Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.


Người ta bảo bố tôi không khéo nhưng chẳng ngại việc gì. Từ sáng đến trưa, lúc nào cũng thấy ông đánh vật với mảnh vườn. Chiều đến, bố tôi lại lên đồi kiếm củi. Ông đã dành cả thanh xuân để cải tạo vườn đồi nhưng tôi biết, đất đai cũng đem lại cho bố tôi sự trưởng thành từ đôi tay, bàn chân. Ông cần mẫn, miệt mài như một người nông dân thứ thiệt.

Thật khó hiểu, dù được sinh ra trong một gia đình khá giả ở thành thị nhưng bàn tay bố lại có một vết sẹo lớn. Ngày trước nghe ông nội kể, trong một lần đi học, bố tôi thấy một vật sáng lấp lánh dưới nắng. Đến gần phát hiện đó là một mảnh thủy tinh bị vỡ ra từ chiếc cốc pha lê rất đẹp. Từ nhỏ bố tôi chỉ được ngắm những chiếc cốc sứ Bát Tràng, cốc sứ Trung Hoa chứ chưa từng thấy sự trong suốt của một thứ mà sau này ông mới biết có tên gọi là pha lê. Ông vừa cầm trên tay thì thấy đồng hồ trên tháp điểm giờ nên vội vã đút vào túi áo chạy đến trường kẻo muộn. Khi đến lớp, vì vội vã mà ông quên béng đi mảnh thủy tinh ấy. 

Hôm đó là giờ Toán, thầy giáo đưa ra một bài thật khó. Cả lớp loay hoay chưa biết điền đáp án gì. Đúng lúc đang chăm chú giải và tìm ra đáp án thì chiếc bút chì bị gãy ngòi, bố tôi vội đút tay vào túi áo dạ để tìm chiếc bút thứ hai và chạm phải cái sắc lạnh của mảnh kính. Vết cắt ngọt đến mức khi ông vừa điền được đáp án vào trang sách thì cũng là lúc máu tứa ra đỏ cả trang giấy. Khỏi phải nói nỗi đau đó như thế nào và vết sẹo mãi hằn trong lòng bàn tay ông. Vết sẹo lấy mất đi những đường chỉ tay huyền bí của một người.

Mặc cho ai ngồi đoán non đoán già đường số mệnh, cha tôi vẫn cặm cụi với ý nghĩ "nhận định thắng thiên”, tất cả từ tay mình làm ra. Từ đó bàn tay ông có thêm nhiều vết sẹo nữa. Mỗi vết sẹo nói lên một sự nỗ lực, vượt khó.

Tôi nhớ nhất những đêm hè ở quê oi nồng. Khi ấy, những gia đình nông thôn chưa có quạt máy hay điều hòa nhiệt độ như sau này. Bởi thế, bàn tay bố lúc nào cũng phải phăm phăm cái quạt nan. Khi đi ngủ, một tay bố xoa lưng tôi, một tay quạt. Ban đầu, tôi ngọ nguậy không tài nào ngủ được bởi những chai sần trên bàn tay của bố cùng với vết sẹo khiến lưng tôi ngưa ngứa khó chịu. Nhưng dần dần, tôi thấy quen rồi thấy thích cái cảm giác ram ráp đó. 

Nhưng một ngày, tôi nhận ra giấc ngủ đến sớm hơn, đó là khi bố đưa tôi lên đồi, dạy tôi cầm cuốc cuốc đất, cầm dao phát cỏ và tập làm những việc của một người miền núi. Tối về, sau khi tắm rửa xong, tôi thấy toàn thân đau nhức, lâu dần thành quen, tôi chẳng cần những cái xoa lưng ấy nữa vẫn ngủ ngon.

Cha đóng cho tôi chiếc giường gỗ to hơn nhưng chẳng bao lâu sau tôi lại thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Từ đó tôi học xa nhà, xa những đồi, vườn và cả những ký ức về bàn tay của bố trong mỗi đêm hè. Một hôm mẹ tôi gọi điện bảo: "Con ở thành phố tìm đâu mua hộ bố cái dây đàn ghi ta. Bố mẹ già không biết đặt hàng trên sàn giao dịch điện tử”. Tôi khá bất ngờ, từ bao giờ bố tôi bỏ vườn tược, lợn, gà để say mê đàn ca, sáo nhị như thế nhỉ? Mẹ giải thích: "Ông ấy vốn là một tay đàn ghi ta có tiếng, từ ngày sinh con, mẹ lại công tác xa thành ra bố mới phải quay sang làm lụng. Bảo sao lóng ngóng đến thế…”.

Giờ tôi mới nhớ ra cây ghi ta gỗ bao năm treo ở góc nhà. Chưa kể thi thoảng anh em tôi lại tìm thấy cây sáo gài ở mái bếp. Lúc đó, hai anh em cứ hồn nhiên đem ra làm que đóm để nhóm củi mà chả hề hay biết mình đang hủy hoại những đam mê của bố một thời. Hóa ra vì chúng tôi mà bàn tay bố phải hy sinh rất nhiều.

Khi tôi ngồi viết ở đây, nơi quê nhà ông đang chơi đàn, một bài ghi ta xưa mà ông học được lúc tóc xanh giờ mái đầu đã bạc. Trong tiếng đàn ngân vang vượt ngàn xa cách ấy, có hơi ấm từ bàn tay cần mẫn, lo toan và sẵn sàng hy sinh cho một gia đình êm ấm…


 Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Phía trước là biển khơi

Trước khi lên tàu tham gia chuyến công tác ở đảo X, chị nhận được 2 tin nhắn thật dài của Huân, người chiến sĩ chị từng quen qua chuyến công tác cách đây 8 năm và của anh Vy, trưởng một ban của tờ báo nơi chị công tác. Chị khẽ mỉm cười, lòng vui lạ khi đọc tin nhắn của Huân: "Mỗi khi có tin đoàn chuẩn bị ra đảo, em luôn nghĩ là có chị. Chuyến đầu năm nay chị có đi chứ?”. Thôi, không nhắn trước, cứ để gặp cho có cao trào. Chị bật tin nhắn của anh trưởng ban. Có gì mà quan trọng hóa thế? Vẫn là câu chuyện cũ…

Mùa phượng cháy

Tản văn của Đức Dũng

Có ai đó quan sát, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm, rằng mùa phượng cháy là mùa thi của học trò cuối cấp phổ thông? Người đó nói đúng. Khi những chùm búp xanh non của phượng dần nhú ra thì tâm trạng của những sĩ tử tương lai hồi hộp, vừa lo lắng bận rộn ôn bài, vừa bâng khuâng buồn nhớ, chuẩn bị giã từ trường lớp thân quen, bỏ lại phía sau quãng đời hồn nhiên, thần tiên nhất không bao giờ trở lại.

Nghề và năm tháng...

Người em họ ở quê năm nào cứ dịp này lại nhắn tin chúc mừng, rồi đưa lên "phây-búc”, zalo những hình ảnh thật ấn tượng: Những bài báo em từng đọc, từng tâm đắc cắt dán kẹp thành tập, rồi biểu tượng của ngành, những bài báo em từng được đăng trên báo tỉnh khi với tư cách cộng tác viên... Thời buổi mạng xã hội tràn lan; tivi, ra-đi-ô không còn là mối quan tâm số 1... mà vẫn có người nâng niu từng trang báo in thì đó thật là điều đáng quý. Em trải lòng: "Điều kiện đi lại, nắm bắt thông tin của chúng em ở cơ sở không được đa dạng, phong phú như các anh. Được đi nhiều nơi thích anh nhỉ... Tháng 6 đúng là tháng của các anh. Chúc mừng...”



Tây Bắc yêu thương

Những ngày tháng Năm lịch sử, khi chứng kiến đoàn đoàn, lớp lớp người ngược đường 6, qua Hòa Bình, Sơn La để đến vùng đất Điện Biên Phủ huyền thoại, chú tôi xúc động lắm. Một tối ông cầm tập thơ đã cũ để đọc lại bài thơ từng đọc bao lần của Chế Lan Viên "Tiếng hát con tàu”. Giọng đọc khỏe, mạnh mẽ, truyền cảm khiến cả nhà đều xúc động. Trên truyền hình là chương trình ca nhạc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục