(HBĐT) - N.T.N, xã Tân Thành (Lương Sơn) sinh năm 1999, có quen biết và nảy sinh tình cảm với N.M.T ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Trong một lần gặp gỡ, N.T.N đã lấy trộm 1 điện thoại iphone plus, 1 điện thoại nokia, 1 đồng hồ đeo tay và 440.000 đồng của N.M.T. Khi phát hiện bị mất tài sản, N.M.T đã làm đơn trình báo Công an huyện Lương Sơn đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
Sau đó N.T.N đã đến Công an huyện Lương Sơn đầu thú khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Qua định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản huyện kết luận tài sản N.T.N đã trộm cắp có tổng giá trị 18,9 triệu đồng. Tổng số tiền và tài sản N.T.N đã trộm cắp của N.M.T là 19.340.000 đồng. Viện KSND huyện Lương Sơn đã quyết định truy tố N.T.N về tội trộm cắp tài sản quy định tại Khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự (có các mức hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo, tù có thời hạn).
Trợ giúp viên pháp lý (TT TGPL tỉnh) tham gia tố tụng bào chwax, bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án gây thương tích tai phiên tòa do TNAD huyện Đà Bắc xét xử.
Khi thực hiện hành vi phạm tội, N.T.N đang là học sinh, thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý (TGPL), là người chưa thành niên. N.T.N đã có đơn gửi Trung tâm TGPL tỉnh yêu cầu được TGPL. Trung tâm đã cử các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) Đàm Thị Hương và Phùng Thị Thoa tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can N.T.N. Qua quá trình theo vụ án và bào chữa tại phiên toà, với bị án tuổi đời còn trẻ, chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả hành vi phạm tội và đã thành khẩn nhận tội, các TGVPL đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án thấp nhất, tạo cơ hội cho bị án trước ngưỡng cửa cuộc đời, tương lai đang ở phía trước. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt N.T.N hình phạt cải tạo không giam giữ 6 tháng, mức thấp nhất của khung hình phạt.
TGVPL Đàm Thị Hương chia sẻ: Trên đây là một trong rất nhiều vụ án đã tham gia với tư cách là người bào chữa, đại diện quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, bị can. Huyện Lương Sơn cũng là địa bàn có số vụ việc TGVPL tham gia tố tụng nhiều so với các huyện trong tỉnh. Đối tượng được TGPL phạm nhiều tội như hiếp dâm trẻ em, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… Là đối tượng được TGPL nên các đối tượng phạm tội đều có những hoàn cảnh nhất định, trong đó khá nhiều trường hợp là trẻ vị thành niên, hiểu biết pháp luật hạn chế, việc tham gia tố tụng của TGVPL cũng không như công việc hành nghề của luật sư mà hoàn toàn miễn phí, do đó đòi hỏi người trợ giúp viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, nhiệt tình để hoàn thành tốt công việc.
Đồng chí Lưu Văn Thường, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Cùng với tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng là các hình thức TGPL được quy định trong Luật TGPL. Đối với địa bàn tỉnh, trong những năm qua, TGPL lưu động và TGPL thông qua tham gia tố tụng là những hình thức TGPL có hiệu quả tích cực. Trong năm 2016, các TGVPL tham gia tố tụng 109 vụ, tăng 8 vụ so với năm 2015, trong đó có 101 vụ án hình sự, 8 vụ dân sự, đáp ứng 100% vụ việc đại diện, bào chữa cho các đối tượng được TGPL khi có yêu cầu hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm.
Trung tâm TGPL tỉnh hiện có 14 TGVPL. Theo quy định, TGVPL do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và được cấp thẻ. Đến nay, đội ngũ TGVPL của Trung tâm cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, thể hiện qua đề nghị mức hình phạt đối với đối tượng được TGPL trong quá trình bào chữa được Hội đồng xét xử chấp thuận chiếm tỷ lệ cao. Qua quá trình TGVPL tham gia tố tụng cho thấy các vụ án, vụ việc xảy ra nhiều là hiếp dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tranh chấp đất đai, kiện đòi tài sản, đòi bồi thường ngoài hợp đồng… Địa bàn xảy ra tập trung chủ yếu ở các huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn. 95% vụ án TGVPL tham gia từ giai đoạn điều tra, có những vụ theo từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử mất 3 - 4 tháng đến hàng năm.
Thực tế, hoạt động tham gia tố tụng của TGVPL cũng giống như việc hành nghề của luật sư bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Tuy nhiên, đặc thù đối tượng yêu cầu TGVPL bào chữa cũng phải là đối tượng được TGPL miễn phí, đó là người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em, người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số… Ngoài nguyên nhân thiếu hiểu biết pháp luật, trình độ dân trí hạn chế, không ít trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết éo le, phức tạp. Không có thù lao, không thu phí, lệ phí từ người được TGPL, với mỗi vụ án, các TGVPL đều phải dành thời gian đầu tư, nghiên cứu tìm ra những tình tiết có lợi cho người được TGPL, giúp họ bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Điều này đòi hỏi mỗi TGVPL không chỉ có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm mà còn phải có sự tâm huyết, tận tâm với nghề.
Đồng chí Lưu Văn Thường, Giám đốc Tung tâm TGPL cho biết thêm: Hiện còn nhiều đối tượng chưa biết đến công tác TGPL cũng như hình thức TGPL tham gia tố tụng. Thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song song với TGPL lưu động, TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng được xác định là hoạt động trọng tâm trong công tác TGPL năm nay. Qua đó giúp người được TGPL thực hiện quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật không phân biệt vị thế xã hội.
Hà Thu
(HBĐT) - Ngày 14/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 320/2016/TT-BTC về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Theo đó:
(HBĐT) - Thông tư số 220/2016/TT-BQP quy định hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác theo nhu cầu của quân đội được ban hành ngày 29/12/2016.
(HBĐT) - Ông Bùi Văn Hải (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường cần những giấy tờ gì?