Trong 15 năm qua, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), các cơ sở nghiên cứu đã sản xuất được nhiều loại vắc-xin mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trong chiến lược kiểm soát và phòng, chống các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Ðó là, Công nghệ sản xuất và hiệu quả của bộ sinh phẩm chẩn đoán HbsAg Micro-Ilisa và vắc-xin viêm gan B từ huyết tương người; quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản và bộ sinh phẩm xác định vi-rút viêm não Nhật Bản và sốt Dengue; sản xuất vắc-xin tả uống; sản xuất kháng huyết thanh phòng bệnh dại; sản xuất vắc-xin phòng bệnh thương hàn vi.
Những kết quả nói trên tiếp tục được sự tài trợ của Bộ KH và CN phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm ở quy mô bán công nghiệp, đã hoàn thành nghiệm thu xuất sắc và đồng thời nhận được giải thưởng VIFOTEC trong năm 1996. Năm 1997 các vắc-xin này đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và được Chính phủ quyết định đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia để tiêm miễn phí cho trẻ em dưới năm tuổi. Tổng số các vắc-xin này cung cấp cho TCMR lên đến hàng chục triệu liều tính từ năm 1997 đến nay với tổng doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Ðây là một thành tựu về KH và CN đáng được trân trọng và tự hào.
Hiện nay các cơ sở nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ KH và CN, Bộ Y tế để tiếp tục tiến hành nghiên cứu phát triển một số vắc-xin: Nghiên cứu tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản từ chủng Beijing-1; theo xu hướng hiện nay của thế giới vắc-xin này sẽ cho hiệu quả bảo vệ tốt hơn do có miễn dịch chéo và hiệu suất cao hơn vì vậy có thể giảm được giá thành sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin sởi sống giảm độc lực, là vắc-xin duy nhất trong chương trình TCMR mà Việt Nam chưa sản xuất được và cũng là để tạo tiền đề cho việc tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin sởi từ Viện Kitasato, Nhật Bản do Chính phủ Nhật Bản tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại...
Việc sản xuất thành công các loại vắc-xin đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Về khoa học, chúng ta tiếp thụ các công nghệ mới và hiện đại nhất để sản xuất các loại vắc-xin hiện đại, theo kịp được trình độ sản xuất vắc-xin trên thế giới,... ngành dược có được hệ thống nhà xưởng thiết bị đáp ứng được các tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); có được một đội ngũ khoa học - kỹ thuật có thể làm chủ được các kỹ thuật công nghệ sinh học hiện đại của thế giới. Về bảo vệ sức khỏe cộng đồng: chủ động cung cấp đủ vắc-xin và sinh phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; khống chế tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh này gây ra trong các thập niên tới, tiến tới thanh toán các bệnh này hoàn toàn trong tương lai và góp phần thay đổi mô hình nhiễm bệnh của các bệnh nhiễm khuẩn này. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Về kinh tế: Tự túc hoàn toàn việc cung cấp các vắc-xin này trong nước, tiết kiệm ngoại tệ; giá thành vắc-xin tự sản xuất giảm ít nhất bốn lần so với nhập khẩu và như vậy có thể phổ cập tiêm phòng rộng rãi cho người nghèo. Vắc-xin Việt Nam sản xuất có thể được xuất khẩu và đem lại nhiều nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước; nâng cao khả năng cạnh tranh của vắc-xin trong nước qua việc thống nhất sản xuất và tiêu thụ.
ÐỂ phát triển lĩnh vực sản xuất vắc-xin nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và xuất khẩu, chúng tôi kiến nghị: Bộ Y tế chủ trì phối hợp Bộ KH và CN ưu tiên các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển các vắc-xin phòng một số bệnh nguy hiểm mà Việt Nam chưa sản xuất được. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Bộ Tài chính ưu tiên bố trí vốn trình Chính phủ phê duyệt để xây dựng các cơ sở sản xuất vắc-xin và sinh phẩm đạt các tiêu chuẩn GMP của quốc tế. Các cấp có thẩm quyền có những chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học đã tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học và ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh, góp phần nâng cao được trình độ KH và CN của nước nhà (quyền sở hữu trí tuệ giữa nhà nước và tác giả, các quyền lợi về tinh thần và vật chất kèm theo...). Có chính sách bảo hộ hàng hóa là sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất chứng minh được chất lượng, hiệu quả và được xã hội đánh giá cao. Có chính sách hạn chế hoặc không cho phép nhập những sản phẩm cùng loại với những sản phẩm là kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học mà doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực sản xuất cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo ND