(HBĐT) - Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay (đội ngũ cán bộ y tế, Công an, bộ đội…), lại chợt liên tưởng đến một đoạn trong bộ phim chiến tranh của Nga: Phim "Tinh cầu”, dù cuộc chiến chống dịch hôm nay không hề có bom rơi, đạn nổ. Để tạo điều kiện cho nhóm chiến sĩ đột nhập vượt qua chiến tuyến để lọt sâu vào sau lưng của phát xít Đức, hồng quân Liên Xô đã dùng pháo binh dội lửa đạn pháo để nhóm chớp thời cơ tiếp cận tiền duyên. Bình thường, con người phải cố gắng né hết mức có thể để tránh những lúc, những nơi bom rơi, đạn nổ, nhưng nhóm chiến sĩ phải lao vào vùng lửa đó để tạo nên những bất ngờ đối với đối phương. Vì thế, hình ảnh: trong ánh chớp của đạn pháo, họ đã lao lên và chìm lẫn trong khói thuốc súng, chìm vào bóng đêm cùng những tiếng nổ long trời, lở đất, thật ấn tượng. Chiến tranh và sự cảm tử anh hùng là như vậy. Hình ảnh đẹp, hào hùng đó cứ trở đi, trở tại trong tâm tưởng…khi nghĩ về những người trên tuyến đầu chống dịch hôm nay…
Hơn 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi… Miền xuôi, miền ngược, miền Bắc, miền Nam. Cả nước căng mình, các lực lượng và toàn dân chung sức, chung lòng phòng, chống dịch. Thật đáng nhớ hình ảnh các "chiến sĩ áo trắng”, lực lượng bộ đội, công an… ngày đêm miệt mài công việc ở các chốt kiểm dịch, khu cách ly, điểm điều trị, bệnh viện dã chiến…Và hình ảnh những chiến sĩ áo trắng, những chiến sĩ trong bộ đồ màu xanh bảo hộ được toàn dân ghi nhận, đánh giá cao. Họ đã trở thành niềm tin, điểm tựa tinh thần trong những lúc khó khăn nhất. Đã có biết bao bài báo, bộ phim, tác phẩm văn thơ viết về họ. Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ cho nhau về những nội dung bộ phim tài liệu "Ranh giới”, "Ngày con chào đời”, "Chuyện ở thành phố thức”,”Bình yên con nhé”… Dù chủ đề các bộ phim khác nhau nhưng đều xoay quanh trục: Những chiến sĩ áo trắng - Covid-19 - Những con người trong vòng xoáy của dịch, sự hy sinh thầm lặng, cùng tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam. Thật cảm kích, xúc động khi đọc bài thơ của một thầy thuốc nơi tuyến đầu với những chi tiết, hình ảnh lay động lòng người: Bệnh nhân đông, cấp cứu không kịp thở/ Tất bật suốt ngày rồi lại trực đêm/ Kiệt sức sõng soài lại gắng đứng lên Đồng đội tự chăm nhau như anh em thân thiết! (Trong tâm dịch Covid)… Chắc chắn, hiện nay và sau này, các nhà làm phim, nhà văn, nhà thơ… còn sáng tạo nên nhiều tác phẩm để phản ánh đầy đủ, cụ thể và xúc động về những ngày cả nước đồng sức, đồng lòng chống dịch. Trong đó, có những người chiến sĩ áo trắng, áo xanh luôn làm việc bằng tâm thế "Lương y như từ mẫu”, lăn xả cuộc chiến nước sôi, lửa bỏng này. Từ những câu chuyện đẹp, xúc động được thể hiện trên phim ảnh, báo chí, đến câu chuyện chống dịch hàng ngày ở mỗi khu dân cư, bệnh viện, trạm y tế, khu cách ly… đều đáng trân trọng và luôn là chất xúc tác thúc đẩy, động viên, đồng hành cộng đồng trong cuộc chiến này. Trong "đội quân” đó, những y, bác sĩ tỉnh nhà cũng tạo dựng được những sự cảm mến, sự chia sẻ, đồng cảm từ chính những việc làm cao cả của mình nơi tuyến đầu. Mới ngày nào, nhiều người tạm rời xa quê hương Hòa Bình vào "điểm nóng” ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương "chia lửa” cùng các đồng nghiệp. Không thiếu những nguy hiểm, gian khó cận kề ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng sống con người. Họ đã vượt qua điều đó và vượt qua cả những rào cản trong tâm lý, tình cảm (nỗi nhớ gia đình, con cái, bố mẹ, người thân…). Nay, ngay chính trên quê hương, khi số ca F0 tăng cao, họ lại là chính những người ở những nơi được xem là nóng nhất. Chị M. có người em làm ở Trạm y tế xã nọ thuộc vùng "đỏ” cảm nhận rằng: Y tế tuyến cơ sở là người "gần” F0 nhất. Xuống địa bàn, gặp thu thập mẫu (những người có nguy cơ cao), tiếp cận để tuyên truyền, tư vấn cho người dân; rồi có người bản thân họ trở thành F0, F1; qua điều trị, âm tính lại tiếp tục công việc thường ngày. Trạm cách nhà 100m, mà mấy tuần liền không thể ghé qua vì nhiều lý do; việc chăm sóc chồng con, hướng dẫn con học hành cũng đều qua điện thoại… Những tâm tư, lo lắng cũng thoáng dần qua, để mỗi ngày, mỗi đêm họ lại tiếp tục công việc ở nơi không có nhiều tiếng cười, tiếng nói mà chỉ có những ánh mắt, cử chỉ, những thao tác chuyên môn thuần túy và cả những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu thấy ấm lòng, thấy vững tâm là vì thế.
Tản văn của Bùi Huy
(HBĐT) - Là con thứ ba trong gia đình, cả nhà quen gọi cậu là út nhưng tên gọi của cậu trên khai sinh, học bạ là Thắng - Đào Xuân Thắng. Họ Đào sinh ra vào mùa xuân, khởi đầu của một năm mới, bởi vậy cha mẹ đặt tên Thắng cho có khí thế đầu đi đuôi lọt.
(HBĐT) - Từ ngày người bạn học cùng lớp "vỡ lòng” về hưu, thấy hay gắn bó với quê, mảnh vườn và cánh đồng trước nhà. Cũng vì thế, vào cuối năm, lại có dịp cùng trở về để được cảm nhận cuộc sống, cũng như nhịp thở, sắc màu cánh đồng quê nhà. Bạn bộc bạch: Mình là người sinh ra ở đây, vết bùn dính lưng ngay từ thời lẫm chẫm biết đi. Sau này về Hà Nội học đại học, đi làm nơi này, nơi khác, ở phố thị ánh đèn sáng như sao sa, rực rỡ, vậy mà trong giấc mơ lại chỉ thấy cánh đồng, cánh diều và tuổi thơ thời chăn trâu, cắt cỏ. Ấm áp, thân thương vô kể… Nên khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi chọn đất quê này và trở lại…
(HBĐT) - Đường làng Đặm chưa có đèn nhưng ổ gà lại nhiều vố số. Tháng Chạp này, xe chở gỗ đi qua nhiều hơn, đường lồi lõm hơn, giữa cái thời con gái khó hiểu thế này đêm hôm Hạo biết tìm vợ ở đâu?
(HBĐT) - Không hẳn nghe nhà hàng xóm mở "Thương nhớ mười hai” trên Youtube, hay nghe Tấn Minh tâm trạng, da diết trong "Những mùa đông yêu dấu”, mà chỉ vì một chiều mùa đông chợt thấy những ngọn khói lam chiều bay lên từ cánh đồng ngoại thành. Tiếng trẻ đùa nghịch bên bờ suối, cạnh đàn bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ. Thoảng trong gió, có "mùi” mùa đông se lạnh, cùng tiếng rơi của đám lá bàng đỏ đầu phố xào xạc mỗi khi đêm về...