Bình quân hàng năm, Cơ sở cai nghiện ma túy số II tiếp nhận từ 250 - 300 học viên là người nghiện ma túy sau khi đã hoàn thành giai đoạn cắt cơn, giải độc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I để tiếp tục quản lý, giáo dục, dạy nghề và tổ chức các hoạt động lao động trị liệu, sản xuất, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, góp phần giảm áp lực thực hiện chỉ tiêu cai nghiện đối với Cơ sở cai nghiện ma túy số I, nâng công suất cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy trong tỉnh lên 700 - 800 lượt người/năm. Từ đầu năm đến nay, Cơ sở đã tiếp nhận, quản lý, cai nghiện 248 lượt học viên; tổ chức khám, điều trị bằng thuốc thay thế methadone cho 66 lượt học viên; tư vấn cai nghiện cho hơn 50 lượt người nghiện và gia đình người nghiện. Thực hiện tuyên truyền chính sách mới về hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 100% đối tượng vào cai nghiện được cắt cơn an toàn, khám và điều trị các bệnh cơ hội, được giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, học nghề và lao động trị liệu theo quy trình quy định.
Cơ sở cai nghiện ma tuý số II (Lạc Sơn) quan tâm dạy nghề, truyền nghề trồng trọt, chăn nuôi... giúp học viên rèn luyện kỹ năng lao động sản xuất và có định hướng việc làm trước khi tái hoà nhập cộng đồng.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 5/2019, toàn tỉnh có 1.951 người nghiện và nghi nghiện ma túy. Trong đó có 72,3% đối tượng được áp dụng các hình thức cai nghiện, 27,7% chưa được áp dụng cai nghiện dưới các hình thức; nhiều trường hợp tái nghiện, cai nghiện không thành công. Dự báo, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 2.500 - 2.700 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước thực tế đó, để góp phần đa dạng hóa các biện pháp điều trị cai nghiện, Cơ sở đã thành lập Đội tư vấn, tuyên truyền lưu động để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về điều trị cai nghiện ma tuý đến từng thôn, xóm. Qua khảo sát của Đội tư vấn tại 5 xã: Liên Vũ, Yên Phú, Hương Nhượng, Xuất Hoá, Bình Hẻm đã có hơn 50 gia đình người nghiện quan tâm và có nhu cầu đưa người thân vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở. Để hỗ trợ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện, Cơ sở đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, cai cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khoẻ, tư vấn giáo dục và trị liệu tâm lý cho người vào cai nghiện. Đồng thời, quan tâm dạy nghề, truyền nghề cho học viên với các nghề: mây, tre đan, sản xuất gạch nung, làm đậu phụ, chăn nuôi… vừa rèn kỹ năng lao động, vừa định hướng việc làm cho học viên trước khi tái hoà nhập cộng đồng.
Đồng chí Đinh Ngọc Long, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số II cho biết: "Thời gian tới, Cơ sở sẽ đẩy mạnh lộ trình xây dựng để trở thành cơ sở xã hội đa chức năng hoàn chỉnh; từng bước quy hoạch các loại hình điều trị, cai nghiện tại Cơ sở thành môi trường điều trị lành mạnh, thân thiện, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Phấn đấu tiếp nhận cai nghiện bắt buộc cho 200 - 250 người/năm, cai tự nguyện cho 150 - 170 lượt người, điều trị bằng thuốc thay thế cho 70 - 100 người. Tổ chức dạy nghề phù hợp cho 100% học viên; duy trì thường xuyên từ 70 - 80% học viên có mặt tại Cơ sở được lao động trị liệu, lao động sản xuất. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, trường học, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tham vấn, giáo dục trực quan về phòng, chống lạm dụng ma tuý cho học sinh, sinh viên và nhân dân”.
Thanh Sơn