Mặc dù không thông thạo trong việc sử dụng các thiết bị để truy cập, xử lý thủ tục hành chính (TTHC) theo yêu cầu trên môi trường mạng. Nhưng khi đến trụ sở UBND xã để thực hiện các yêu cầu, giao dịch hành chính liên quan đến bản thân, bà Bùi Thị Dần ở xóm Luông Cá, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) đã được cán bộ Tổ công nghệ số cộng đồng xã nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ. Nhờ đó, những yêu cầu liên quan đến xác nhận thông tin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà nhanh chóng được giải quyết trên môi trường mạng.
Người dân xóm Luông Cá, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tửtại UBND xã.
Hướng đến phục vụ người dân tốt nhất
Cũng giống như bà Dần, chỉ sau 1 ngày nộp hồ sơ, thủ tục đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật, cấp lại giấy chứng nhận khuyết tật của ông Bùi Văn Nghiêm, xóm Thôi Bạ đã được cán bộ UBND xã Thạch Yên (Cao Phong) giải quyết xong trên môi trường mạng qua cổng dịch vụ công (DVC). Theo đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, là địa bàn vùng cao, khó khăn của huyện, nhưng với tinh thần không ngừng cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức xã đã có ý thức tự học, tự rèn luyện. Nhờ vậy, năng lực công tác được nâng lên, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc chuyên môn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) để phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Tại xã Liên Sơn (Lương Sơn), thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức xã luôn cố gắng, nỗ lực vượt khó xây dựng chính quyền điện tử trên tinh thần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Để đẩy nhanh quá trình CĐS, xây dựng chính quyền điện tử trong giao dịch hành chính phục vụ người dân, UBND xã đã thành lập 22 tổ CĐS cộng đồng tại 22 thôn, xóm. Các tổ có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, sử dụng tài khoản trên cổng DVC và các phần mềm ứng dụng DVC điện tử, được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2024 và tháng đầu năm 2025, UBND xã Liên Sơn đã tiếp nhận trên 3.000 hồ sơ TTHC, 100% hồ sơ được tiếp nhận qua cổng DVC trực tuyến mức độ 3, 4, được giải quyết trong thời hạn quy định. Cùng với đó, các hoạt động giao dịch hành chính trên môi trường điện tử của xã cũng luôn đảm bảo đáp ứng yêu cầu, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cải cách hành chính và phục vụ nhân dân của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính
Với mục tiêu, quyết tâm CĐS một cách mạnh mẽ, toàn diện, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành CĐS đối với một số lĩnh vực quan trọng. Theo đó, nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 24/12/2021 về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 22/4/2022 về việc ban hành đề án CĐS giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Đưa tỉnh Hòa Bình trở thành một trong những địa phương có chỉ số khá về chính quyền số và kinh tế số. Theo đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong CĐS trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Trong đó, về xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cung cấp DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC của tỉnh. 100% TTHC được cung cấp DVC trực tuyến với 1.023 DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC của tỉnh; 287 DVC trực tuyến một phần trên Cổng DVC của tỉnh; trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Về xây dựng xã hội số, tỉnh đã đẩy mạnh cung cấp các DVC trong y tế, giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục, việc CĐS cung cấp các nền tảng học trực tuyến để các cơ quan, người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với kiến thức phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực y tế, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ sử dụng các ứng dụng giúp người dân có thể đăng ký khám, chữa bệnh từ xa, sổ theo dõi sức khỏe điện tử, các dịch vụ để người dân CĐS trong lĩnh vực y tế.
Về kinh tế số, tính đến nay tỉnh có 90% cán bộ, doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch TMĐT. Trong đó, 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên 30% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, trên 30% doanh nghiệp tham gia các website TMĐT, trên 20% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... Những kết quả trên đã tạo điểm nhấn, bước chuyển quan trọng trong thực hiện CĐS của tỉnh thời gian qua.
Mạnh Hùng
Thời gian qua, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, toàn diện. Từ đó đạt được bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, phục vụ đời sống của người dân và xã hội ngày càng tốt hơn.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số (CĐS) báo chí năm 2024. Báo Hoà Bình được đánh giá là 1/25 đơn vị xếp loại tốt mức độ trưởng thành CĐS năm 2024 khối báo địa phương.
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong những năm qua, các phòng chuyên môn của huyện Cao Phong và UBND các xã, thị trấn đã tích cực ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính của huyện.
Thời gian qua, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Việc ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) giúp các doanh nghiệp (DN) ở Hòa Bình tối ưu hóa năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.