Ngày 24-10, tại Nhà Quốc hội (QH), kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018 - 2020. Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ.


Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: TRẦN HẢI

Đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện 

Nhiều đại biểu QH phát biểu tại tổ bày tỏ nhất trí cao với nội dung báo cáo quan trọng về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày trước QH và đồng bào, cử tri cả nước. Đại biểu QH đánh giá rất cao trước những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, kịp thời chỉ đạo từng ngành, lĩnh vực; sự vào cuộc và nỗ lực của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) nhấn mạnh, trong hệ thống giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ vừa qua, cử tri và người dân tại địa phương đánh giá rất cao chỉ đạo của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Chín tháng đầu năm, Chính phủ đã triển khai cắt giảm gần 5.000 thủ tục, trong đó Bộ Công thương là cơ quan đi đầu. Theo đại biểu, đây là thành tích rất lớn, kết quả rất tích cực thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh và hiệu quả kinh tế thời gian qua.

Các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo tích cực triển khai những chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết T.Ư 4, 5 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai Nghị quyết của QH về thí điểm xử lý nợ xấu; trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020...

Các đại biểu cũng cho ý kiến về các báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2017; dự toán NSNN và phương án phân bổ NSNN T.Ư năm 2018. Về nội dung này, chia sẻ ý kiến một số đại biểu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Tín dụng chín tháng đầu năm tăng 11,02%, không cao hơn nhiều so với năm trước. Nếu đặt mục tiêu cho những tháng cuối năm nay tăng trưởng tín dụng lên tới 18 đến 20%, thì phải xem lại nền kinh tế có hấp thu được không? Nếu tín dụng hấp thu vào lĩnh vực sản xuất thì tốt, nhưng hấp thu vào lĩnh vực như chứng khoán và bất động sản thì không tốt- ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và có thể tạo nên tình trạng "tăng trưởng bong bóng” đối với thị trường này. Vì vậy, Chủ tịch QH cho rằng, với mức tăng trưởng tín dụng đề ra, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền tín dụng, bảo đảm đi đúng địa chỉ, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng.

Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh 

Nhiều đại biểu đánh giá lần đầu tiên trong 10 năm qua, Chính phủ hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu QH thông qua. Đáng chú ý, năm 2017 đã hoàn thành "mục tiêu kép”, đa mục tiêu: kiểm soát được lạm phát 4%, kiểm soát được bội chi ngân sách, nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất được kéo giảm, tỷ giá tiền đồng được chọn là đồng tiền ổn định nhất trong thời gian qua nhờ thặng dư được cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai. Bội chi ngân sách giảm 4.000 tỷ đồng, giữ được mức bội chi 3,5%/GDP. Nếu như nợ công cuối năm 2016 là 63,6% GDP, nay theo tính toán giảm xuống còn 62,6%... Tuy nhiên, Chính phủ cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, khi đầu tư nước ngoài tăng cả về số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn. Các doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, các chính sách cần rõ nét, qua đó để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Nhiều đại biểu QH đề nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành... Chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm 2017, các giải pháp phát triển kinh tế phải có bước đột phá, và điều quan trọng là yếu tố phát triển bền vững, lấy chất lượng tăng trưởng làm mục tiêu, chứ không phải phát triển bằng mọi giá, chỉ dựa trên nguồn tài nguyên thô hay nhân công giá rẻ. Chung quanh nội dung liên quan thực hiện các mục tiêu phát triển của năm 2018, đại biểu Trần Quốc Vượng (Yên Bái) nêu một trong những vấn đề quan trọng là phải có cơ chế đột phá để huy động các nguồn vốn, việc đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội là cần thiết. Nhìn lại thời gian qua, qua xem xét báo cáo của Chính phủ, thấy rằng chủ trương BOT là rất đúng trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp. Điều quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương này, quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch.

Các đại biểu cho rằng thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tổ chức tiếp nhận thông tin, lắng nghe và giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp; tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp...

Huy động mọi nguồn lực để phát triển rừng

Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV và PTR) (sửa đổi).

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật BV và PTR (sửa đổi), đề cập về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) và nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc BV và PTR, thì việc phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị là yêu cầu cấp thiết, là xu hướng phát triển tiến bộ và hiện đại. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật sửa đổi lần này đã quy định, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản… do vậy, nhiều đại biểu đề nghị lấy tên gọi của Luật BV và PTR là Luật Lâm nghiệp.

Đề cập đến quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay, phần lớn các hộ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đều không có vốn để trồng rừng, đất đã được giao đã lâu nhưng vẫn để đất trống. Người dân hy vọng Nhà nước có nhiều dự án trồng rừng để họ tham gia. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế để hộ gia đình liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong nước; tổ chức, cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài huy động mọi nguồn lực để phát triển rừng... Về vấn đề này, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Luật BV và PTR cần có sự tương thích với Luật Đất đai. Theo đại biểu, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đề nghị bỏ thủ tục xin ý kiến của bộ mà nên phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, vì việc chuyển mục đích theo quy hoạch đã được bộ phê duyệt...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đề cập dự thảo luật cần làm rõ vấn đề giao rừng, cho thuê và phân loại rừng; xem xét quy định việc xây dựng Quỹ phát triển rừng; rà soát chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng bảo vệ rừng… Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Cuối phiên làm việc chiều qua, các đại biểu QH nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do yêu cầu công tác, Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đồng ý cho ông Phan Văn Sáu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ thôi giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Các đại biểu QH đã tiến hành thảo luận ở Đoàn về nội dung này.


                                               Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục