Cậu phụ xe cố gắng lục lại một lần nữa đống hàng hóa trong cốp, rồi lắc đầu. Thế là xong, nhà xe trả nhầm túi đồ của Cao cho khách nào rồi. 
- Tại cả ông nữa đấy, biết hôm nay mồng 3 mà còn về.
Mải nghĩ, Cao đã xách cái túi qua cổng nhà Mơ từ lúc nào. Đó là một cái đại lý phân bón và thức ăn chăn nuôi có tên Hải Mơ nằm chềnh ềnh như cái lô cốt ngay đầu ngõ. Hai đứa học cùng trường huyện, thế nào Mơ lại về làm dâu ở đây.
Nằm nhà, một hôm Cao mở cái túi của người lạ ra xem. Cuối cùng anh mới thấy một quyển sổ nhỏ nằm ở đáy túi.   Cao cố gắng lục lọi để tìm cho ra một cái tên ghi trong đó nhưng bất lực.
Đang mải mê, bỗng Cao nghe mẹ gọi:
- Mẹ đau lưng quá, ra đại lý Hải Mơ lấy hộ mẹ mấy bao cám cò. Xe bố vẫn cắm chìa khóa đấy. 
Cao ra đại lý, đứng nép hai người cùng xóm, khẩu trang bịt kín, Cao đọc tên mẹ, nhìn một người đàn bà trung niên lật trang sổ với khoản nợ riêng của mẹ mình dày đặc các con số, ngực Cao như bị đá đè. 
Húp qua bát canh rau nấu lá ớt, Cao nằm thở dài. Đời như một khúc ca buồn, có hát thế nào cũng không vui được. Cái gì cũng phải bắt đầu từ vốn liếng, như điện nguồn, như hạt giống. Bất giác, anh nhớ đến cuốn sổ. Bỗng Cao thấy có một lá thư được gài ở phía trong của bìa cuối. Bì thư được làm bằng giấy chứ không phải loại mua sẵn. Nhìn kĩ, nó mang hình một con chim bồ câu, cái mỏ gập vào cánh rất điệu. Phía trên có một hàng chữ: "Gửi mai sau, ai đó nếu có duyên sẽ gặp”.
Cao bàng hoàng khi mở bức thư ra, trong thư là hai mươi tờ năm trăm ngàn cáu cạnh. Cao lại thở dài. Nhưng rồi, anh nghĩ ra một lý do để tự thuyết phục mình: Thì mình chỉ mượn để làm ăn, mà cũng đáng, mình mất cái ba lô đầy kỉ niệm vào tay nó. Duyệt!
Chớm hè mà những cơn mưa đã hối hả như sợ chẳng kịp đưa dòng nước về với biển. Mẹ Cao ngồi sắp ra hai món tiền sau khi thu về vốn và lời lãi. Nhìn những đồng tiền đủ các loại cồm cộm, bám mồ hôi tay, bỗng Cao nhớ đến hai mươi tờ năm trăm ngàn mới cứng. Chẳng biết từ ngày lạc mất món tiền đó đến giờ, cô gái "điên điên” kia sống thế nào nhỉ? Nghĩ thế, Cao bước xuống bếp thấy mẹ đang thổi lửa.
- Con Mơ lại chả sướng đâu con ạ!
Mẹ không cần nhìn lên mà buông câu nói ấy khiến Cao đứng sững lại, chân vấp nhẹ vào bậu cửa bếp. 
- Sao mẹ lại nói với con như thế? 
- Mày đi vắng 7 năm, lần nào về cũng đàn đúm say sỉn. Chồng nó mất lâu rồi mày biết không?
- Mẹ nói gì? Chẳng phải chồng nó đi xuất khẩu lao động gửi tiền về thì nhà nó mới mở đại lý phân bón, thức ăn chăn nuôi đấy sao?
- Nhà ấy giấu đấy con ạ. Thằng Khang chồng nó sốc thuốc mất lâu rồi nghe bảo chôn luôn dưới quê. Từ lúc ông bố chồng tai biến, tất cả nhờ một tay con Mơ nó chèo lái cả. 
Như thế sợ Cao chưa hiểu ra, bà giục:
- Nó đang nói chuyện với bố mày ngoài phòng khách kìa, đến cả cái xe ga nó cũng bán, mày không nghe thấy tiếng con xe máy tàu của nó vừa lên dốc à?
Thoáng thấy Cao, Mơ có vẻ lúng túng. Nhưng rồi những câu chuyện của thời đi học lại giúp họ có vẻ tự nhiên hơn. Đợi khi cha mẹ đã mỗi người một việc, Cao hỏi bâng quơ:
- Mơ định sẽ kinh doanh mặt hàng này mãi sao?
Nói rồi chính Cao cũng thấy mình hỏi vô duyên. Nhưng Mơ thì toe toét cười:
- Không thì còn biết làm gì khác? Hỏi thế cũng hỏi. À, hay định bảo tớ lên góp vốn thả gà và ươm phong lan với cậu đấy.
Ai ngờ sáng hôm sau, mới bảnh mắt Mơ đã lên thật. Kế hoạch hợp tác được Mơ tiến hành theo kiểu áp chế khiến Cao không kịp phản ứng cứ phải dăm dắp làm theo đến bở hơi tai.
- Mình rút ra một kết luận - Mơ vừa nói vừa vặt một bông hoa xuyến chi đưa lên mũi ngửi: Cao từng làm nhiều việc nhưng chưa đến đâu đã bỏ thành ra không đâu vào đâu.
Cao không muốn cự lại vì quá mệt. Có bàn tay Mơ, như có phép màu, gà qué, cây cối cứ sinh sôi. Khi thu nhập đã ổn định, tất cả khó nhọc và lo âu đã ở phía sau, một hôm Mơ vân vê đuôi tóc nhìn Cao. Ngày xưa cái điệu vân vê tóc ấy làm Cao mê đắm.
- Tóc chúng mình bạc nhiều quá rồi Cao nhỉ?
- Thì mười năm rồi, Mơ định cứ thế… lên đây làm với Cao mãi à?
Mơ không trả lời, rồi như sực nhớ ra:
- Ngày xưa, Mơ với Cao có kiểu ảnh nào chụp chung không nhỉ? Hôm chia tay lớp 12 ấy.
- Có, nhưng mà, Cao để mất trong một lần đi xe khách.
Mơ lặng lẽ mở túi xách, lấy ra bức ảnh cũ xòe trước mặt Cao:
- Bức này đúng không?
Cao tròn mắt. Nhưng vừa kịp cho Cao thấy là Mơ lại cất ảnh đi ngay. Rồi Mơ lại hỏi:
- Cao còn nhớ ngày mới đi xuống huyện học, chúng mình có kỉ niệm gì không?
- Nhớ, mua hai cái túi du lịch màu xanh giống nhau.
- Ờ! (đôi mắt Mơ nhìn xa xăm). Cao đi nhiều, biết lắm, cái túi của Cao cũng bạc màu, túi của Mơ ít dùng nên còn mới. Vừa học được hai tuần cùng Cao thì Mơ phải bỏ học mà.
Có cái gì đó nghẹn trong lòng hai người. Cả hai đều lặng im, chỉ nghe thấy tiếng gió trong tán cây. Bất ngờ nắm bàn tay Cao, Mơ nhìn vào mắt anh:
- Đến giờ, Cao có thể tự làm những gì Cao muốn. Từ mai Mơ sẽ không lên đây làm với Cao nữa, cho Mơ xin lại cuốn sổ nhé.
Cao đứng như cái cây giữa vườn. Thôi đúng cái túi ấy, nét chữ ấy sao mình không nghĩ ra nhỉ? Nhưng tại sao mình lại cầm tiền của Mơ. Giờ Mơ đã biết thì sẽ phải nói thế nào?
- Là Mơ thử lòng cao đấy, xem cao có bản lĩnh dám làm điều gì ra hồn không? Mơ biết Cao khó khăn nhưng hay sĩ diện hão, đành làm cách này. Thôi trưa rồi, mình về đã.
Bóng Mơ và con xe cà tàng đã lướt xuống chân dốc. Từ đây xuống đó chỉ mấy bước chân, nhưng mà… Cao lấy xe máy cố đạp ga, đạp đến cái thứ mười mấy vẫn chưa nổ, chỉ có tiếng gió thổi xào xạc đám lá khô trong khu vườn…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục