(HBĐT) - Ngành chăn nuôi tỉnh ta đang trải qua thời kỳ khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại địa bàn 2 xã Hợp Thanh, Thanh Lương (Lương Sơn). Con đường tiêu thụ bị đóng cửa đối với các xã vùng dịch và hạn chế xuất, nhập đối với các địa phương khác. Càng quan ngại hơn khi sản phẩm thịt lợn đang bị một bộ phận người tiêu dùng "quay lưng".


Các quầy bán thịt lợn chợ Phương Lâm (Thành phố Hòa Bình) trong thời điểm DTLCP lan rộng ế ẩm vì người tiêu dùng "quay lưng"

Giá lợn hơi biến động giảm sâu

Chỉ vài ngày sau công bố DTLCP, cùng với tình hình chung của các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi trên trị trường tỉnh ta giảm mạnh, từ mức 48.000 đồng/kg xuống còn 38.000 - 39.000 đồng/kg. Như vậy, những tác động về giá theo diễn biến DTLCP khiến người chăn nuôi gặp khó không chỉ bởi giá cả xuống thấp mà việc tiêu thụ gặp chiều hướng bất lợi.

Theo thống kê của Cục Thống kê, tổng đàn lợn toàn tỉnh tính đến hết năm 2018 đạt gần 450.000 con. Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ trọng 32% toàn ngành NN&PTNT. Tình hình chăn nuôi lợn năm 2018 có sự ổn định và tăng cao về giá vào những tháng cuối năm đã thúc đẩy các trang trại, gia trại, người chăn nuôi trong tỉnh đầu tư tái đàn phục vụ dịp Tết và mùa lễ hội. Tuy nhiên, ngay sau dịch lở mồm long móng vào thời điểm tháng 1/2019, sự xuất hiện của DTLCP những ngày đầu tháng 3 đã đẩy ngành chăn nuôi vào tình cảnh lao đao.

Trên thực tế, ngoài những trang trại chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH JAPFA Comfeed Việt Nam..., phần lớn đàn lợn trong dân bị chi phối bởi thị trường tự do, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái. Tuy nhiên, với diễn biến của tình hình DTLCP, việc thương lái chậm mua hoặc không thực hiện giao dịch như đã hẹn với hộ chăn nuôi là những mối lo thường trực. Ông Nguyễn Văn Lực, hộ chăn nuôi gần 200 con lợn ở xóm Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) lo lắng: Tới đây, gia đình tôi không biết phải tính sao nếu dịch không sớm chấm dứt. Đàn lợn đến kỳ xuất bán, nếu vì giá cả thị trường mà phải chịu lỗ đã đành nhưng không bán được thì khốn đốn biết nhường nào.

Một bộ phận  người tiêu dùng "quay lưng"

Thông tin DTLCP đã xuất hiện ở 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, miền Nam ngưng nhập lợn từ các tỉnh miền Bắc... khiến một bộ phận không nhỏ người dân hoang mang và hiểu sai thông tin về tiêu dùng thịt lợn.

Những quầy bán thịt lợn và các sản phẩm chế biến thịt lợn tại các chợ: Phương Lâm, Tân Thịnh, Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) trong mấy ngày qua vắng hẳn khách mua. Chị Vũ Thị Độ, hộ kinh doanh thịt lợn khu vực chợ Phương Lâm cho biết: Ế ẩm chưa từng thấy, có ngày mổ con lợn hơn tạ mà bán chỉ được vài cân. Các hộ kinh doanh như chúng tôi giờ tính phải tạm nghỉ, chờ đến khi hết dịch mới dám buôn bán trở lại. Chị Bùi Thị Hiếu, hộ kinh doanh hàng ăn ở khu vực chợ Tân Thịnh cho biết: Có lẽ tâm lý khách sợ, bỏ qua các món chế biến từ thịt lợn, nên mấy hôm nay, cửa hàng gần như không còn chế biến thức ăn liên quan đến thịt lợn mà chuyển sang các thực phẩm khác như tôm, cá kho, cá chiên... dễ bán hơn.

Qua khảo sát của chúng tôi, tại các chợ, kể cả những điểm bán thịt lợn trước đây rất đông khách giờ đây đứng cả tiếng vào lúc cao điểm cũng chỉ lèo tèo vài khách đến mua. Các hàng giò, chả, ruốc, xúc xích, dăm bông cũng im lìm. Bà nội trợ Nguyễn Thị Chanh ở tổ 5, phường Tân Thịnh cho biết: Đã 10 ngày nay, gia đình tôi loại trừ món thịt lợn trong các bữa ăn. Dù có nghe nói là ăn thịt lợn sẽ không vấn đề gì nếu biết mua sản phẩm rõ ràng nguồn gốc, có xác nhận đảm bảo an toàn thực phẩm... song trong lòng còn "bán tín, bán nghi", lưỡng lự. Hy vọng là sau vài ngày nữa tình hình sẽ ổn định hơn.

Với sản xuất nông nghiệp của tỉnh, chăn nuôi là ngành mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Với người dân, thịt lợn vốn là thức ăn được lựa chọn tiêu dùng nhiều nhất trong các loại thực phẩm bởi dễ chế biến, phù hợp với khẩu vị của các gia đình. "Biến cố" DTLCP đã và còn tiếp tục gây thiệt hại lớn cho kinh tế nông nghiệp và những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Các cấp, ngành đang nỗ lực để hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch, giảm thiểu thiệt hại đối với ngành chăn nuôi. Đặc biệt, các chốt kiểm dịch được tăng cường công tác liên ngành, trực chốt đảm bảo 24/24h để ngăn chặn sự xâm nhiễm dịch từ bên ngoài vào tỉnh. Trong lúc này, người chăn nuôi cần bình tĩnh, chủ động phối hợp phòng, chống và thực hiện 5 không (không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn). Về lâu dài, giải pháp để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh là thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh... Để giúp người dân hiểu đúng về DTLCP, cần đẩy mạnh biện pháp thông tin, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ để mọi người biết, yên tâm khi tiêu dùng sản phẩm. 


 Bùi Minh


Các tin khác


Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường” trao 200 xe đạp cho học sinh huyện Đà Bắc

Sáng 27/4, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường” dành cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi vào hè

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Các bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục