(HBĐT) - Có tuổi đời xấp xỉ nửa thế kỷ, tác động của thời gian, con người, quản lý buông lỏng đã làm Khu Chuyên gia (KCG) Liên Xô (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) dù đã xuống cấp rất nhiều nhưng vẫn còn mang dấu ấn công trình điển hình về cảnh quan, kiến trúc đồng bộ, gợi nhớ về một thời vàng son, đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thư thái trong ký ức của biết bao người.


Khu Chuyên gia (KCG) được lựa chọn kỹ càng và xây dựng trên quả đồi thứ 79, được coi là đẹp nhất khu vực bờ trái sông Đà. Quả đồi tựa lưng vào núi ngàn, nước suối Đúng chảy chẳng bao giờ cạn. Người ta vẫn bảo là hội tụ phong thủy, sinh ra vượng khí. Có lẽ vì thế mà các lô nhà cũng được bố trí theo thứ tự tới cầu thang số 79. Hồi ấy, KCG như một mê cung huyền ảo, mộng mơ, lộng lẫy bên phố núi. Nơi đây là điển hình về đầu tư xây dựng, cảnh quan, kiến trúc. Vật liệu trang trí nội thất từ đường điện, bóng đèn, ống dẫn nước ngầm, điều hòa, bồn tắm, cửa, gạch lát... đều được lựa chọn, xây dựng thật kỹ. Những khu nhà ở được xây dựng vững trãi, khoa học, hài hòa với thiên nhiên. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xã hội tối ưu đến giờ vẫn chưa lỗi thời. KCG có hệ thống trường học, khách sạn, trạm y tế, nhà văn hóa và các điểm vui chơi như sân bóng rổ, cầu lông, bóng bàn,… như một quần thể công viên thơ mộng. Kiến trúc nhà ở khép kín nhưng chan hòa ánh sáng tự nhiên, có thể sống trong không khí ấm áp của mùa đông lạnh giá và cảm nhận không khí thoáng mát ngày hè.


Trẻ em vui chơi trong lâu đài cổ tích tại Khu Chuyên gia (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình).

KCG như một điểm nghỉ dưỡng, thăm quan lý tưởng của người dân. Bậc cầu thang xếp lên xuống thật hợp lý. Những con đường lượn vòng, ấp ôm những khu nhà, tạo thành không gian tản bộ không đâu có được. Gió lành mát rượi từ hồ sau suối Đúng. Một không gian văn hóa tiện ích. Lâu đài cổ tích, khu vui chơi, các bức phù điêu, sân bóng đá, hàng cây được bố trí dọc từng khu nhà mang đậm phong cánh Nga. Bên trong những ngôi nhà được xây dựng hợp lý và đồng bộ. Hệ thống cửa, các phòng ở, điện nước, nhà bếp, nhà tắm được bố trí khoa học, ánh sáng hài hòa, không khí lưu thông, luôn tạo ra không gian sống trong lành yên ả cho người thụ hưởng.

Đến nay, KCG đã có tuổi đời nửa thế kỷ. Trong ký ức những người ngày đầu tiếp quản vẫn còn nhớ về một thời KCG đẹp đến nao lòng. Từ ngày chuyên gia Liên Xô hoàn thành nghĩa vụ về nước, những năm đầu tách tỉnh, KCG là các cơ quan hành chính ở tạm và nơi ở của cán bộ, công chức, người lao động tại một số đơn vị, xí nghiệp. Những thế hệ ấy giờ đã già, người chuyển công tác, người về với cháu con hoặc tuổi cũng sắp nghỉ chế độ rồi. Những thế hệ nối tiếp nhau ra đời, chuyển động. Giờ khu này là nơi ở cán bộ, công nhân và người lao động muôn nơi. Những người có điều kiện đã chuyển đi. Những người chuyển đến từ huyện ra, chủ yếu là cán bộ, công nhân lao động thu nhập không cao, vợ chồng mới cưới…

Suốt thời gian dài, KCG nằm trong tình trạng bị buông lỏng quản lý. Người ta đã lấy đi tất cả những gì có thể, từ đồ trang trí, nội thất được bố trí tại các khu nhà. Cửa kính, bóng điện, bồn tắm, cánh cửa tủ gắn tường, đường ống dẫn nước, nắp cống, ghế xích đua, quả tạ, đu quay đã biến mất từ bao giờ, không ai biết. Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Các công trình công cộng nhà bị tháo gỡ, đập phá tan hoang. Có thời người ta đào bới cả những gốc xưa đem bán kiếm lời. Khoảng không gian trước mỗi lô nhà cũng bị lấn chiếm, cơi nới làm nhà ở, bãi xe. Sức tàn phá của thời gian đã làm KCG xuống cấp đến không thể ở được. Người dân sinh sống bảo: Nếu không cải tạo thì không thể ở. Cống tắc, vỡ, nước chảy lênh láng. Tại các khu nhà, nước dột từ nóc dội xuống. Tất cả các gia đình sinh sống đều phải tự bỏ tiền cải tạo mới ở được. Bóng dáng huy hoàng của KCG được thay bằng hình ảnh xác xơ.

Nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm xây dựng, gần đây, KCG đã được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đa phần người ở mong muốn được cấp giấy tờ sở hữu nhà hợp pháp với giá cả hợp lý.

Bây giờ KCG vẫn phảng phất bóng dáng của thời vàng son. Vẫn còn đó những con đường uốn lượn trong ngập tràn hương sắc. Cây cối đâm chồi, nẩy lộc, hương hoàng lan nhẹ nhàng tỏa ngát. Sắc phượng bắt đầu đỏ rực hiên nhà. Chim muông líu lo mỗi sớm chiều. Vẫn còn sân bóng, những bậc cầu thang xếp lớp mê hoặc. Người dân tản bộ, trẻ con vô tư nô đùa trong sân chơi lâu đài cổ tích. Cuộc sống bình yên vẫn trôi và còn đó những ký ức nặng lòng luyến nhớ, lưu giữ một thời vàng son.


L.C

Các tin khác


Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả

Trước sự cố hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam, Khu Quản lý đường bộ III đã thông báo chi tiết phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông.

Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 và 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024.

Ngày hội “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”

Sáng 13/4, tại thành phố Hoà Bình, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Ngày hội "Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”. Tham dự có đồng chí Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Đoàn, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hoà Bình...

Đại hội Hội Luật gia huyện Lạc Thủy lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Hội Luật gia huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục