(HBĐT) - Ngày 17/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn gửi Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng - chống cơn bão số 2. Nội dung Công điện như sau:

Theo tin của Trung tâm Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hồi 16 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão số 2 (Rammasun/Thần Sấm) ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km. Đến 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ và còn diễn biến phức tạp.

Thực hiện Công điện số 05/CĐ-TW hồi 18h00 ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyên, thành phố khẩn trương triển khai những công việc sau:

1.     Cử cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các ngành liên quan kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư sống ven sông, ven suối, vùng thấp, trũng, khu vực có nguy cơ bị sạt lở là trọng điểm phòng, chống lụt bão của địa phương; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão, chuẩn bị triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân ở những khu vực nguy hiểm;

2.     Thông báo cho các chủ công trình đang thi công, đặc biệt các công trình đê điều, hồ chứa nước, công trình ven sông, suối, các công trình khai khoáng, hầm mỏ để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh;

3.     Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các hồ chứa nước, các tuyến đê trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư theo phương án đã lập để ứng cứu khi có sự cố, chủ động vận hành xả lũ cho các hồ chứa để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình;

4.     Kiểm tra các tuyến đường xung yếu có nguy cơ sạt lở, các vị trí ngầm qua đường bị ngập sâu phải có biện pháp cảnh báo và cử người canh gác, hướng dẫn giao thông khi có mưa lớn, tuyệt đối không để cho người dân đi qua khi không đảm bảo an toàn, sẵn sàng các phương án ứng cứu để đảm bảo giao thông thông suốt mọi tình huống;

5.     Duy trì lực lượng, phương tiện thường trực cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra;

6.     Đảm bảo thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến của cơn bão, tăng cường công tác kiểm tra và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh;

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

 

                                                                  Chủ tịch UBND tỉnh

                                                                   Nguyễn Văn Quang

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục