(HBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi thăm lại xã Hợp Hòa (Lương Sơn) và chiến trường đồi Bù năm xưa, nơi từng ghi dấu chiến công của quân dân xã Hợp Hòa bắt sống giặc lái và bắn rơi máy bay Mỹ. 46 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của các chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu vẫn vẹn nguyên khí thế của những năm tháng hào hùng.

Sống lại ký ức hào hùng

 

Cựu chiến binh xóm Suối Cốc, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) trò chuyện với thế hệ trẻ về chiến công bắt giặc lái và bắn rơi máy bay Mỹ tại đồi Bù năm xưa.

 

Đưa chúng tôi đến thăm các cột mốc cao điểm 833, các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, lập chiến công năm xưa là các ông, bà: Đinh Ngọc Bài, Đinh Công Sý, Hoàng Thị Xô, Hoàng Thị Bướm bồi hồi nhớ lại ký ức về một thời hoa lửa. Là người phụ trách thông tin liên lạc của Xã đội lúc đó, ông Đinh Ngọc Bài tâm sự: Khoảng 22h, ngày 21/12/1972, chúng tôi đang say giấc thì bỗng có tiếng nổ vang trời, tóe lên tia sáng và một vật thể từ trên trời rơi xuống. Đó là chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ đã bị tự vệ Thủ đô bắn rơi xuống xóm Suối Cỏ, thuộc địa bàn xã Hợp Hoà. Tiếng trống báo động của dân quân lập tức vang lên, quân và dân cả xã bừng tỉnh, tập trung trong đêm. Tiến đến gần vật thể lạ rơi từ máy bay ra cách chừng 5 - 6 m, thấy tiếng động, chúng tôi tưởng là thú rừng nên hô mọi người quay lại. Sau đó, xác định lại hướng rơi rồi tìm đến đúng điểm trước đó, chúng tôi tiến sát vào thì phát hiện buồng lái và dù của lính Mỹ, nhưng người thì đã chạy trốn, lúc đó khoảng 1h sáng. Ngay lập tức, đồng chí Xã đội trưởng Hoàng Văn Thọ phát lệnh điều động lực lượng triển khai nhiệm vụ bắt sống giặc lái và chiến đấu chống máy bay địch đến ứng cứu.

Hồi tưởng lại quãng thời gian đó, bà Hoàng Thị Bướm tiếp lời: Ngay hôm sau, ngày 22/12 là ngày cưới của tôi và anh Vũ Văn Trang cũng là chiến sĩ trong đội dân quân xã. Tối hôm đấy, mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ đến ngày là tổ chức lễ cưới. Dù vậy, chúng tôi đã quyết định dừng việc nhà lại, lấy lương thực chuẩn bị tiệc cưới phục vụ quân và dân tìm kiếm, chiến đấu với địch. Toàn bộ lực lượng tỏa ra khắp vùng kiên trì tìm kiếm, đến 16h45’ ngày 24/12, tên giặc lái đầu tiên bị bắt sống.

Quyết tâm bắt sống tên thứ 2, lực lượng chiến đấu gặp phải sự tấn công dữ dội của địch. Ngày 26/12, trên bầu trời xuất hiện 8 chiếc máy bay F8 di chuyển xuống vị trí tên phi công thứ nhất bị bắt hòng giải cứu. Và tiếp tục là 4 chiếc phản lực F4, F8 ném bom, xả đạn liên tiếp vào ngày 27/12. Toàn bộ lực lượng đã chiến đấu ngày đêm, thậm chí đến cơm cũng không kịp ăn. Bà Hoàng Thị Xô nhớ lại: "Khi xảy ra chiến sự, tôi được giao nhiệm vụ canh gác trên một mỏm đá cao có thể nhìn bao quát. Trên người khi đó chỉ có 1 cây súng trường, 1 bao đạn và mảnh dù của địch xé ra choàng vào người để bớt cái lạnh thấu xương. Sau đó, tôi được giao nhiệm vụ thứ 2 là thông tin liên lạc với đồng chí Tiến ở Tỉnh Đội. Tôi và anh Tiến chiến đấu quyết liệt với địch, trên người chỉ còn một miếng lương khô, hai anh em đùn đẩy nhường nhau ăn vì cả làng, cả xã mải quyết chiến quên ăn, quên ngủ, lấy đâu ra cơm mà ăn”. Nói đến đây, mắt bà dưng dưng, giọng trầm xuống không nén được nỗi xúc động của tình đồng chí, đồng đội khi ấy.

Chiều 28/12/1972, phát hiện 1 chiếc trực thăng của địch đến ứng cứu. Khi chiếc trực thăng hạ thấp độ cao để thả thang dây, lập tức Đại đội 115 và 3 dân quân tập trung hoả lực nã đạn xối xả khiến trực thăng bị cháy và rơi tại biên giới Việt - Lào. Ngày 29/12 tiếp tục có 2 chiếc phản lực F8 vẫn quần thảo trên bầu trời tại cao điểm 833 thả đồ vật, lương thực hòng duy trì sự sống cho tên phi công. Xác định vị trí, các đơn vị đã khép chặt vòng vây và đến khoảng 9 - 10h ngày 29/12, tên địch thứ 2 bị bắt khi đang ẩn nấp tại một khe núi.

Như vậy, qua 8 ngày đêm liên tục, các chiến sĩ đã dũng cảm vượt qua bom đạn, kiên trì truy bắt được 2 tên phi công Mỹ và bắn rơi 1 chiếc máy bay trực thăng, lập lên chiến công vang dội.

Hợp Hòa ngày mới

Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hợp Hòa đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, giúp "bức tranh” nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống trường học, trạm y tế của xã được đầu tư xây dựng khang trang; đường liên thôn, liên xóm được mở rộng và đổ bê tông; nhiều nhà xây cao tầng; cuộc sống ngày càng ấm no. Đồng chí Đinh Công Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết: Toàn xã có 6 xóm với trên 600 hộ và hơn 2.800 nhân khẩu. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 27,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; 100% xóm có nhà văn hóa, sân thể thao, trên 80% hộ đạt gia đình văn hóa, 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đạt 100%… Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều công trình được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, xã đã đạt 14 tiêu chí và đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí còn lại, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ cán đích theo đúng lộ trình đề ra.

Hồng Ngọc

Các tin khác


Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục