(HBĐT) - Từ xưa đến nay, phố gầm cầu vẫn được coi là tụ điểm buôn bán ma tuý và dùng hàng trắng. Năm ấy, xóm gầm cầu có hơn 30 nóc nhà đều nể Tư "râu” nhất. Gã là người duy nhất không nghiện ngập, không đánh lộn và rất ít nói, đến cả cái trò ở truồng tắm sông như những gã đàn ông ở đây Tư "râu” cũng khước từ. Hàng ngày, gã sống nhờ vào nghề bơm vá, sửa xe. Ai hỏi thì nói, chẳng gây thù, chuốc oán hay nhìn đểu ai. Nhưng có điều chẳng bao giờ thấy có con nghiện nào dám chôm chỉa đồ đạc của gã.

 

Từ ngày bên kia sông có nhà máy mọc lên, dân xóm gầm cầu cũng háo hức với phong trào dịch vụ ăn theo nhưng chưa biết bắt đầu thế nào. Tư "râu” là người đi trước, gã sửa lại gian bên, có vệ sinh khép kín, bắn tôn, ốp trần nhìn khá sáng sủa. Nhưng đã   hơn 2 tháng chẳng thấy "ma” nào dám dọn đến. Người ta bảo, có ngủ bờ ngủ bụi còn hơn mò sang cái khu gớm ghiếc này.

Một sớm, Tư "râu” còn chưa tỉnh giấc đã có người hỏi nhà trọ của gã. Nhìn người muốn thuê là một cô gái dáng vẻ đen đúa, đồ đạc lỉnh kỉnh biết là dân từ quê ra, Tư "râu” vừa dụi mắt vừa nói:

- Đấy, phòng có thế, không điều hòa, nóng lạnh, mạng mẽo gì, điện nước dùng bao nhiêu thì trả. 

Nói vậy chứ gã thừa biết, đi thêm mấy mét nữa mà nhìn đám kim tiêm dưới bờ kênh thì có mà chạy bán mạng. Ấy vậy mà chiều muộn hôm ấy, khi    nhá nhem mặt người cô gái ấy quay lại với lỉnh kỉnh đồ đạc, toàn thứ cũ kỹ, bụi bặm

- Cháu hỏi bên kia toàn 2 triệu, triệu rưỡi. Khó khăn lắm mới phải sang đây chứ xóm này ẩm thấp lắm, mà chú bớt cho cháu được không chú?

- Triệu bạc giờ làm được gì, các cô nay mai ấm chỗ lại dắt trai về, đánh đấm nhau rách việc.

- Ơ, chú này hay nhỉ, sao chú lại nói cháu thế, không phải ai cũng sống như chú nói. Thuận mua vừa bán, không cho thuê thì thôi…

Nghĩ thế nào, nhìn cái dáng khổ sở của cô khi đạp nổ cái xe wave alpha chết đề, Tư "râu” gọi lại đưa chìa khóa phòng. Từ hôm ấy, ngày ngày gã lại bị tra tấn bởi thứ mùi xào nấu đến khó chịu. Trong xóm có đứa bảo gã dại gái, không biết sơ múi gì không mà tham 1 triệu bạc. Huấn đi qua tặc lưỡi bảo: Có người mở hàng là tốt rồi, cái gì mới chả khó. Mà biết đâu lại có cô muốn sang ở trọ cả đời với ông chủ.
Từ hôm về đây ở, Mùi thấy ông chủ nhà có cái gì đó tồi tội. Một hôm đi làm ca về, Mùi nghe thấy một ông khách sửa xe đá đểu:

- Tư này, tao nghe bảo cái "khoản ấy” của mày cũng "hưu” từ lâu rồi phải không?

Tư "râu” chẳng thèm vội vã, đưa bàn tay cáu bẩn dầu mỡ với điếu thuốc  đang cháy dở rít một hơi thật dài rồi lườm ông khách. 

- Nói ít thôi, đến đây thì đi vào giữa đường, ở đây khối thứ đâm cho ông thủng đấy.

Thấy thế, ông khách nhanh chóng trả tiền rồi chuồn thẳng nhưng qua khe cửa Mùi thấy Tư "râu” khẽ nhếch mép cười. Nụ cười đó làm cô không khỏi  băn khoăn.

Một đêm mưa không ngớt, Mùi vừa làm ca về đến xóm đã thấy tiếng người trong xóm nháo nhác. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì có người nói như hét vào mặt cô:

- Muốn chết hay sao mà còn đứng đây? Nước sông dâng lên cao lắm rồi.

Mùi vội vã quay xe chạy lên mặt đê, thấy mọi người trong xóm đã chen chúc trong các hàng quán bên đường. Năm nay nước sông lên dữ quá, người ta bảo 30 năm mới có một lần như thế này. Lúc này mọi người mới để ý không thấy Tư "râu” đâu. Anh cảnh sát khu vực, ông tổ trưởng dân phố gọi điện không thấy gã bắt máy. Có người bảo đêm hôm gã hay uống rượu, sợ say xỉn khéo lại chẳng biết đường chạy.

Chiều hôm ấy Tư "râu” thất thểu trở về. Gã bảo từ chiều mải đi nhậu với đám bạn trên thị trấn mà say xỉn. Thế nhưng có cái gì đó khiến Mùi phải suy nghĩ, từ những sự biến mất trùng hợp của gã vào cái đêm cô đi làm, từ lối sống lập dị không vợ con, không giao du với ai nhưng lại có "bạn bè trên thị trấn”. 

Hôm ấy, người ta thấy cảnh sát đến đưa Tư "râu” đi trong sự ngỡ ngàng của người dân xóm gầm cầu. Mấy hôm sau thấy báo chí đưa hình ảnh một người đàn ông trốn truy nã nhiều năm, sau khi thay tên, đổi họ đã trở lại buôn bán và tàng trữ ma tuý dưới vỏ bọc hiền lành, ít nói. Nhưng điều đặc biệt nhất, trong số các chiến sỹ công an dẫn giải tên tội phạm tên Tư "râu” có cả cô công nhân tên Mùi. Suốt bao ngày qua, cô đã phải "nằm gai nếm mật” từ việc học việc ở xưởng may cho đến khi tìm ra manh mối của vụ án mấy chục năm trước. 

Cùng với các trinh sát, Mùi được chỉ huy giao nhiệm vụ giả làm công nhân nằm vùng xác minh một người đàn ông cô nhận dạng có những nét tương đồng với tên tội phạm truy nã Lê Văn Cừ. Ngay từ hôm đầu đến đây, cô đã phát hiện ra vết thẹo sau gáy được gã che đậy bằng mái tóc dài. Lợi dụng nghề sửa chữa xe luôn cáu bẩn dầu mỡ, Cừ không để lại dấu vân tay nào trên những vật dụng hàng ngày. Nhưng có một điều mà người ta thắc mắc: tại sao hắn không chọn một nơi bình yên hơn mà lại chọn cái xóm gầm cầu luôn bị cơ quan chức năng để mắt tới này?

Một sáng mùa xuân, xóm gầm cầu giờ đã khang trang hơn với đèn chiếu sáng, đường được trải nhựa phẳng phiu. Thanh niên ở đây đa phần đều trở thành công nhân của khu công nghiệp bên kia sông. Người ta thấy một cô gái lặng lẽ dắt theo bà cụ tóc đã bạc, đôi mắt mờ đục. Bà cụ xúc động khi mở cửa bước vào căn nhà của Tư "râu”. Suốt những năm tháng ở bên kia sông, bà cứ ngỡ rằng đứa con duy nhất của mình đã biệt vô âm tín. Bằng thủ đoạn tinh vi, Lê Văn Cừ không đi đâu xa mà trốn ngay bờ bên kia con sông quê.

Bất chợt bà cúi xuống và thấy cái mặt dây chuyền có hình Phật Quan âm bà đã mua cho Cừ được nhét ở đáy tủ. Thì ra hắn không quên những gì bà dạy nhưng chưa bao giờ nhận ra và thức tỉnh. Mùi lặng lẽ đến bên bà, lấy khăn lau những giọt nước mắt cho người đàn bà bất hạnh đó. 

Giờ đây, cô chính là người luôn an ủi, động viên bà trong những lúc vui buồn cho đến ngày Lê Văn Cừ chấp hành xong án phạt tù để trở về hoàn lương…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục