(HBĐT) - Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh… Đó là kết quả nổi bật của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013 - 2018.
Ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong) có bà Đặng Thị Thu, hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016. Với tinh thần vượt khó, không cam chịu đói, nghèo, bà Thu đã tập trung xây dựng kinh tế gia đình, phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi với trên 7 ha, chủ yếu là cam Canh và cam lòng vàng. Kể từ năm 2013 đến nay, sau khoảng thời gian đầu tư kiến thiết, diện tích cây ăn quả có múi của gia đình bà đã đạt mức doanh thu 3 - 5 tỷ đồng/năm, doanh thu năm sau tăng cao hơn năm trước. Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, bà Thu còn là hội viên nông dân tích cực giúp đỡ giống, vốn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ hội viên khác cùng làm ăn kinh tế, mở hướng thoát nghèo.
Ông Trần Văn Minh ở thôn Điếm Tổng, xã Liên Sơn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.
Trở về từ Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2017, ông Nguyễn Duy Lành, hội viên nông dân thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) không giấu nổi niềm xúc động, tự hào khi ông là nhà nông duy nhất của tỉnh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 – 2017. Với mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, ông tập trung đầu tư cho cây trồng chính là cam lòng vàng, bưởi Diễn và 1 trại lợn quy mô 600 - 800 con/lứa, trại gà quy mô 30 vạn con giống, trên, dưới 30 tấn gà thương phẩm/năm. Trong 2 năm gần đây (2017 – 2018), mô hình đạt tổng doanh thu 10 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Trong số hàng trăm hộ nông dân vươn lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2018 có 1 tấm gương tiêu biểu là ông Trần Văn Minh, hội viên chi hội Điếm Tổng, xã Liên Sơn (Lương Sơn). Mạnh dạn, tiên phong trong phát triển kinh tế, ông đã xây dựng mô hình gia trại kết hợp kinh doanh dịch vụ máy xúc, vận tải mang về doanh thu mỗi năm 4,5 tỷ đồng. Ngoài trồng rừng, chăn nuôi gia súc, ông tận dụng và mua thêm ruộng đất để đầu tư trồng các loại cây có giá trị và sức tiêu thụ tốt trên thị trường, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động và việc làm thời vụ cho 30 lao động ở địa phương. Sau khi được các cấp Hội Nông dân huyện, tỉnh đề cử, ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018.
Những hạt nhân tiêu biểu, điển hình của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo động lực để toàn thể hội viên tích cực hưởng ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Trong toàn Hội đã xây dựng được các mô hình sản xuất tập trung như trồng rau hữu cơ Lương Sơn, chăn nuôi dê (Lạc Thủy, Mai Châu), chế tác đá cảnh (Lạc Thủy), nuôi cá lồng (thành phố Hòa Bình), trồng mía tím (Yên Thủy, Tân Lạc, Cao Phong), dệt thổ cẩm (Tân Lạc, Mai Châu), trồng cam (Cao Phong, Kim Bôi), trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh (Yên Thủy, Tân Lạc), trồng dổi lấy hạt (Lạc Sơn).
Phát huy vai trò tổ chức Hội, Hội Nông dân các cấp đã chủ động ký chương trình phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn dịch vụ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Hàng năm, số hộ đăng ký và đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đều tăng. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: Hội luôn xác định đây là phong trào trọng tâm, nòng cốt và có ý nghĩa quan trọng. Từ đó, tập trung bám sát Nghị quyết của Trung ương Hội, Nghị quyết của Tỉnh ủy, mục tiêu phát triển KT–XH của tỉnh để tổ chức phát động phong trào sâu rộng tới toàn thể cán bộ, hội viên.
Trong quá trình thực hiện phong trào, nhiều đơn vị điển hình có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả như huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy, Mai Châu. Năm 2018, 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, kết quả có 73.031 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 111% chỉ tiêu giao. Kết quả trong số đó có 35.938 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, thực hiện 120% chỉ tiêu giao. Thông qua phong trào, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp đỡ, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm hay cho hàng chục vạn hộ nông dân. Phong trào có tác động mạnh mẽ, khuyến khích hội viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn huy động vốn đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai và các điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện. Đến nay các cơ sở hội đã vận động hội viên giúp đỡ hội viên nghèo với việc hỗ trợ hàng tỷ đồng tiền vốn, hỗ trợ trên 30.000 ngày công, giúp đỡ 11.841 hộ nghèo, phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể khác xóa 470 nhà tạm.
Thu Hằng