gia và nhiều phiên giao dịch việc làm, lớp tư vấn chuyên đề cho người lao động là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và một số người làm công tác trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho người lao động, thân nhân NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các địa phương triển khai hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 66 dự án, trong đó 31 dự án đã thực hiện, 35 dự án đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để triển khai. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng huyện Đà Bắc được hưởng lợi dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Việc hỗ trợ thực hiện trong năm 2023 với 860 hộ, trong đó 494 hộ xây mới, 366 hộ sửa chữa nhà ở.

Tăng cường chính sách giảm nghèo thường xuyên

Trong các năm 2021 - 2023, các chính sách giảm nghèo thường xuyên tiếp tục được duy trì, tác động tích cực đến đời sống KT-XH. Nổi bật là chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, tỉnh đã tổ chức mua, cấp phát hơn 937.000 thẻ BHYT miễn phí cho trên 33.500 lượt người nghèo, 24.865 lượt người nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT, 527.686 lượt người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, 17.342 lượt người sống ở vùng ĐBKK, 39.568 lượt người thuộc hộ cận nghèo, 18.376 lượt người là đối tượng bảo trợ xã hội và một số đối tượng khác với tổng kinh phí hỗ trợ trên 600 tỷ đồng. Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo được triển khai ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư, nhất là ở các xã ĐBKK, vùng sâu, vùng xa, góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Thông qua quỹ Vì người nghèo, tỉnh đã vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 875 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí huy động 32,4 tỷ đồng. Việc hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã ĐBKK, hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, ưu tiên đối với học sinh mẫu giáo, học sinh dân tộc ít người, học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, học bổng và phương tiện cho học sinh khuyết tật, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp được thực hiện tốt với tổng kinh phí khoảng 488 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ tiền điện, hộ nghèo, hộ chính sách xã hội toàn tỉnh được hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK và đối tượng khác được triển khai kịp thời, đầy đủ. 

 Đặc biệt, từ chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu. Trong 2 năm (2021-2022), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã cho trên 67.500 lượt khách hàng vay vốn. Trong 8 tháng năm 2023, có gần 19.200 lượt khách hàng được vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm với doanh số cho vay gần 745 tỷ đồng, trong đó có 3.296 lượt hộ nghèo, 2.515 lượt hộ cận nghèo, 1.366 lượt hộ mới thoát nghèo.

Bà Chu Thị Vượng, hộ nghèo xóm Quyết Chiến, xã Tú Lý (Đà Bắc) chia sẻ: Năm 2022, tôi được vay 60 triệu đồng từ kênh tín dụng chính sách xã hội để mở rộng quy mô chăn nuôi bò sinh sản. Hiện đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt tạo nguồn sinh kế bền vững. Gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc đàn vật nuôi thật tốt, trả lãi, trả nợ đúng kỳ hạn và sớm thoát nghèo. 

Đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Với đối tượng trọng tâm là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn, mục tiêu giảm nghèo đã và đang được thực hiện bao trùm. Các dự án, hoạt động của chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên của bản thân người nghèo đã chuyển biến từng bước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nhận thức mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

(Còn nữa)


Bùi Minh

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục