(HBĐT) - Trong những năm qua, việc kết hợp phát triển KT-XH với đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh được thực hiện gắn kết chặt chẽ. Các chương trình phát triển kinh tế luôn được bố trí, xây dựng phù hợp từng khu vực và có tính lưỡng dụng. Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm nhiệm vụ QP-AN.
Theo Đại tá Vũ Thành Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh: Để nâng cao hiệu quả kết hợp, tỉnh đã chỉ đạo trong công tác quy hoạch phải luôn gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể với xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (KVPT). Các công trình dân sinh, trọng điểm luôn bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phục vụ phát triển KT-XH vừa bảo đảm QP-AN. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua mô hình "Xây dựng làng, bản văn hóa, QP-AN” trong KVPT tỉnh với phương châm "làng, bản ấm no, không còn nghèo đói; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng, xóm yên vui”. Đây là mô hình mang đậm bản sắc riêng của Hòa Bình với mục tiêu huy động, phát huy nguồn nội lực, sự tham gia tích cực của người dân, làm cơ sở xây dựng KVPT huyện, tỉnh ngày càng vững chắc; xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận lòng dân, đoàn kết máu thịt giữa quân với dân, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân. Từng bước cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện quan điểm trên, thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố QP-AN. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp và đạt được những kết quả tích cực. Rõ nét nhất là nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và toàn dân về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN không ngừng được nâng cao, góp phần tạo ra nguồn lực kinh tế huy động phục vụ nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn.
Những năm gần đây, tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, ưu tiên các vùng trọng điểm về QP-AN. Các dự án đầu tư xây dựng được thẩm định chặt chẽ, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển KT-XH và khả năng động viên cho nhiệm vụ QP-AN. Hiện, tỉnh đã quy hoạch, đầu tư được 8 khu công nghiệp với diện tích 1.433 ha, 3 căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp tỉnh diện tích 420 ha, 15 căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp huyện diện tích 576 ha; tạo cơ chế thuận lợi cho hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động, quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn. Phát huy những kết quả đã đạt được và trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN.
Cùng với đó, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh phát huy tốt vai trò trong công tác tham mưu; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN ngay từ cơ sở. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, thông qua công tác huấn luyện, diễn tập, các đơn vị LLVT, các địa phương đã kết hợp làm công tác dân vận, giúp Nhân dân xây dựng nông thôn mới, huy động 19.420 ngày công nâng cấp, tu sửa trên 30km đường giao thông nông thôn; làm mới 3,3km đường liên thôn, liên xã; giúp Nhân dân cứng hóa 3.250m đường bê tông nông thôn; phát quang, đào đắp, khơi thông, nạo vét kênh mương nội đồng trên 46,9km; giúp các hộ chính sách tu sửa 24 nhà ở, dọn dẹp, cải tạo trên 40 vườn tạp, làm lợi tổng trị giá trên 4,1 tỷ đồng. Qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội nông thôn, nhất là ở các địa phương điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Mạnh Hùng