(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch hoạt động của Dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hòa Bình trong phòng, chống bạo lực giới”, đặc biệt là thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả chất lượng và đổi mới nội dung phương thức hoạt động trong công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các nội dung giao lưu truyền thông chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em” bằng hình thức sân khấu hóa hấp dẫn, lôi cuốn và hiệu quả.
Buổi giao lưu, truyền thông chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Xăm Khòe (Mai Châu) là chương trình truyền thông sân khấu hóa đầu tiên thuộc Dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hòa Bình trong phòng, chống bạo lực giới”, do Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ. Chương trình giao lưu được tổ chức vào buổi tối, thu hút 360 phụ nữ, nam giới và các em học sinh trên địa bàn xã tham gia. Tại buổi giao lưu, 02 đội truyền thông của xã Xăm Khòe đã cũng cấp kiến thức về Luật phòng, chống Bạo lực gia đình; luật pháp liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em; các kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại thông qua phần giao lưu kiến thức; giao lưu tiểu phẩm giữa hai đội với 1 tiểu phẩm về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và 1 tiểu phẩm về phòng chống bạo lực gia đình. Xen kẽ là các tiết mục văn nghệ đặc sắc và phần giao lưu khán giả hấp dẫn, sôi nổi.
Chị Hà Minh Huân, Chủ tịch Hội LHPN Mai Châu cho biết: Với hình thức truyền thông sinh động, hấp dẫn, có sự tương tác, giao lưu với người xem và giải đáp, giải quyết vấn đề thông qua tình huống… đã giúp học sinh các trường học trên địa bàn, cha mẹ học sinh, người dân hiểu thêm những nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng phòng tránh… Từ đó, điều chỉnh, thay đổi thái độ, hành vi, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Chị Hà Thị Hoa, hội viên phụ nữ xã Xăm Khòe sau khi xem truyền thông cho biết thêm: "Tuy đã được tham gia nhiều chương trình truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh và các buổi sinh hoạt chi hội. Nhưng khi tham gia buổi truyền thông, qua các tiểu phẩm kịch thế này dễ hiểu hơn cả. Những tình huống, nội dung câu truyện kịch giúp tôi và nhiều hội viên phụ nữ hiểu sâu, nhớ lâu và không bị nhàm chán”.
Để tổ chức được truyền thông sân khấu hóa ngoài trời đòi hỏi phải có địa điểm, thời gian, phù hợp và công tác chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Căn cứ kế hoạch khảo sát hiện trạng đầu kỳ của Dự án, từ đầu tháng 9/2019, BTV Hội LHPN tỉnh đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai tổ chức chương trình giao lưu, truyền thông chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại các huyện tham gia dự án. Theo đó, kế hoạch nêu rõ mục đích của Dự án là: Giao lưu văn nghệ lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, cộng đồng về phòng chống bạo lực giới, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình; cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về phòng chống bạo lực giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em. Về nội dung tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống bạo lực giới; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em; kiến thức, kỹ năng giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em và người dân phát hiện, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại cũng như tự bảo vệ mình khỏi những hành vi bạo lực, xâm hại…. Tuy nhiên với nhận thức của người dân còn hạn chế, để truyền tải nhiều nội dung về Luật rất khó để tiếp thu và nhớ lâu, chính vì vậy việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa với thế mạnh về mặt tuyên truyền sinh động, lôi cuốn, mang tính hấp dẫn, thực sự thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, đem lại nhiều tác dụng, hiệu quả về mặt tuyên truyền. Đặc biệt, nhờ sự gắn kết giữa kịch và đời, cùng với việc vận dụng linh hoạt các yếu tố hài hước và óc sáng tạo, các tiết mục văn nghệ của các đội tham gia giao lưu mà nội dung tuyên truyền được truyền tải đến người xem một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, sâu lắng”.
Những người thực hiện hoạt động truyền thông và những người xem truyền thông không bị áp lực, gò bó, mà ngược lại rất thoải mái, kiến thức thu nhận được rất tự nhiên, sâu sắc. Thông qua hoạt động tuyên truyền này, địa phương cũng đã phát hiện được những hạt nhân tuyên truyền viên nòng cốt cho công tác tuyên truyền tại địa phương”.
H.D