Chỉ huy đơn vị tàu thuộc Lữ đoàn 170 trao đổi về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị với đoàn công tác Viện Kỹ thuật Hải quân và các tỉnh: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc.
Lữ đoàn 170 có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển đảo rộng hàng chục nghìn km2 ở phía Bắc Tổ quốc. Đây là vùng biển đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh của đất nước. Do đó, đơn vị xác định phải xây dựng lực lượng có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu cao. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp về công tác giáo dục chính trị nói chung, giảng dạy chính trị nói riêng, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn xác định công tác giáo dục chính trị phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ để triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, gắn với thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Đề án "Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
Từ cấp ủy, chỉ huy đơn vị đến cán bộ, chiến sỹ đều xác định rõ đột phá về đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị với phương châm "1 giảm, 1 tăng, 3 thực chất, 2 sát, 2 nâng” gồm: Giảm thời gian lên lớp lý thuyết; tăng thời gian học tập bổ trợ; dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra, đánh giá thực chất; sát đối tượng, sát thực tiễn; nâng cao nhận thức tư tưởng, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị và đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, đơn vị tổ chức thực hiện đúng nội dung, chương trình đã xác định, trong đó chú trọng đến các lực lượng thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển để biên soạn tài liệu rút gọn, sử dụng các video clip, đĩa DVD để giáo dục chính trị cho các đối tượng.
Thượng tá Lương Đức Khanh, Phó Chính ủy Lữ đoàn 170 cho biết: Do điều kiện sinh hoạt trên tàu, trên biển gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi yêu cầu chính trị viên các tàu phải tập trung biên soạn tài liệu rút gọn, có trọng tâm, trọng điểm để bộ đội nắm được nội dung, bản chất cốt lõi của bài học. Quá trình tổ chức giáo dục, các tàu đều có kiểm tra, đánh giá kết quả theo đúng quy định nhằm đảm bảo công tác giảng dạy chính trị trên các tàu không bị gián đoạn, không để thiếu nội dung.
Theo phân cấp, hàng tháng, hàng quý, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ thông qua phê duyệt bài giảng, dự giờ, bình giảng, gắn với tổ chức hội thi giảng dạy chính trị, làm mẫu, làm điểm ở từng cấp. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế và nhân rộng cách làm hay, hiệu quả. Nhờ đó, 100% cán bộ giáo dục chính trị được quy hoạch qua đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm và kỹ năng, phương pháp sư phạm tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực hiện mô hình "Cán bộ giáo dục chính trị làm tư tưởng giỏi”, Lữ đoàn đã quán triệt nghiêm túc, xây dựng kế hoạch làm điểm, tổ chức phát động đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Cán bộ giáo dục chính trị làm tư tưởng giỏi” với những nội dung, tiêu chí cụ thể, sát với chức trách nhiệm vụ.
Ngoài ra, Lữ đoàn còn thực hiện tốt Ngày Pháp luật, Ngày Chính trị văn hóa tinh thần ở đơn vị cơ sở. Chế độ thông báo chính trị hàng tháng được duy trì nghiêm, các thiết chế văn hóa, phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, pa-nô, truyền thanh nội bộ phát huy tốt chức năng đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo, chỉ huy với chiến sỹ cũng được thực hiện nền nếp. Từ cấp hải đội trở lên đều có câu lạc bộ quân nhân, phòng Hồ Chí Minh. Trên mỗi con tàu đều có các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả... Nhờ vậy, nhận thức về nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ được nâng lên, đều tận tụy, tâm huyết với công việc, chấp hành tốt kỷ luật, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thanh Sơn