(HBĐT)-  Dù ở địa phương đã có trường hợp bỏ mạng khi xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Thế nhưng, với những mức lương "trên trời” mà nhiều người đồn thổi, vừa qua, ở xã Mai Hạ (Mai Châu) lại có thêm 12 trường hợp nữa xuất cảnh "chui” qua Trung Quốc. Rất may, đến nay, cả 12 người này đã về nhà an toàn. Dù vậy, thời gian chưa đầy một tháng ở bên kia biên giới sẽ là nỗi ám ảnh còn dai dẳng với những người nhẹ dạ, cả tin ở mảnh đất này. 


Chị Khà Thị Th., xóm Đồng Uống, xã Mai Hạ (Mai Châu) kể về những ngày ác mộng khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Bất chấp rủi ro vì mộng đổi đời

Do không có việc làm ổn định, cũng không có bằng cấp để xin vào làm ở các công ty trong nước, nên một số người dân đã bất chấp lên đường, cho dù ở địa phương từng có người chết vì đi "chui” sang Trung Quốc - đó là những lý giải của anh Hà Văn Chúc, Phó Trưởng Công an xã Mai Hạ về những vụ việc vừa qua trên địa bàn xã. Còn câu chuyện đau lòng về một trường hợp đã bỏ mạng nơi xứ người là anh Khà Văn Chung, xóm Đồng Uống. Theo người dân nơi đây kể lại: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ trẻ và 2 con nhỏ, anh Chung đã đi "chui” sang Trung Quốc để tìm việc làm. Thế nhưng, do xuất cảnh trái phép, khi sang bên kia biên giới, anh Chung bị lực lượng chức năng của Trung Quốc phát hiện và đẩy đuổi. Quá trình chạy trốn, do lạ nước, lạ cái, vùng biên giới rừng núi hoang vu, anh Chung bị lạc. Đói, rét, hoảng sợ, anh Chung bỏ mạng ở vùng biên. Sau hơn 3 tháng qua đời, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thi thể của anh Chung mới được đưa về quê nhà mai táng. 

Đã có một bài học đắt giá như vậy, thế mà đầu tháng 2 vừa qua, ở xóm Đồng Uống lại có thêm 6 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ngoài ra, có 5 trường hợp khác thuộc xóm Lầu và người còn lại thuộc xóm Khả. "Mặc dù đã có người chết nhưng ở trong xóm cũng có người đi mấy năm nay và tích cóp được vốn, cải thiện kinh tế gia đình. Khi nghe mức lương cả chục triệu đồng mỗi tháng thì nhiều người vẫn bất chấp đi trái phép sang Trung Quốc, dù được địa phương tuyên truyền nhiều lần” - ông Hà Văn Nhẫn, công an viên xóm Đồng Uống cho biết.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Khà Thị Th., một trong những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc ở xóm Đồng Uống thừa nhận, ra đi đầy liều lĩnh và tâm trạng nhiều lo âu. Thế nhưng, với lời hứa hẹn rằng, chỉ với công việc bóc tôm mà mức lương lên tới 25 triệu đồng/tháng, trong khi gia đình đang nợ tiền làm nhà nên chị đã trốn chồng, con và cùng 11 người khác trong xã lên vùng biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn, rồi gia nhập đoàn người Việt đi "chui” sang Trung Quốc. Tại đây, chị Th. đã trải qua những ngày tăm tối nhất của cuộc đời...   

Những ngày ác mộng ở bên kia biên giới

Theo lời kể của chị Th.: Sáng 13/2, mặc chồng can ngăn, chị Th. chuẩn bị hành lý và trốn gia đình bắt xe khách xuống Hà Nội, tiếp tục bắt xe lên Lạng Sơn cùng 11 người khác trong xã. Tại đây, chị và những người khác thuê nhà nghỉ và ngủ lại một đêm. Sáng sớm hôm sau, một người đàn ông (người Việt) đến và thu mỗi người 3,9 triệu đồng phí môi giới, tiền xe cộ để đưa sang bên kia biên giới. Sau khi thu tiền, từng nhóm người được chụp ảnh với lý do để gửi ảnh cho phía công ty bên Trung Quốc nhận mặt. "Lúc này, tôi cũng bắt đầu lo sợ, nghĩ trong đầu hay là họ bán mình sang Trung Quốc. Nhưng đã nộp tiền rồi nên vẫn quyết tâm đi” - chị Th. nhớ lại. 

Chụp ảnh xong, những lao động "chui” được xe chở lên vùng biên giới heo hút. Đến đêm, những xe ca nhỏ được điều đến, hàng chục người được nhồi nhét vào xe và chở vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Đến khoảng 12 giờ đêm, xe dừng lại ở một khu lán tạm bợ bằng tre nứa, lợp bằng bạt. Chị Th. cùng hàng trăm người Việt khác chen chúc nhau ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, chiếc xe tiếp tục chở những lao động này đi vòng vèo qua những vùng núi heo hút. Lúc này, chị Th. cùng nhiều người khác bắt đầu hoang mang, điện thoại cũng không thể liên lạc được với ai. Đi vòng vèo mãi, cuối cùng chiếc xe lại quay về điểm xuất phát là khu lán trại tạm bợ. Tại đây, những lao động "chui” của Việt Nam mới tá hỏa khi phát hiện lực lượng chức năng của Trung Quốc vây bắt. "Hàng trăm người Việt chạy tán loạn. Rừng núi hoang vu nên chẳng biết đấy là đâu. Chúng tôi không chạy được, bị công an Trung Quốc bắt đưa vào trại giam giữ” - chị Th. cho biết.

Bị bắt và giam cầm, giấc mơ đổi đời trước lúc vượt biên tiêu tan. Trong những ngày bị giam giữ, mỗi ngày, họ được cho ăn 2 bữa nhưng chỉ những người khỏe mạnh mới tranh được phần ăn, nhiều người ốm yếu đành chịu đói. Có người bị đánh đập. Sau 3 ngày bị giam giữ, chị Th. cùng những người khác được phía Trung Quốc chở về vùng biên giới vào khoảng 11 giờ đêm. Chị Th. cùng những người Việt nhẹ dạ mò mẫm trên con đường rừng trơn trượt để trở về nhà. 

"Khi về đến nhà mới biết mình còn sống. Trong những ngày sang bên kia, tôi được nghe nhiều chuyện lắm. Người nào mà không bị bắt làm được vài tháng thì cũng bị bắt và lấy hết tiền. Nhiều người bị đánh đập thậm tệ, có người bị bán vào nhà chứa. Cũng may chúng tôi còn được trở về nhà, giờ có cho tiền cũng không dám đi nữa” - chị Th. ngậm ngùi. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 12 trường hợp ở xã Mai Hạ thì trên địa bàn huyện Mai Châu và một số địa phương khác trong tỉnh, thực trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm nay. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Công an huyện Mai Châu cho biết: Ngay sau khi nắm bắt thông tin về vụ việc, Công an huyện đã đến thăm hỏi, động viên. Hiện, chưa xác định được trong vụ việc này có động cơ về chính trị hay không. Công an huyện tiếp tục điều tra vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

                                                                              Viết Đào

Các tin khác


Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường” trao 200 xe đạp cho học sinh huyện Đà Bắc

Sáng 27/4, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường” dành cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi vào hè

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Các bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục