Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa.
Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Là địa bàn miền núi, trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do vậy, để nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của đề án, ngay khi có hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã huy động các cơ quan, đơn vị tham gia; tận dụng mọi nguồn lực, kết hợp chặt chẽ với các chương trình, cuộc vận động liên quan để đề án đi vào thực tiễn, tạo chuyển biến thực chất, vững chắc về nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ban Chỉ đạo đề án các cấp đã rà soát, nắm chắc tình hình đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và cộng tác viên, hòa giải viên, người có uy tín ở cơ sở. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ này. Cơ quan quân sự các cấp đã khảo sát thực tế công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhu cầu pháp luật của nhân dân để đảm bảo tài liệu tuyên truyền sát, đúng, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Trong đó, chú trọng vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Với tinh thần "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, sau 3 năm triển khai (2021 - 2024), Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh và các huyện, thành phố đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh đã mở 8 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho 500 lượt cán bộ, chiến sĩ. Hàng năm, phối hợp vận động trên 650 lượt cán bộ, đảng viên và 300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, trở thành nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức phổ biến trực tiếp; nói chuyện; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin nội bộ, bảng, biển, biểu ngữ, tranh cổ động; phát loa tuyên truyền; tủ sách, túi sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, bảng tin, bản tin của cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Phối hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn, tọa đàm, sân khấu hóa... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền gương điển hình trong chấp hành pháp luật, đấu tranh, phê phán các hành vi tiêu cực, sai trái. Qua đó, góp phần xây dựng xã hội an toàn, lan tỏa khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình, phong trào, sáng kiến hiệu quả ở cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những biện pháp, cách làm mới khoa học, hiệu quả trong thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình như: Phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Dân vận khéo”, xây dựng "Đơn vị dân vận tốt”... Qua đó, góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đặc biệt là ở các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đảm bảo an ninh trật tự, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế, xóa các hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Mạnh Hùng