Sau hơn 5 tháng xảy ra trận lũ quét lịch sử, nhiều nơi trong huyện Mường La (Sơn La), đến nay vẫn còn ngổn ngang. Ở nơi lũ quét đi qua, tổn thất nặng nề về người và tài sản, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay, góp sức sẻ chia của cộng đồng, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần ổn định trở lại.


Hồi sinh sau lũ

Chúng tôi trở lại huyện Mường La vào những ngày đầu năm 2018, khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Hậu quả trận lũ quét lịch sử đang tiếp tục được khắc phục. Những bãi đá cuội, ụ đất, hàng loạt cây cối gãy đổ kéo dài gần chục cây số trên dòng suối Nặm Păm sau lũ, giờ đây đã được dọn dẹp. Cầu Nặm Păm nối tỉnh lộ 109 bị lũ đánh bật hai mố cũng đã được sửa chữa và nâng cấp. Hàng trăm ngôi nhà tiền chế của đồng bào vùng lũ lợp tôn đỏ, xen trong mầu vàng của đất, mầu xanh của cây. Cuộc sống nơi đây đang hồi sinh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Mùa Thị Sinh đưa chúng tôi đến thăm xã Nặm Păm là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ. Ðồng chí Mùa Thị Sinh cho biết: Huyện Mường La có 9 trong số 13 xã, thị trấn bị ảnh hưởng trận lũ, 16 người chết và mất tích, 15 người bị thương, gần 600 ngôi nhà bị hư hỏng, tổng thiệt hại lên tới hơn 705 tỷ đồng. Riêng xã Nặm Păm có 11 bản, thì bảy bản bị ảnh hưởng lũ, trong đó, ba bản Hua Nặm, bản Huổi Liếng và bản Hốc gần như bị xóa sổ. Tan hoang sau trận lũ, câu hỏi đặt ra liệu người dân có sống nổi khi đất đai, ruộng vườn, nhà cửa đều bị tàn phá. Nếu di chuyển thì phương án bố trí dân thế nào, quỹ đất chật hẹp tính toán ra sao? Phương án di chuyển xã Nặm Păm cần nguồn ngân sách lớn, khối lượng công việc rất phức tạp, không dễ giải quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và Huyện ủy Mường La đã phải họp bàn, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Cuối cùng thống nhất phương án bố trí quy hoạch, sắp xếp dân cư tại chỗ, tìm cách tồn tại hòa nhập với thiên nhiên. Ðồng chí Mùa Thị Sinh giải thích: Mục tiêu Mường La đặt ra là phải bảo đảm nguyên tắc ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Huyện Mường La đã tính toán hết các yếu tố liên quan đến đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, cơ sở hạ tầng… Suốt thời gian qua, huyện đã tập trung khắc phục hậu quả trận lũ. Có những việc giải quyết ngay đã được xử lý, nhưng cũng có việc cần phải có thời gian.


Lãnh đạo huyện Mường La và cán bộ xã Nặm Păm tham quan vườn cây bưởi Diễn của người dân bản Huổi Liếng.

Ngay sau cơn lũ, cùng với việc lo làm trường lớp học cho con em của đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, huyện Mường La đã triển khai đồng loạt các công việc nhằm ổn định đời sống sản xuất cho bà con. Những ngày đầu, huyện đã huy động hàng nghìn người, với 72 nghìn ngày công, 45 máy móc, thiết bị máy móc vận chuyển lương thực, thực phẩm, làm đường giao thông, sửa chữa hệ thống điện, nước, dọn dẹp hậu quả trận lũ. Ðến nay huyện Mường La đã san ủi được 471 nền nhà, xây dựng xong 175 nhà tiền chế bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng. Nhà được thiết kế bằng sắt, rộng 42 m2, nền xi-măng, lợp và thưng bằng tôn, trị giá hơn 70 triệu đồng mỗi căn. Tổng nguồn bố trí, sắp xếp ổn định bảy điểm khu dân cư vùng lũ đã lên tới 130 tỷ đồng. Theo kế hoạch, hơn 245 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi đều được hỗ trợ xây dựng nhà tiền chế. Những hộ nhà bị hỏng hoặc phải di chuyển khẩn cấp được huyện hỗ trợ làm nền nhà và phần kinh phí di chuyển.

Chủ tịch UBND xã Nặm Păm Lò Văn Cần kể câu chuyện thú vị, rằng sau cơn lũ để lấy đất làm đường, làm nền nhà, người dân trong xã đã hiến hơn 42 ha đất để quy hoạch bố trí dân cư. Riêng ở bản Hua Nặm, bà con đã hiến bảy héc-ta đất ruộng lúa vừa mới cày phá đi để san ủi làm nền nhà. Sự hy sinh, san sẻ của đồng bào cùng với số tiền, hiện vật quyên góp đã được huyện Mường La quản lý chặt chẽ, bàn bạc công khai, dân chủ, phân bổ đúng đối tượng. Cách thức khắc phục hậu quả lũ đã khơi được lòng dân, chính điều đó đã tạo nên sức mạnh để Mường La vượt lên lũ dữ.

Bản nghèo đón xuân

Gặp trưởng bản Nong Bẩu Sùng A Thang ở khu nội trú trung tâm xã Nặm Păm, nghe câu chuyện vượt lũ để đưa con em đến trường mới thấy cảm phục. Ở đây đường ô-tô đã bị lũ cuốn trôi, bố mẹ phải đưa con em đến trường, giao tận tay cô giáo mới yên tâm. Nhiều gia đình sau lũ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không một hộ dân nào để con em phải nghỉ học. Số học sinh năm học này của cả ba cấp học ở đây đạt 1.166 cháu. Riêng học sinh tiểu học Nặm Păm tăng so năm học trước ba cháu. Hiệu trưởng Trường tiểu học Nặm Păm Trần Thị Thúy giải thích: Ðồng bào ở đây rất hiếu học, dù khó khăn thế nào cũng cố gắng cho con đến trường.

Ði đến đâu hỏi, người dân trong vùng lũ đều trả lời: Mừng nhất là đã làm được nhà và khôi phục được sản xuất. Trong các đoàn đến thăm, tặng quà hỗ trợ bà con vùng lũ, Hiệp hội hóa chất nông nghiệp Hà Nội đăng ký tài trợ giống bưởi da xanh. Sau khi nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng cho thấy vùng Nặm Păm có thể phát triển cây ăn quả. Từ điều kiện thực tế đất dốc, nhiều đá, huyện Mường La đã vận động bà con chuyển đổi sản xuất sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và quản lý bảo vệ rừng. Chủ trương này trùng hợp với Nghị quyết của HÐND tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc là hướng làm ăn hiệu quả, bền vững. Việc trồng cây ăn quả ở đây tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, kỹ thuật trồng mỗi cây cách nhau năm mét, giống bảo đảm chất lượng, được lựa chọn kỹ, hố đào theo quy cách, bón phân lót trước khi trồng. Chỉ khi nào cây sống, lên xanh tốt mới bàn giao cho bà con chăm sóc. Theo quy hoạch, Mường La sẽ trồng 202 ha cây ăn quả, đến nay đã trồng được 147 ha, trong đó 75 ha xoài, 24,7 ha nhãn, hơn 45 ha bưởi da xanh. Nhờ trồng kịp thời đúng vụ mưa, cây ăn quả của bà con vùng lũ Mường La đã lên xanh tốt.

Ðến thăm bà con dân tộc La Ha bản Huổi Liếng, ở đây có 37 hộ dân. Theo nguyện vọng của bà con, huyện đã di chuyển toàn bộ lên địa điểm mới tại khu đồi Huổi Uông. Ngay đầu bản mới, gần sáu héc-ta giống bưởi Diễn đã lên xanh tốt, có cây cao gần đầu người. Theo tính toán, mỗi hộ sẽ được giao từ 70 đến 100 cây bưởi, nếu biết cách chăm sóc, sẽ cho thu hoạch tốt và mang lại thu nhập khá cao.

Những ngày ở Mường La, chúng tôi còn được tham dự chương trình "Tết vì người nghèo" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND huyện Mường La tổ chức, với mục đích Tết sớm cho đồng bào vùng lũ Mường La. Hơn 50 tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ thị trấn huyện Mường La tham gia gói 230 cái bánh chưng, nấu ngay tại sân UBND huyện làm cho không khí Tết sớm ở Mường La ý nghĩa. Tại buổi giao lưu văn nghệ, 100 suất quà cùng một cặp bánh chưng xanh đã được trao cho 100 hộ gia đình nghèo vùng lũ. Bí thư chi bộ bản Hua Nà Quàng Văn Pấu đã thay mặt bà con vùng lũ cảm ơn Ðảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ, động viên kịp thời, giúp đỡ hiệu quả để người dân vùng lũ huyện Mường La vượt qua khó khăn.

Với người dân vùng lũ Mường La, Tết được hiểu một cách đơn giản, cụ thể là ngôi nhà để ở, nguồn nước sạch để uống, ruộng vườn cây cối xanh tươi, đơm hoa kết trái. Trải qua cơn lũ lịch sử, cuộc hồi sinh nơi đây được bắt đầu như thế, kết nối tình người ấm áp và nhân thêm nhiều niềm vui mới cho bà con các dân tộc thiểu số vùng cao này.


Theo Nhandan

Các tin khác


Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục