Sáng nay, ngày 5-9, lễ khai giảng năm học 2018-2019 được tổ chức thống nhất trên cả nước, học sinh, sinh viên náo nức tham dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới.

 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học 2018-2019 tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội (Ảnh: DUY LINH)

Cùng với việc tổ chức chung thời gian, chương trình khai giảng tại các địa phương được thống nhất tổ chức ngắn gọn, hướng đến học sinh, bảo đảm trang nghiêm. Đối với cấp học mầm non, buổi lễ khai giảng được Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Trong công văn gửi các sở GD-ĐT về triển khai một số hoạt động đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã lưu ý việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả để tạo được niềm tin, động lực học tập cho các em. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.


Lễ khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Hà Nội. (Ảnh: LÊ HÀ)

Bước vào năm học mới 2018-2019, ngành giáo dục đề ra phương hướng tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 51/2017/QH13 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt địa phương thực hiện tốt Chỉ thị năm học 2018 - 2019 của ngành giáo dục.

Theo phương hướng đề ra đầu năm học, ngành Giáo dục sẽ tập trung ổn định những hoạt động đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.

Giáo dục mầm non thực hiện cơ chế, chính sách phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.


Không khí khai giảng năm học mới tại trường Chu Văn An (Hà Nội). (Ảnh: DUY LINH)

Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.


Các bé tại Trường mầm non tư thục Ngôi nhà mơ ước biểu diễn võ thuật trong ngày khai giảng (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

* Trong không khí vui mừng, phấn khởi của ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường”, sáng 5-9, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 cùng thầy, trò Trường THPT Chu Văn An.

Cùng dự, có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại biểu lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội.



Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

dự lễ khai giảng tại trường Chu Văn An (Hà Nội) (Ảnh: DUY LINH)

Trường THPT Chu Văn An thành lập từ năm 1908, nổi tiếng với bề dày thành tích học tập và cơ sở vật chất tốt nhất ở Thủ đô Hà Nội. Là một ngôi trường có truyền thống hiếu học, Trường THPT Chu Văn An được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xếp vào nhóm trường có lớp chuyên trên địa bàn Thành phố. Hằng năm, điểm đầu vào khối lớp 10 của Trường luôn đứng đầu toàn Thành phố. Năm học này, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An triển khai các hoạt động văn hóa hướng tới "Đại Lễ kỷ niệm 110 năm Trường Bưởi - Chu Văn An”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh trống khai giảng năm học mới của Trường THPT Chu Văn An. Phát biểu tại Lễ khai giảng, Chủ tịch nước biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc của toàn ngành giáo dục nói chung, ngành giáo dục Thủ đô và Trường THPT Chu Văn An nói riêng trong những năm qua.

Chủ tịch nước nêu rõ, Trường THPT Chu Văn An là ngôi trường lâu đời, giàu truyền thống "Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi” của nền giáo dục Việt Nam. Trong suốt lịch sử hào hùng của dân tộc, nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo Nhà trường đã nêu gương sáng về tài năng và đức độ, cống hiến hết mình cho nền giáo dục và sự nghiệp cách mạng nước nhà, như: Liệt sĩ, GS Dương Quảng Hàm; GS Tạ Quang Bửu; nhà giáo Ngô Gia Tự; nhà giáo Nguyễn Lân…

Từ Trường Bưởi - Chu Văn An, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cựu học sinh nhà trường đã trở thành các nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Lê Trọng Tấn; GS Ngụy Như Kon Tum; GS Tôn Thất Tùng; nhà văn Nguyễn Đình Thi; Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Trường Bưởi - Chu Văn An còn là cái nôi đào tạo cán bộ các nước bạn, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Chủ tịch nước chỉ rõ, năm học 2018 - 2019 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành giáo dục nước nhà trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ tịch nước mong muốn, phát huy truyền thống Trường Bưởi - Chu Văn An, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu:

"Các thầy dạy bảo tốt,
Các cháu học tập tốt,
Mọi người lao động tốt,
Cả trường đoàn kết tốt”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An cần ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, độc lập và khả năng kết nối học tập, tinh thần hợp tác. Phát triển hơn nữa văn hóa đọc, góp phần tạo hành trang kiến thức toàn diện cho học sinh. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng đáp ứng tốt mục tiêu hội nhập, phát triển và đào tạo công dân toàn cầu.

Chủ tịch nước đề nghị, Nhà trường tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh; kết hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục.

Các em học sinh cần phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, nỗ lực thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, để mai sau là những công dân tốt, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để các em học sinh được học tập, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, cần chú trọng quan tâm chăm sóc các em học sinh là con em thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch nước chúc Trường THPT Chu Văn An mãi xứng đáng là ngôi trường mang tên người thầy Chu Văn An, danh sư của muôn đời, là Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, "Lá cờ đầu” của ngành giáo dục Thủ đô và của cả nước.

* Sáng 5-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ đã dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Tu Mơ Rông là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước; là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum với hơn 95 % là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lần đầu tiên khai giảng năm học mới, các thầy cô giáo và các em học sinh huyện Tu Mơ Rông vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ đến dự, là nguồn động viên to lớn đối với ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông.

Năm học 2018-2019, toàn huyện có 7.605 học sinh các bậc học. Bước vào khai giảng năm học mới, huyện Tu Mơ Rông gặp khó khăn do mưa lũ nhiều ngày qua trên địa bàn đã làm sạt lở đất, khiến nhiều khu dân cư phải di dời, nhiều cơ sở trường học bị sập tường, tốc mái. Hiện, vẫn còn gần 200 học sinh các bậc học mầm non, tiểu học và THCS tại ba địa phương là Trường PTDTBT TH Tu Mơ Rông; điểm trường thôn Tu cấp xã Tê Xăng và điểm trường xã Đăk Rơ Ông học sinh chưa thể bước vào năm học mới do cơ sở trường lớp đang phải trưng tập để người dân vùng sạt lở do mưa lũ mượn để ở tạm.


Ảnh: SỸ TẠO - KHẮC PHỐ

Để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ về sách vở, đồ dùng dạy học, các suất học bổng và các phần quà giúp các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện bước vào năm học mới.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc chia sẻ với giáo viên và học sinh huyện Tu Mơ Rông nói riêng và học sinh vùng lũ cả nước nói chung về những khó khăn trước thềm năm học mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà thầy trò nhà trường đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần khắc phục hậu quả của trận lũ vừa qua, để chuẩn bị cho năm học mới. Thủ tướng nhấn mạnh, trường dân tộc nội trú là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc, miền núi, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với chính sách dân tộc; vì vậy các thầy, cô giáo và học sinh ở đây phải nỗ lực phấn đấu cao hơn so với các trường khác mới đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành GD-ĐT cần tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản. Thực hiện kiểu giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang giáo dục toàn diện, chú trọng phẩm chất và năng lực. Muốn thực hiện được phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, phương pháp, kỹ năng của người thầy trong vai trò mới dẫn dắt, hướng dẫn học sinh.

Thủ tướng gửi lời chúc tới các em học sinh thân yêu, các thầy cô giáo năm học mới đạt kết quả tốt đẹp, mong muốn tiếp tục chất lượng giáo dục PTDTNT huyện Tu Mơ Rông ngày càng đi lên.

Nhân dịp dự Lễ khai giảng tại huyện Tu Mơ Rông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 500 bộ sách giáo khoa cho học sinh cấp tiểu học và THCS huyện Tu Mơ Rông; tặng Trường dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông một hệ thống máy lọc nước uống sạch trị giá 150 triệu đồng; tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Xuân Chiến và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng ngành GD-ĐT huyện Tu Mơ Rông mỗi đơn vị 50 triệu đồng để góp phần giảm bớt khó khăn đời sống cho học sinh và giáo viên vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

* Sáng 5-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai giảng và vinh danh học sinh xuất sắc Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Trong không khí tươi vui của ngày hội khai giảng năm học mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng và cho rằng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tiếp nối được truyền thống của các thế hệ trước, không chỉ học giỏi mà là giỏi toàn diện với nhiều hoạt động Đoàn và phong trào sôi động thu hút học sinh tham gia. Nhà trường cũng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận các chương trình tiên tiến trên thế giới, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng năm học mới. (Ảnh: CAO TÂN)

Bên cạnh việc duy trì thế mạnh trong các cuộc thi truyền thống, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng là đơn vị đi đầu trong phong trào học sinh nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng năm học vừa qua, học sinh nhà trường đã đạt được nhiều giải quốc tế, quốc gia, khu vực và thành phố.

Cụ thể, đạt được sáu giải quốc tế, 66 giải quốc gia, 60 giải khu vực và 411 giải thành phố.

Từ những thành tích trên, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là những minh chứng rõ nét cho định hướng đào tạo con người toàn diện, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có kỹ năng làm việc, được trau dồi về lý tưởng, đạo đức lối sống để hoàn thiện nhân cách, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội mà tập thể sư phạm nhà trường đang hướng tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù, phá vỡ các rào cản về cơ chế, chính sách, trong đó có các cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo nhằm mang lại hiệu quả tích cực, thực chất.

Qua đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, ủng hộ những chủ trương, giải pháp đột phá của Thành phố. TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư và phát triển giáo dục đào tạo, quan tâm ưu tiên quỹ đất, nguồn kinh phí và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trường lớp, cơ sở vật chất cho giáo dục; mạnh dạn tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho ngành giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý nhằm tăng tính chủ động cho các đơn vị cơ sở để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đồng chí cũng đề nghị, Thành phố cần có sự chuẩn bị chủ động và tích cực, trong đó, cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo, chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại.

Đồng thời, cũng cần nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý để thầy cô giáo yên tâm với nghề, thu hút được nguồn nhân lực giỏi, chất lượng cho sự nghiệp giáo dục của Thành phố. Thành phố cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu của học sinh; tiếp tục đẩy mạnh giáo dục toàn diện, quan tâm thúc đẩy giáo dục các kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và tin học để thích ứng với cuộc sống, nhất là mục tiêu đào tạo "công dân toàn cầu”.

Dịp này, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vinh danh hơn 50 học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2017-2018.

* Cùng với cả nước, sáng nay (5-9), hơn 225 nghìn học sinh các cấp toàn TP Đà Nẵng bước vào năm học mới. Tại trường Tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu, thầy cô giáo và toàn thể học sinh nhà trường vinh dự được đón tiếp đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đến dự Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phù Đổng, Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Trường Tiểu học Phù Đổng được thành lập đến nay đã 128 năm. Trong suốt thời gian đó, Trường đã từng bước vươn lên giành được nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp quốc tế, quốc gia... cũng như các phong trào thi đua của ngành giáo dục ở địa phương. Trường luôn dẫn đầu bậc Tiểu học của quận Hải Châu, TP Đà Nẵng và nhiều lần vinh dự nhận Bằng khen, Cờ thi đua của UBND thành phố, Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Nhì và đang phấn đấu nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng những thành tích vẻ vang của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng và tin tưởng rằng, phát huy truyền thống lịch sử 128 năm, các thầy cô giáo và học sinh hôm nay sẽ tiếp tục phấn đấu giảng dạy, học tập, rèn luyện, đạt được nhiều thành tích xuất sắc, viết tiếp trang sử vẻ vang của nhà trường. Phó Thủ tướng cũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia phát động Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

* Sáng 5-9, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận.


Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đánh trống khai trường năm học 2018-2019, tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trong không khí náo nức của ngày đầu năm học mới, đồng chí Võ Văn Thưởng đã ân cần thăm hỏi, động viên tập thể Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học tại trường. Đồng chí đã nghe Ban giám hiệu nhà trường báo cáo kết quả dạy và học trong những năm qua, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp nâng cao tri thức, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có đức, có tài cho các thế hệ thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vững tin kế tục truyền thống cha, anh trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhân dịp này, đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao tặng nhà trường di ảnh Bác Hồ kính yêu với học sinh là thiếu niên tiền phong; tặng hoa chúc mừng, động viên thầy trò Trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đạt được những thành tích cao trong năm học mới.

Năm học 2018- 2019, toàn tỉnh Ninh Thuận có 138 nghìn học sinh các cấp học tại 335 cơ sở giáo dục, tăng 1.400 học sinh so với năm học 2017- 2018. Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực xã hội đầu tư gần 167 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình đưa vào sử dụng phục vụ tốt nhiệm vụ năm học mới.

 

          TheoNhandan

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục