Ngay sau khi Hà Nội công bố thông tin về ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, từ sáng ngày 7 - 8/3, một số người dân có tâm lý hoang mang, đi mua lương thực, hàng hóa dự trữ hoặc gửi cho người thân ở Hà Nội, dẫn đến tình trạng nhiều hàng hóa bán rất chạy tại siêu thị, chợ dân sinh.

 


 Các quầy bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Phương (TP Hòa Bình) luôn đông khách từ sáng ngày 7 - 8/3 trước nhu cầu mua thịt lợn gửi đi Hà Nội của người dân. 

Theo khảo sát, tại chợ Nghĩa Phương, chợ Tổng, chợ Tân Thành trên địa bàn TP Hòa Bình, từ sáng sớm ngày 7 - 8/3, tình trạng người dân đi mua các loại thực phẩm như thịt lợn, rau, cá, thịt gà tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường. Một số mặt hàng giá tăng nhẹ: thịt lợn, thịt gà giá tăng từ 10.000 - 20.000 nghìn đồng/kg; rau mồng tơi tăng từ 7.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ... Tuy nhiên, nhiều mặt hàng như cá, gạo ổn định, không tăng giá.

Chị Hoàng Thị Liên, tiểu thương bán cá tại chợ Nghĩa Phương chia sẻ: Ngay từ sáng sớm ngày 7/3, người dân đi mua cá tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Khách hàng mua với số lượng lớn để gửi đi Hà Nội cho người thân. Tuy sức mua tăng mạnh nhưng giá không tăng. Cá lăng vẫn dao động từ 90.000 - 100.000 nghìn đồng/kg, cá trắm từ 70.000 - 80.000 nghìn đồng/kg. Nguồn cung cấp cá dồi dào đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Từ sáng đến tối ngày 7/3, tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn TP Hòa Bình luôn đông người dân đến mua mỳ tôm, nước mắm, muối, mỳ chính. Nhiều người mua từ 2 - 3 thùng mỳ tôm dẫn đến có lúc trên các kệ hàng cháy mặt hàng mỳ tôm. Tuy nhiên, tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị nguồn cung các mặt hàng luôn đảm bảo, khi mặt hàng nào hết chủ cửa hàng lại nhập về để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.

 Chị Nguyễn Thị Hoài Hưng, Giám đốc siêu thị AP Plaza cho biết: Ngày 7/3, lượng khách hàng tới siêu thị mua sắm tăng gấp 6 - 7 lần so với ngày thường. Khách hàng chủ yếu mua các mặt hàng như mỳ tôm, đồ hộp, giấy vệ sinh... Siêu thị chúng tôi đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa cho khách hàng. Giá của các mặt hàng được bán theo đúng giá niêm yết, không có tình trạng tăng giá. Đến ngày 8/3, tình trạng người dân đổ xô tới siêu thị mua hàng đã giảm nhiều so với ngày 7/3. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ khảo sát, nghiên cứu nhu cầu của thị trường và đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân. Siêu thị đang có kế hoạch nhập hàng gấp 3 lần để phục vụ khách hàng.

Hiện tại, người dân trên địa bàn tỉnh không nên hoang mang trước diễn biến của dịch Covid-19. Người dân không nên mua hàng hóa để tích trữ, mà cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch như không tập trung tại nơi đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay phòng dịch...

Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Từ trước khi TP Hà Nội công bố có trường hợp nhiễm Covid-19, Sở Công Thương đã có kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận người dân đang có tâm lý hoang mang, sợ thiếu các mặt hàng thực phẩm dẫn tới tình trạng đổ xô đi mua hàng dự trữ hoặc gửi cho người thân ở Hà Nội. Vì vậy, ngay sáng 7/3, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở Công Thương, Phòng Quản lý thương mại đã khảo sát tại tất cả các huyện, thành phố nhằm nắm tình hình tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương. Qua khảo sát cho thấy, tuy sức mua của người dân có tăng nhưng lượng hàng hóa vẫn đảm bảo để cung cấp cho người dân. Hiện tại, tỉnh đảm bảo không để xảy ra thiếu hàng hóa trong bất kỳ tình huống nào, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao. Sở Công Thương sẽ phối hợp với các siêu thị, đại lý để nghiên cứu, nắm tình hình nhu cầu mua sắm của thị trường. Nếu nhu cầu thị trường tăng sẽ nhập thêm hàng hóa, không để các kệ bị trống hàng, thiếu hàng. Người dân cần ổn định tâm lý mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, tránh hoang mang lo lắng vì lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào.


 Thu Thủy

Các tin khác


Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Lương Sơn

Sáng 25/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và diễn tập phương án PCCC&CNCH tại KCN Lương Sơn.

Trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn), nội dung tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ là hoạt động điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của thành viên tham gia dự án và người dân địa phương.

Cảnh giác khi mua hàng khuyến mại, giảm giá

Trong thời đại công nghệ thì việc mua bán hàng qua mạng là phổ biến. Tuy nhiên đây là kênh dễ lừa khách hàng nhất. Để tạo lòng tin, kẻ xấu giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng thực sự có chiến dịch khuyến mãi.

Thời tiết ngày 25/4: Nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/4, Bắc Bộ bắt đầu tăng nhiệt mạnh. Riêng Trung Bộ nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Tây Nguyên, Nam Bộ trên 37 độ C.

Công đoàn ngành Giáo dục chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động

Xác định việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng hướng về cơ sở. Đồng thời thực hiện đa dạng giải pháp, kịp thời chia sẻ những khó khăn giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới

Ngày 23/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là hoạt động trong kế hoạch triển khai thực hiện dự án "Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục