(HBĐT) - Mấy ngày nay, sức khỏe bà Miên có vẻ khá hơn. Sáng bà dậy sớm, lại loạt xoạt tiếng chổi quen thuộc ngoài hiên. Khi đứa cháu nội bê đĩa bánh cuốn mời, bà vẫn xơi được 5 - 7 miếng. Rồi bà bảo cô con dâu mở ti vi. Tiếng phát thanh viên đang giới thiệu về một bài hát truyền thống cùng giai điệu trữ tình vang lên, khiến căn nhà thêm vui, thêm ấm. Nắng đã chảy tràn trên những hàng cau và giàn trầu trước nhà. Tiếng ve ran phía vườn xa vọng lại. Cả nhà mừng thầm khấp khởi.


Đến trưa, bà lục cục mở hòm xiểng (mà đứa cháu nội cười trêu là "bảo tàng”, "kho báu” của bà). Miệng bà lẩm bẩm: "Sao lại ẩm mốc thế này, nhòe hết rồi”. Rồi bà trầm giọng: "Sao lâu lắm thằng Việt, thằng Tân không về chơi… Mà lâu rồi, sao chưa thấy cậu Hà về”… Anh con cả động viên: "Bà cứ khỏe đi… Rồi các chú ấy và cậu sẽ về. Đang trên tàu từ Nam về rồi”. Nói thế mà mắt anh đỏ hoe, rưng rưng… Những thứ mà bà mang ra phơi đều là kỷ vật của những người lính từng một lần ngủ lại, nghỉ lại hay từng ngồi uống nước ở quán của bà… Còn cậu Hà, người em duy nhất, sau bao năm hòa bình vẫn chưa tìm thấy hài cốt…

Thời trẻ, bà Miên khỏe mạnh, tháo vát. Ông nhà đi "đội 202”, làm thủy lợi và dân quân suốt. Có đợt, mấy tháng trực trung đội trung liên săn máy bay Mỹ trên núi để bảo vệ cây cầu dẫn về huyện bên. Mình bà nuôi 4 đứa con. Dáng bà to cao, nên việc vác bao tải lúa 50 kg cứ phăng phăng. Búi tóc của bà chưa được buông bao giờ, lúc nào cũng gọn gàng. Hồi mà mọi nhà chỉ trông chờ vào thóc chia của hợp tác xã, bà đã là người tiên phong đi tìm giống, trồng lạc ở đất bãi sông. Bà cũng là người đầu tiên trồng mía kéo mật. Rồi khi bà mở quán nước ở lối rẽ lên con đường rừng, tựa vào dãy núi điệp trùng phía xa, bà bỗng trở thành người đầu tiên ở vùng này làm dịch vụ (nói theo ngôn ngữ hiện nay). Hàng bà bán "thượng vàng hạ cám”, từ hạt muối, chai dầu đến những sản phẩm bà trồng được. Thế mà nuôi được cả nhà. Thằng lớn cũng đã là một thanh niên chững chạc, khỏe mạnh cứ đòi đi bộ đội. Ừ thì đi, dù đang học dở dang. Cũng mất nửa năm chông chênh nhớ thương con. Lúc con lên xe đi, phải cố nín khóc cho con vững tâm. Nhưng đến khi những đoàn xe khuất sau mé đồi xa, chả riêng gì bà, mà bao người cứ khóc tu tu. Phía xa là chiến trường, là hòn tên mũi đạn… cầu mong con "chân cứng đá mềm”.

Cũng từ cuối năm đó, hàng quán của bà đông hơn khi có các đoàn quân đi qua. Vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, con đường tựa vào dãy núi lại trở thành con đường trung chuyển, để những đoàn quân tạt sang chiến trường C, B. Tháng nào cũng có mấy đoàn hành quân qua. Ngôi nhà của bà và những gia đình ven chân núi đã trở thành "trạm dừng chân” dưỡng sức, trước khi vượt dốc núi. Bộ đội trẻ, vui tươi, tếu táo làm rộn ràng xóm núi. Có thể chỉ là 1 đêm, có khi chỉ là nửa ngày, khi đêm buông, họ lại hàng ngũ đi về phía núi xa. Khi biết bà Miên có người con trai nhập ngũ năm trước và cậu em ruột nhập ngũ đầu năm, họ đều gọi bà là U, là Bu, là Mẹ… Bà mỉm cười mà nước mắt muốn ứa ra, không biết thằng Cả và cậu Sơn đang ở đâu. Trò chuyện, bà hay kể về cậu Cả lắm. Bao nhiêu độ nghịch, bao nhiêu tài lẻ của cậu được bà kể say sưa. Cánh lính thích nhất tài nắm đuôi trâu phi xuống dốc và tài bắn nỏ của con trai bà. Những buổi đi săn sóc núi…Chỗ thịt ngon nhất bao giờ cũng dành phần cho bố mẹ và em gái út. Trước mấy ngày nhập ngũ còn ra tận thị trấn lùng mua cho mẹ cái khăn quàng, mua cho em gái út bộ lược chải tóc. Đường xa, cậu cả "sáng tạo” cưỡi trâu gần chục cây số đến sát thị trấn thì gửi lại đi bộ vào (chắc ngượng). Đêm liên hoan chia tay, gần 10 cô gái trong xóm đến chơi, tặng quà. Nó có vẻ chưa thích chuyện riêng tư lắm. Nó bảo: "Cứ đi bộ đội đã. Việc kia tính sau. Nhỡ hứa hẹn, xảy ra chuyện gì, khổ họ”…

Cho nên, bà Miên thấy ở mỗi người lính một nét nào đấy của cậu Cả. Có họ, bà hay nghĩ đến con, nhưng cũng thấy vui lây, có cảm giác như con đang bên mình. Những dịp đó, cái được gọi là "công việc làm ăn” của bà coi như không. Mỗi đoàn đông đến 20 - 30 người chứ ít đâu… Bà và các chị trong xóm lo đi tìm chỗ nghỉ cho họ, rồi đi hái chè tươi nấu nước. Ngày cũng đến mấy nồi nước. Có buồng chuối cũng mang ra. Vào vụ lạc, mấy mẻ kẹo lạc coi như là món quà quê cho các con. Nhìn chúng nó uống chè xanh, ăn kẹo lạc… cười cười, nói nói mà mát cả lòng. Rồi các con chia sẻ: "Miền Nam đang thắng lớn. Không biết có vào kịp để đánh trận không?”… Nhiều đứa cũng tâm tư. Như cái thằng Việt nhà ở tận Lạng Sơn ấy. Có cái thật thà của người miền núi. Nó bảo thương nhất là chưa cùng bố lợp lại cái nhà cho khỏi mưa nắng; nhà đông em, không biết bố mẹ kiếm đủ gạo cho chúng ăn không. Cứ như ông cụ. Rồi thở dài. Bà phải nói át đi. Hôm đi, nó ghi lại dòng địa chỉ nhà nó vào 1 tờ giấy học trò. "Để mẹ không quên con”, nó tặng bà 1 con dao bổ cau thật sắc. Nó bảo đấy là sản phẩm rèn của nó hồi còn ở nhà. Cái dáng đậm đậm, tóc xoăn nhạt nâu, mắt hơi ưu tư khiến bà nhớ nhất… Trước khi đi, nó còn gánh cho bà mấy gánh nước từ suối về. Hàng trăm người lính đã uống nước, đã nghỉ lại quán nước, sao bà nhớ nhất Việt? Chả giải thích được. Nó cứ rủ rỉ mẹ mẹ con con như đã quen, đã gặp bao lần. Thằng Tân ở quê biển. Cứ hứa đi hứa lại nếu sau này ra quân sẽ về thăm bà và đưa bà đi ra bãi biển (vì cả đời bà chưa thấy biển bao giờ). Nó cũng là lao động chính nghề đi biển của cả gia đình… Bộ tóc rễ tre cùng khuôn mặt sạm đen, ngang tàng của nó khiến nhiều người nhớ…

Cậu Cả sau cuộc chiến giờ đã trở về để chăm lo cho cả nhà và là điểm tựa cho bà. Trong khi người em trai duy nhất không thể trở về. Quán nước lợp lá cọ mát rượi hồi đó cũng không còn. Nay bà ngồi đây, sáng sáng tựa cửa nhìn hút về con đường về phía núi, cùng những lát cắt, vụn vỡ của ký ức tràn về…


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục