Dưới ánh nắng thật dễ chịu của ban mai, người ta có thêm những thích thú để ngắm nhìn đây đó. Bầu trời trong xanh và cao thoả cho những ước mơ bay lượn, ở đó, người ta gặp những đôi chim biển hiền hoà vỗ cánh ra khơi. Biển lặng. Vài gợn sóng lăn tăn lấp lánh ánh mặt trời thoáng hiện, thoáng mất làm cho biển đẹp đến lung linh. Lăm lăm máy ảnh trong tay, cô nhà báo cũng vội vàng lên tàu ra khơi. Mặc cho những ánh mắt tò mò dò xét, Duyên thản nhiên đưa máy tóm những cánh chim mòng, cô thích thú khi chộp được những con cá nhuồn nhảy lên khỏi mặt nước, bay ngang qua tàu. Thích thú bởi Duyên nghĩ những con cá kia cũng biết vui đùa hay đang thi thố tài năng với những quái thú đã quá quen thuộc khi mà ngày nào chúng cũng qua lại nơi vùng biển này. Đẹp và thong dong hơn là những con sứa biển đủ sắc màu bơi lượn trong làn nước, bên cạnh con tàu dềnh dàng chậm chạp rẽ sóng.

Bao nhiêu hồi hộp, lo toan ban đầu đã nhanh chóng tan biến trong Duyên bởi tàu đi khá êm, không chao lắc, chòng chành như cô tưởng và cũng do bao quanh cô là tiếng nói, cười rất hồn nhiên, vô tư của mọi người trên chuyến tàu này, nhất là bọn trẻ, chúng thoải mái chạy nhảy khắp nơi có thể. Điều đó giúp Duyên thêm can đảm để đứng lên đi vòng ra sau buồng lái nhìn vào đất liền. Cô đưa máy lên nhưng lại hạ xuống bởi đất liền giờ chỉ là một dải màu xanh nhạt rất mỏng nằm bẹp dí giữa trời và nước bao la.

Đã quá trưa mà tàu vẫn lênh đênh trên biển. Duyên cảm thấy khát và đói. Thật tệ. Cô tự trách mình bởi cô không nghĩ là quãng đường chưa tới ba chục hải lý mà tàu đi đã 4 giờ rồi mà vẫn chưa tới nơi. Cô ngồi xuống sàn tàu thở dài nhìn về xa xôi.

- Cô gì đó ơi, uống miếng nước nhé? - Một bà hàng ra chiều tâm lý trao cho cô ly trà nguội.

- Cảm ơn chị, cho em xin. Em vụng về quá...

- Lần đầu ra đảo à?

- Vâng, lần đầu.

- Còn tiếng nữa mới tới nơi, ăn trưa với tôi nhé. Tôi mời.

- Em cũng thấy đói nhưng thôi ạ, em chịu được.

- Việc gì mà phải thế, không ăn trên tàu thì lên bến cũng phải ăn, với lại, tôi có nhiều thức ăn sẵn đây. Tôi mua, ra đó bán mà.

- Sáng mai bán sao?

- Không, chiều và tối chứ. Đó là giờ dân đi biển về.

- Thì ra là vậy. Có bánh mì không, bán cho em một ổ là được rồi.

- Có chứ, bánh mì giờ đâu phải là món ăn chỉ để cho người nước ngoài hay dân thành thị. Tuy không nóng hổi vừa thổi, vừa ăn như ở phố nhưng ra đó nướng lại là cũng thơm ngon mà. Trẻ con ở đảo chỉ cần thế, chấm với nước cá kho là xong bữa sáng. Ba ngàn. Quá rẻ phải không cô nhà báo? Nhưng ba ngàn có khi kiếm cũng không ra...

- Thật tội nghiệp nhưng sao chị biết em là nhà báo?

- Cái máy ảnh to và dài của cô đã nói lên điều đó.

- Cả tàu cười ồ, Duyên cũng cười nhưng thẹn đỏ mặt, cố trấn tĩnh mình bằng cách mở ví ra lấy tiền đưa cho bà hàng.

- Cô khách sáo quá nhưng không sao. Cô mở hàng cho tôi rồi đấy nhé.

Bà hàng cười, Duyên cũng cười. Họ vui vẻ dùng bữa trưa với nhau, khi biết chuyện Duyên ra đảo làm phóng sự về ngư dân và cuộc sống của họ thì mọi người tranh nhau kể cho cô nghe về muôn vàn gian lao, khổ cực của nghề biển mà gia đình họ gánh chịu. Duyên kín đáo ghi âm lại tất cả và cũng không quên an ủi và cảm ơn mọi người.

- Cô có nhà người quen ngoài đó không? Bà hàng khều tay Duyên hỏi nhỏ.

- Không ạ. Em tính ra nhờ chính quyền địa phương chỗ nghỉ thôi còn lương thực và các thứ thì em đã chuẩn bị đủ cả rồi.

- Khỏi nhờ, họ chả giúp được gì cho cô đâu bởi cái phòng làm việc bé tẹo không có chỗ cho ai nghỉ ngơi được. Có chăng là họ sẽ gửi cô cho một gia đình nào đó.

- Thật vậy sao chị?

- Thật mà, tôi dối cô làm gì. Nếu cô không chê thì đến nhà tôi nhé. Nhà tôi chỉ có hai chị em.

- Đã vậy thì em xin làm phiền chị rồi.

- Thế chứ. Cô yên tâm đi, dân đảo rất hiền và mến khách. Cô sẽ có một chuyến đi thật thú vị đấy.

- Cảm ơn chị, em cũng sống một mình.

Ở đảo, nhà nào cũng có một hay vài cái thuyền thúng đan bằng tre và quét dầu rái cá để đánh bắt hay đi lại khi tàu không cặp được vào bờ. Đó cũng là  thuyền của bọn trẻ dùng đi câu đêm bởi thuyền tròn vo như cái thúng lớn nên người không chèo thì nó sẽ quay tròn mà không đi đâu cả. Muốn cân bằng thì thuyền cần có hai người ngồi đối diện nhau nhưng một cũng được tuy hơi nghiêng về một bên nhưng không lật được. Thuyền thúng chỉ có thể quanh quẩn gần bờ nên đánh bắt chẳng được gì nhiều ngoài những con cá nhỏ, bạch tuộc hay giống mực ống be bé. Dân đảo nghèo nên không sắm nổi tàu lớn để đánh bắt xa bờ hay đi biển dài ngày. Đa số tàu lớn ghé vào đảo là để thả hay đón bạn chài cùng với ít sản vật rồi về đất liền hay ra khơi.

Rất may là những đêm này có trăng nên Duyên được bà hàng đưa đi đây, đi đó, thăm hỏi những gia đình làm ăn khá giả hay có hoàn cảnh neo đơn như chị em bà. Giúp cô có một cái nhìn sát với thực tế là những gia đình có người thân đi biển mà không về do bão tố thì người vợ giờ đã già bởi ngày đó tàu thuyền không có phương tiện liên lạc hiện đại, không biết bão tố ở đâu mà né tránh. Còn trẻ như chị em bà hàng mà mất chồng trên biển thì đều do tàu lạ đâm vào. Những năm gần đây càng có nhiều tàu lạ dựa vào đêm tối đâm vào tàu cá ngư dân vốn bé nhỏ và dễ vỡ nát. Ai cũng hiểu đó là hành động dã man của loài cướp biển, cướp miếng cơm, manh áo của ngư dân nghèo nhưng có mấy ai tiếp cận được thông tin chính thống nào đâu. Hơn nữa đảo khá xa đất liền và dân cư ít nên lưới điện quốc gia cũng chưa với tới được nên nghe và xem được hình ảnh trên tivi là không thể. Dân đảo nghe được chuyện nọ, chuyện kia là nhờ những tờ báo muộn từ đất liền gửi ra. Nghe thì nghe thế chứ có đọc đâu nên đôi khi chuyện thật mà cứ như đùa, cứ mỏi mòn chờ đợi. Duyên đau lòng lắm khi hàng đêm, bà hàng nằm thủ thỉ bên tai:

- Hai chị em mình đều lấy chồng khá muộn, ngoài 30 tuổi, đều đánh bắt thuê cho một chủ tàu. Sống bên nhau không quá 10 chuyến biển rồi hai người đi biền biệt tới giờ. Khóc thầm đã nhiều nên bây giờ cũng không còn nước mắt để khóc. Cũng chẳng biết chủ tàu ở đâu mà tìm đến hỏi han. Ngày mấy anh đi là mùa xuân nên làm gì có bão tố...

- Có khi nào đi lạc hay vượt biên ra nước ngoài?

- Chẳng khi nào bởi nếu đi lạc thì cũng được người ta trả về, còn vượt biên ư. Không thể bởi giờ ai mà chẳng biết đi đến đâu thì cũng phải làm, phải ăn. Làm thuê ở xứ người tuy có  nhiều tiền hơn xứ mình nhưng làm sao mà tự do như xứ mình, thích thì làm không thích thì nghỉ, lại phải xa vợ con, cha mẹ thì chẳng ai thèm.

- Ở xóm chài này có ai về từ biển cả sau nhiều năm không tin tức gì chưa?

- Chưa có ai.

- Có nhiều người cùng cảnh ngộ như chị không?

- Cũng hơi nhiều bởi đêm đêm họ thường rủ nhau ra ngồi ngóng biển, ngóng chồng.

- Đêm mai mình ra đó chị nhé.

- Để làm gì?

- Để em ghi vài tấm ảnh.

- Cũng lên báo được sao?

- Được chứ chị, bởi nó có thể đánh động hàng triệu trái tim nhân ái của dân mình. Đó là nỗi cô đơn và sự trông chờ mòn mỏi của những người đàn bà có chồng đi biển không về. Em muốn chị thấy là nghề báo của chúng em viết thật, nói thật chứ không dàn dựng như trong phim ảnh.

- Chỉ một bài báo thôi ư mà cô phải lặn lội, vất vả như thế này?

- Vâng, chỉ một bài thôi ạ.

- Thế thì phải bán bao nhiêu cho đủ vốn chứ đừng nói lời. Vài ngàn một số báo thì có thấm vào đâu hả cô.

- Vẫn phải làm chứ chị cho dù phải dựa vào ngân sách Nhà nước.

- Chị hiểu rồi.

Đêm đã khuya, biển cũng lặng. Ngăn giữa là màn đêm bao la và ý nghĩ khôn cùng. Tiếng dế ở đây nghe thật rõ và não nùng hơn ở đất liền nhiều quá. Duyên thấy mình bé nhỏ và cô đơn làm sao dẫu Duyên không có chồng là người đi biển không về. Nỗi cô đơn ấy làm sao mà sánh được với nỗi cô đơn, mất mát của chị em bà hàng và những người đàn bà goá bụa hàng đêm ngồi ngóng chồng ngoài bờ biển kia. Hình ảnh ấy đã khắc sâu vào lòng Duyên đã thành vết thương mà chắc chắn sẽ không bao giờ lành. Duyên không dám đặt mình vào hoàn cảnh ấy bởi nó quá đau thương, bởi mạng người phải đổi bằng miếng cơm, manh áo. Tự dưng nước mắt Duyên cứ tuôn trào...

 

 

 

 

                                                     L.T.M.C

(1. C5, Nguyễn Trung Trực, phường 4, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

 

 

 

 

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục