(HBĐT) - Nếu tính về quãng đường thì từ TP Hòa Bình đến xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chỉ khoảng hơn chục km. Song tính về sự phát triển lại là khoảng cách quá xa đối với một xóm thuộc xã đặc biệt khó khăn của vùng hồ Hòa Bình.


Người dân xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển nuôi cá lồng bè, cải thiện thu nhập.

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được con đường gập ghềnh ổ trâu, ổ gà và sạt lở nhiều đoạn do mưa bão của các xóm Tháu, Vôi, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình). Sau đó tiếp tục lần theo con đường dân sinh heo hút, ngoằn ngoèo mà nhiều đoạn tưởng như đi vào rừng sâu, chúng tôi mới thấy được vài ba nếp nhà. Thở phào vì nghĩ đã tới được xóm Nưa, vậy mà có tiếng nói từ ngôi nhà sàn vọng ra: "Xóm ở bên kia sông cơ anh chị ơi, đây chỉ là một chòm thôi”. Rồi liên lạc, chờ đợi một hồi, trưởng xóm Đinh Tiến Dũng cũng cập bến chiếc thuyền máy đưa khách sang sông.

"Vất vả quá anh chị nhỉ. Xóm không có đường bộ, 100% đi lại bằng đường thủy. Từ UBND xã đến đây cũng mất gần 1 tiếng đi thuyền. Năm nay, nước hồ cạn, từ thuyền lên đến xóm cũng mất đoạn khá cao” - trưởng xóm Nưa mở đầu câu chuyện như để chia sẻ với khó khăn của khách, mà đáng lẽ ra cán bộ, nhân dân nơi đây mới cần nhận được nhiều sự sẻ chia.

Xóm Nưa có 69 hộ, 283 nhân khẩu. Cả xóm chỉ có 8 ha gieo trồng, trong đó 2 ha trồng ngô và 6 ha trồng sắn. Diện tích chính là đồi rừng với trên 500 ha rừng tự nhiên, rừng trồng và diện tích mặt hồ khá lớn. Do vậy, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nuôi trồng, khai thác thủy sản và nguồn lợi từ rừng.

Biến khó khăn thành thế mạnh và nhờ thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè của tỉnh, hiện nay, xóm Nưa phát triển được gần 80 lồng nuôi cá, trong đó có 72 lồng sắt được hỗ trợ kinh phí 50%. Ngoài ra, xóm có trên 80% hộ tham gia khai thác thủy sản trên hồ Hòa Bình. Xóm được tỉnh, huyện tổ chức lớp dạy nghề và chuyển giao KHKT về nuôi trồng thủy sản đã giúp bà con có kỹ năng, kiến thức, từng bước khắc phục khó khăn thường gặp do dịch bệnh trên đàn cá để sản xuất bền vững.

Chị Xa Thị Tự, một người dân trong xóm chia sẻ: Nhà tôi có 2 lồng, nuôi khoảng 100 con cá trắm đen. Bình quân mỗi năm thu trên 1 tạ cá. Ngoài ra, hàng đêm, gia đình đi cất vó tôm, cá trên hồ. Có ngày may mắn cũng thu được gần tạ cá con. Trở ngại ở đây là không có đường, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phụ thuộc vào tư thương, giá cả không ổn định, nhiều khi bị o ép nên khó khăn chồng thêm khó khăn.

Hiện nay, người dân xóm Nưa còn nhiều trở ngại để tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Cả tuần mới có 1 thuyền chợ ghé vào để bà con mua sắm. Sản phẩm làm ra ít khi người dân tự mang đi bán mà dựa vào tư thương đến thu mua, do đó giá bán thấp. Đơn cử như mùa măng năm nay, người dân trong xóm phấn khởi nói bán được giá cao hơn khá nhiều so với mọi năm (15.000/kg). Trong khi cũng thời điểm đó, người tiêu dùng ở TP Hòa Bình phải mua tới 30.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn.

Hướng ánh mắt về lòng hồ mênh mông, trưởng xóm Đinh Tiến Dũng tâm sự: Xóm Nưa còn tới 28 hộ nghèo và nhiều hộ cận nghèo. Năm qua, thu nhập bình quân mới đạt 10 triệu đồng/người. Không chỉ thiếu đường mà xóm còn thiếu nhiều thứ lắm. Cả xóm mới có 28 hộ được vay vốn với dư nợ trên 730 triệu đồng nên nhiều hộ không có tiền đầu tư lồng nuôi cá để tận dụng diện tích mặt nước hay chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Một bộ phận người dân thiếu kinh nghiệm, kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất. Xóm ở gần bờ sông, nguy cơ sạt lở cao. Năm qua có 7 hộ ở trong vùng nguy hiểm phải yêu cầu di dời. Tuy có gần 70 hộ nhưng lại sinh sống rải rác thành từng chòm ven hồ, do vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân cũng là trở ngại của cán bộ xóm. Nan giải nhất là công tác giáo dục. Vì xa trung tâm xã nên xóm có 1 chi trường. Tuy nhiên, từ lớp 1 đến lớp 5 các cháu phải học lớp ghép. Phòng học thì xuống cấp, trang thiết bị giảng dạy không đầy đủ, học sinh phần lớn đi học bằng thuyền nên việc duy trì được sỹ số học sinh đã là thành công.

Xóm Nưa gần mà xa với nỗi niềm đong đầy. "Chúng tôi mong lắm được mở con đường từ xóm Vôi qua xóm Nưa sang xã Bình Thanh (Cao Phong) để tạo điều kiện giúp bà con giao thương hàng hóa, thúc đẩy KT - XH. Tuyến đường này đã từng được khảo sát thiết kế mà chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai”. Mong rằng tâm tư của trưởng xóm Đinh Tiến Dũng và người dân xóm Nưa sớm trở thành hiện thực.
 

                                                                           Bình Giang

Các tin khác


Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Những mái nhà ấm tình đại đoàn kết

Thời gian qua, phong trào xây nhà "Đại đoàn kết” cho hộ nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết ấm tình người được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, bàn giao cho hộ nghèo, giúp họ "an cư, lạc nghiệp", có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh “3 cùng” với người dân

Cùng với hệ thống chính trị toàn tỉnh, những năm qua, Công an tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng những việc làm thiết thực. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai ở hầu khắp các đơn vị Công an trong tỉnh với hàng loạt việc tốt, việc tử tế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Hình ảnh các chiến sỹ Công an tỉnh "3 cùng” với người dân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày dịp Lễ Quốc khánh năm nay

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXB), cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 4 ngày Lễ Quốc khánh năm 2024 từ thứ Bảy ngày 31/8 đến hết thứ Ba ngày 3/9/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục