Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh tặng quà động viên người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2018. Ảnh: TRÍ THIỆN (Ban Dân tộc tỉnh).
Năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các mặt công tác dân tộc, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm. Kế hoạch vốn Chương trình 135 là 165,2 tỷ đồng đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở. Ước thực hiện cả năm hoàn thành kế hoạch.Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với việc tổ chức cấp, phát trên 50 vạn tờ Báo Hòa Bình, trên 16,8 vạn tờ Báo Dân tộc phát triển cho người có uy tín trên địa bàn; tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến pháp luật cho người có uy tín và đồng bào dân tộc. Theo đó, vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc được phát huy, đời sống văn hóa được bảo tồn, giữ gìn và phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc từ 4 - 5%/năm. Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện Đề án hỗ trợ các thôn, bản diện khó khăn nhất tỉnh đã thu được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các thôn, bản bình quân giảm 5%/năm (từ 41% năm 2014 giảm còn 31% năm 2018). Có 2 thôn là thôn Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu và thôn Đậu Khụ, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Thị Thảo cho biết: Thông qua thực hiện các chính sách dân tộc trên cơ sở lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án đã giúp đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai dân chủ, công khai, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng được người dân đồng tình ủng hộ. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được cải thiện. Các xã có đủ trường tiểu học, THCS, điện sinh hoạt, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa, trạm y tế cơ bản bảo đảm công tác vệ sinh phòng dịch, khám, chữa bệnh ban đầu.
Các chương trình hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc. Đã có hàng nghìn lượt cán bộ xã, thôn, bản được đào tạo, bổ sung kiến thức về quản lý đầu tư, giám sát công trình; vai trò người có uy tín được phát huy, góp nâng cao năng lực triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Qua đó góp phần củng cố niềm tin, giữ vững an ninh, chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Tuy vậy, việc thực hiện chính sách, công tác dân tộc đang đứng trước những khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế; hạ tầng chưa được đầu tư; tư duy, trình độ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao, nhất là những khu vực dễ bị ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ.
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực thiện tốt các chính sách dân tộc trên cơ sở huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực Chương trình 135 với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tập trung đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân; thiết thực chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc từ 4 - 6% năm 2019.