Ngày nghỉ về quê, đúng ngày nhà bác gái chuyển dọn nhà cửa, thế là chúng tôi có dịp đến thăm căn nhà cũ. Bác ra tận ngõ đón, tiếng nói tiếng cười rổn rảng: "Biết chúng mày bận, bác đánh tiếng thăm dò và cũng nghĩ là 50/50 thôi, không ngờ cả nhà lại đến. Mừng húm…”.

Người chắc khỏe, giọng giòn tan, bác có vẻ trẻ ra đến mấy tuổi. Bọn trẻ nhà tôi xà vào lòng bà. Hơi ngạc nhiên, hai "quý tử” nhà bác lại không về nhưng không dám hỏi… Nói làm nhà mới cho sang mồm thôi, được tiền các con gửi về bác tu sửa nâng cấp nội thất và khu WC. Phòng ngủ cũng được lắp điều hòa. Tốt quá. Mùa gió Lào không bị lo quấy quả nữa, một thứ gió "đặc sản” ở chốn này. Khô rang, khó ở. Mấy đứa cháu hò nhau khuân đống sách, báo cũ trong phòng ngủ ra. Bác gái thảng thốt kêu: "Ối, để đấy thôi. Không phải chuyển sang phòng khác đâu”. Có gì mà nghiêm trọng vậy bác. Trời ạ, toàn là sách vở cũ hồi tiểu học của anh Tồ, anh Tẹt (tên hồi nhỏ của anh Tiến, Tuân - con trai bác). Cũng ngang tuổi chúng tôi nhưng là hàng anh…
Bác gái tôi - khi ông bà ngoại mất sớm vì bạo bệnh đã nghỉ học để chăm lo cho mấy người em, trong đó có mẹ tôi. Học hành dang dở, chữ nghĩa rơi rụng nên có lần bác tham gia các lớp bổ túc chỉ để mong đọc thông, viết thạo. Lo học hành, dựng vợ gả chồng cho các em rồi bác mới sang ngang, nên cũng hơi lỡ dở. Nên tuy là chị cả, lớn tuổi hơn rất nhiều nhưng 2 con của bác cũng không lớn hơn chúng tôi là bao. Bác gái cả đời nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó vậy mà ít gặp may mắn.
Người bạn đời của bác là một lái trâu chuyên đi về vùng thượng mua trâu, bò mang về xuôi. Nghe nói ông bác này có bố không rõ ràng, còn người mẹ thời loạn lạc, chiến tranh cũng xuất ngoại ở một nước nào trong khu vực Đông Nam Á. Bác ấy cũng đáng thương nhưng mang trong lòng nỗi uất hận người mẹ quá lớn, vết thương lòng không lành biến bác ấy cực đoan, thiếu đi sự ấm áp. Bác gái tôi ra thông điệp: "Anh giờ đã có gia đình, có vợ con đàng hoàng mà anh vẫn chưa dứt được chuyện cũ, ôm hận trong lòng, trách cứ đủ kiểu, rồi say sưa rượu chè. Như thế con cái bị ảnh hưởng, cuộc sống ô nhiễm…”. Không ai nghĩ, người đàn bà học ít như bác gái lại có thể có ý nghĩ sâu xa như vậy. Rồi, chuyến xe chở trâu cuối năm đó bác ấy rời xa mãi mãi, không một chút hồi âm. Bác gái và mấy anh chị em bố tôi lần theo địa chỉ mong manh về xuôi tìm nhưng bặt vô âm tín. Nghe bảo bác ấy sang Thái Lan hay lên miền sơn cước xa xôi làm ăn…
Bác gái thương con thiếu bố cũng suy sụp một thời gian, nhưng bác biết, con đường phía trước còn dài và việc nuôi dạy con không đơn giản. Bao nhiêu tình yêu thương, chăm bẵm bác dành cho anh Tồ, anh Tẹt. Nhìn đây thì biết, sách vở cũ của 2 con bác sắp thành từng cặp theo tên. Cặp này bác ghi bên ngoài "Tồ - lớp 1”, "Tẹt - lớp 2”… Chữ không đẹp nhưng to cồ cộ, rõ ràng. Tôi bật cười khi nhìn dòng chữ đó, nhưng khi lật giở vào các trang viết tập tô, làm toán của 2 anh họ, không thể cười nữa. Điều gì đó cứ dâng trào lâng lâng trong lòng, khó tả lắm. Bên cạnh lời phê và điểm chấm của cô giáo là dòng chữ của bác với những nhận xét rất ngộ. Sau mỗi lời phê là ngày tháng. Lạ thế. Những lời phê của bác đều là những năm tháng 2 anh đã đi học xa nhà. Từng chồng, từng chồng vở…
Tôi cứ tưởng tượng hình ảnh mỗi đêm, nhà vắng tanh, bên ánh điện vàng vọt, bác tôi sắp xếp, đọc lại những cuốn vở cũ và nắn nót viết những dòng phê còn sai lỗi chính tả mà thấm thía. Chả biết bố mẹ tôi còn giữ cho tôi cuốn vở cũ nào không? Còn đây nữa, những tờ tranh vẽ nguệch ngoạc của 2 con: ông mặt trời, bố mẹ, đàn gà con, con trâu, vườn dong riềng… Những ngày tháng đó, "kiến giả nhất phận” bác làm đủ nghề để có tiền cho con ăn học. Thời đó, việc 2 con đi học cấp III, rồi học đại học ở thành phố là chuyện không hề dễ dàng, nếu không nói là chuyện hiếm ở miền quê này. Bác làm miến dong, bột sắn dây, trồng ngô, nấu rượu, nuôi lợn… Bác có lần nói với mẹ tôi: "Chị giờ vừa làm cha, vừa làm mẹ, không mong giàu chỉ mong đừng ốm đau là mừng”. Mẹ tôi có lần can: "Làm cũng phải lượng sức, làm thế ốm ra ai lo cho Tồ, Tẹt”. Bác mạnh mẽ và quyết liệt khiến chúng tôi cũng bất ngờ. Nhất là chuyện bác đấu tay bo với tên dâm tặc xóm bên nửa đêm mò đến nhà bị bác lột áo, trói quặt cánh khỉ ra sau dẫn ra giữa sân đêm trăng vằng vặc. Làng xóm được phen tỉnh giấc, nhưng vì gã kia lạy xin nên không làm to chuyện nữa. Không hiểu sao câu chuyện lan truyền và bao lời đồn đoán về bác càng được thổi phồng, nào là bác có võ, nào bác có bùa phép gì đó mà có thể trị ngon lành tên kia…
Nghe những chuyện đó, bác ngồi thần ra nhìn xa xăm, khẽ thở dài mà trong đôi mắt lại như có ngấn nước. Rồi chuyện 2 anh Tồ, Tẹt nhất quyết đi tìm bố, người đàn ông lái trâu ngày xưa. Bác bâng quơ: "Bố người ta… Chuyện đấy cũng bình thường”. Chúng nó bảo, chỉ sợ bố giờ khùng điên loạn đầu đường, xó chợ nào đó thì khổ. Cho nên lâu rồi, chúng nó chỉ "giao lưu” với mẹ qua tài khoản ATM và điện thoại thôi, bao nhiêu ngày nghỉ lễ, cuối tuần là lên đường... Chúng tôi biết, trong lòng bác đang có những giằng xé ghê gớm. Biết đâu, người đàn ông đứng tuổi kia đã có những thay đổi mới?!


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Cậu bé ngoài đồng bãi

Truyện ngắn của Bùi Huy

Chuyện đời thường: Buổi sáng mùa thu ấy...

Đã có biết bao buổi sáng mùa thu mà ta đã đi qua. Chút se se, ẩm ướt mát lành trong không gian. Làn gió tinh khôi từ phía sông thổi tới; tiếng sóng nước rất nhỏ, dường như còn ngái ngủ... Ngọn núi trầm mặc phía xa bỗng được khoác một dây voan trắng rất mỏng. Tiếng chim lích chích ban sáng cũng khẽ khàng, đủ để đánh thức không gian. Lòng người cũng an lành, phấn chấn chào đón ngày mới…

Mùa bão về còn ai nhặt củi đem hong

Tản văn của Bùi Đức Thắng

Tìm thấy niềm vui


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Định cúi xuống, con chim sẻ yếu ớt nơi gốc đại già đang thoi thóp. Ông từ Cần đã đứng trước mặt Định từ bao giờ. Thoáng nhìn vết sẹo trên cánh tay trần của anh rồi nhìn chú chim nhỏ yếu ớt. Chỉ có sự nhẫn nại trước mất mát mới biến hung hóa lành, thức tỉnh chưa bao giờ muộn…

Những bông hoa trên biển xanh

Tản văn của Bùi Huy

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục