Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong năm 2018, người lao động vẫn còn nhiều bức xúc liên quan việc làm, tiền lương, thu nhập. Đáng chú ý, có những bức xúc do lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao chất lượng cuộc sống.


Hầu hết công nhân đều mong muốn được tăng lương để bảo đảm cuộc sống cơ bản. Ảnh: THANH LONG.

Chỉ có 17,2% số người lao động hài lòng với mức lương

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã công bố khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống của người lao động (NLĐ) và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng trong các DN năm 2018. Khảo sát lấy ý kiến từ 3.008 phiếu hỏi đối với NLĐ tại 150 DN ở 25 tỉnh, thành phố, bảo đảm cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của NLĐ.

 

Theo báo cáo của Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN-KCX) TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại KCN Linh Trung I (quận Thủ Đức), nơi có đông công nhân thuộc các lĩnh vực da - giày, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí (với quy mô 37.600 lao động) cho thấy, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh một con, thu nhập của hai vợ chồng tạm đủ trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ ở mức 300.000 đồng/tháng. Đáng chú ý, có tới 9,1% số NLĐ không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình có hai con, thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

PGS, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Công nhân - Công đoàn cho biết, lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) trung bình là 4,67 triệu đồng, trong đó NLĐ làm việc trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có mức lương cơ bản cao nhất (bình quân 4,949 triệu đồng); thấp nhất là lao động dệt - may (4,225 triệu đồng). Kết quả thống kê từ các DN được khảo sát cho thấy, lương cơ bản của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng, cao hơn LTT 39,8%. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.

Ngoài lương cơ bản, NLĐ còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ. Thế nhưng, các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%) và tăng hơn 1,4% so kết quả khảo sát năm 2017. Điều này cho thấy, lương cơ bản cũng chỉ chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ.

Về mức chi tiêu và chi tiêu tối thiểu của NLĐ, theo kết quả khảo sát, có 2.885 NLĐ đang sống chung hộ gia đình với người thân, với tỷ lệ cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương. Mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình ở vùng I khoảng 7,38 triệu đồng/tháng; vùng II là 6,76 triệu đồng; vùng III là 5,8 triệu đồng; còn vùng IV là 5,75 triệu đồng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống), chỉ có khoảng 32,1% số NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm (trung bình 1,5 triệu đồng/tháng). Khoản tiền này được họ dành dụm để chi tiêu dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp hoặc lo cho con cái học hành. "So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, 17,4% số NLĐ cho biết có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ. Đáng nói, chỉ có 17,2% số NLĐ đánh giá hài lòng với mức lương và thu nhập (giảm 5,5% so với năm 2017); 65,7% tạm hài lòng (tăng 13,3%) và 17,1% không hài lòng (giảm 7,8%)…”, PGS, TS Vũ Quang Thọ cho hay.

Tăng LTT vùng là cần thiết

Hầu hết công nhân các KCN trên địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận đều mong muốn được tăng LTT vùng để bảo đảm cuộc sống cơ bản. Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH May MAYFAIR (Kim Thành, Hải Dương) cho biết: "Mức lương hiện tại của em là 3,7 triệu đồng, cộng thêm phụ cấp và tiền hiệu suất được khoảng 5 triệu đồng. Tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ tầm tám - chín triệu đồng. Tuy sống ở quê, nhưng chúng em phải nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già, nên hầu như không đủ, chưa kể những lúc ốm đau, thuốc thang lại phải đi vay mượn... Với mức lương như hiện tại, công nhân như bọn em rất khó sống”.

Chị Lê Thu Hằng, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho rằng, LTT vùng cần tăng để bảo đảm cuộc sống của NLĐ. Bởi, hiện nay, trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá thì với mức lương chỉ tầm sáu - bảy triệu đồng (bao gồm cả tăng ca), nếu trừ tiền nhà, tiền điện, tiền nước, rồi tiền mua sữa và tiền học cho con… NLĐ sẽ rất khó trang trải cuộc sống.

Nhắc lại quan điểm của tổ chức Công đoàn khi đưa ra mức đề xuất tăng LTT vùng 8% vào năm 2019, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, đề xuất này hoàn toàn hợp lý. Theo ông Hiểu, Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 21-5-2018 của BCH T.Ư Đảng đã nêu rõ: "Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN, để đến năm 2020 mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”. Như vậy, việc tăng lương có lộ trình, đích đến đã được quy định rất rõ ràng trong nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nền kinh tế đã tốt hơn nhiều (sáu tháng đầu năm có gần 64.500 DN thành lập mới). Cùng với đó, Chính phủ đang tiến hành cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, giúp DN giảm chi phí chính thức và phi chính thức, từ đó có kinh phí để quay trở lại hỗ trợ NLĐ tốt hơn. Hơn nữa, nhiều DN đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động cũng cần phải bảo đảm mức lương cần thiết để thu hút NLĐ.


Theo Báo Nhân Dân

 


Các tin khác


Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Thời tiết ngày 7/5: Bắc Bộ tiếp tục mưa rào và dông, Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Khu vực Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại.

Tọa đàm “Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 6/5, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh, Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tọa đàm "Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục