(HBĐT) - Mỗi khi mùa mưa bão về, các hộ dân sinh sống và sản xuất bên bờ suối Si, thuộc hai xóm Sát, Mu Khướng, xã Tự Do (Lạc Sơn) lại phải đối mặt với hiểm họa rình rập khi đi qua những cây cầu tạm và cầu dân sinh đã xuống cấp trầm trọng.
Cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Lạc Sơn kiểm tra hiện trạng cầu dân sinh xóm Sát, xã Tự Do để đề xuất cấp có thẩm quyền phương án xử lý.
Là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, xã Tự Do có 602 hộ dân, trên 3.000 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Mường, thu nhập và đời sống chủ yếu dựa vào sản nông, lâm nghiệp. Nhưng do đường sá xuống cấp, qua nhiều năm sử dụng và tác động bởi thiên tai, một số cầu dân sinh qua suối đã bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của dân cư trên địa bàn.
Do diện tích đất canh tác hạn hẹp, từ lâu nay, người dân xóm Mu Khướng đều phải đi qua suối Si để trồng và thu hoạch lúa, ngô, phát triển kinh tế rừng. Trước tình trạng đi lại, khó khăn, trắc trở, các hộ dân đã bàn bạc và thống nhất đóng góp ngày công, vật liệu để làm một chiếc cầu gỗ qua suối. Nhưng đến mùa mưa lũ năm 2017, chiếc cầu dân sinh này đã bị lũ cuốn trôi. Vậy là hơn 3 năm qua, từ việc đến trường của học sinh, đến việc đi lại để trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu của người dân đều trông chờ vào cây cầu tạm, được kết nối từ hơn chục cây bương chằng chống sơ sài và không hề có lan can.
Chị Bùi Thị Quỳnh ở xóm Mu Khướng cho biết: Đa số đất canh tác của các hộ trong xóm đều ở bên kia bờ suối. Sau khi cây cầu gỗ bị lũ cuốn trôi, hơn 3 năm qua, chúng tôi phải đi bằng cầu tạm, vừa khó khăn, vừa nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Máy cày, máy bừa không đưa sang được đã làm tốn thêm thời gian, công sức, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Lúa, ngô, hoa màu sau khi thu hoạch đều phải bằng sức người để vận chuyển về nhà, nhọc nhằn, vất vả lắm. Đặc biệt, khi lũ về nước suối dâng cao, chảy xiết, các cháu học sinh đành phải nghỉ học. Có đợt mưa lũ kéo dài các cháu phải nghỉ học đến 5 - 6 ngày.
Do địa hình đồi núi chia cắt, nên dân cư ở xã Tự Do phân bố khá thưa thớt. Xóm Sát cũng vậy, nằm dọc theo bờ suối Si, nhưng mỗi chòm xóm chỉ có 6 - 7 hộ. Cùng với tuyến đường nội xóm được bê tông hóa và 2 mố cầu được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135 vào năm 2012, 8 năm qua, 6 hộ dân, với trên 30 nhân khẩu của xóm Sát đã tự đóng góp vật liệu, ngày công để xây dựng chiếc cầu dân sinh phục vụ việc đi lại hàng ngày.
Bà Bùi Thị Thẻm, xóm Sát cho biết: Do thời gian sử dụng đã lâu, lại bị ảnh hưởng mưa lũ, năm 2017, chiếc cầu dân sinh bị lũ cuốn trôi. Các hộ trong chòm xóm lại đóng góp bương, tre, ngày công để gia cố, sửa chữa để đi tạm. Nhưng 2 năm liền (2019 - 2020), lũ lớn đã làm cây cầu bị siêu vẹo và sạt lở một bên mố cầu. Đến nay, cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, một phần đầu cầu đã đứt lìa khỏi trụ bê tông. Ngoài ra, cây cầu không có hệ thống lan can, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện qua lại. Biết là nguy hiểm nhưng đây là cây cầu chính để bà con đi lại và học sinh đến trường. Vì thế, hàng ngày, người dân và phương tiện vẫn bắt buộc phải đi qua cây cầu đã xuống cấp này.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tự Do Bùi Văn Sùn: Trên địa bàn xã Tự Do có tổng cộng 5 chiếc cầu dân sinh. Trong đó, cây cầu ở xóm Mu Khướng đã bị lũ cuốn trôi, còn cầu ở xóm Sát được người dân sửa chữa nhiều lần, nhưng đã xuống cấp trầm trọng và rất nguy hiểm cho bà con mỗi khi qua lại. UBND xã đã kiểm tra, rà soát, có văn bản gửi UBND huyện đề nghị hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình đã hư hỏng, xuống cấp.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Lạc Sơn đã kiểm tra, rà soát, có văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền về việc đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn xã Tự Do. Các công trình cầu dân sinh trên địa bàn xã Tự Do bị hư hỏng, xuống cấp đã được UBND tỉnh đồng ý để ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Với sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, hy vọng hệ thống hạ tầng giao thông xã Tự Do sớm được cải thiện, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân trong sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đức Phượng
(HBĐT) - Trong 2 ngày (21 - 22/11), đoàn công tác của Báo Hòa Bình do đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập dẫn đầu đã có chuyến thăm, trao đổi và học tập kinh nghiệm vận hành mô hình tòa soạn hội tụ tại các báo: Hải Dương, Hải Phòng.
(HBĐT) - Thực hiện Lời kêu gọi số 253/LKG-TƯHCTĐ ngày 13/10/2020 của T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam về việc ủng hộ người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Hội CTĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp cơ sở khẩn trương tổ chức kêu gọi vận động nguồn lực, góp phần hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 6b, trong 10 năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh tích cực tập hợp, vận động nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phát huy vai trò nữ CNVCLĐ trong tình hình mới.
(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-TLĐ, ngày 3/8/2015 của BCH Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về "nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Công đoàn (CĐ)”, hoạt động UBKTCĐ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của UBKTCĐ, đặc biệt là CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
(HBĐT) - Ngày 21/11, tại xã Hòa Bình, TP.Hòa Bình, Hội liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội LHTN TP. Hòa Bình tổ chức Lễ khởi động Chương trình tình nguyện mùa Đông năm 2020 và Xuân tình nguyện năm 2021. Dự chương trình có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Thành ủy Hòa Bình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, xã Hòa Bình, các đơn vị đồng hành và hơn 300 ĐVTN, học sinh trên địa bàn TP. Hòa Bình.