(HBĐT) - Những năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH, huyện Yên Thủy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ nét.
Trước đây, gia đình bà Phạm Thị Tươi ở xóm Hợp Lý, xã Bảo Hiệu chủ yếu trồng bí xanh, mía, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2010, gia đình bà chuyển sang trồng thử 50 cây bưởi Diễn. Qua quá trình chăm sóc, nhận thấy bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, khá phù hợp với đồng đất ở đây, bà Tươi tiếp tục trồng thêm 100 cây. Đến nay, vườn bưởi Diễn của gia đình bà là một trong những vườn bưởi ngon của huyện. Với hiệu quả kinh tế cao, bà Tươi tiếp tục mở rộng diện tích với 300 gốc bưởi và 350 gốc cam lòng vàng. Từ trồng bưởi, cam, mỗi năm, gia đình bà thu nhập từ 180 - 250 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Tươi chia sẻ: Trước do nhận thức có hạn, gia đình không biết cách làm ăn, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, thường trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều năm qua, được sự quan tâm động viên, tuyên truyền của cán bộ xã, gia đình đã thay đổi tư duy làm ăn, chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả, nỗ lực vượt khó vươn lên có cuộc sống ổn định.
Kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, Yên Thủy đã hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 7,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Với tư duy năng động trong sản xuất nông nghiệp, thành công trong dồn điền, đổi thửa, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất với nhiều mô hình hiệu quả gắn với xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, góp phần thúc KT-XH, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 19,7% (năm 2015) còn 8,7% (năm 2020).
Yên Thủy đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Dù là huyện xa trung tâm tỉnh, nhưng tiếp giáp với các địa phương đang phát triển mạnh như Ninh Bình, Thanh Hóa. Có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, nhiều xã vùng sâu, xa như Lạc Hưng, Bảo Hiệu trở thành vùng thuận lợi. Cùng với đó là hệ thống quốc lộ kết nối, mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, đã xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa chủ lực. Trên địa bàn huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, vật liệu xây dựng, đô thị, du lịch.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo huyện đã đúc rút những bài học kinh nghiệm, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH. Huyện chỉ đạo các xã tích cực dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tập trung, thực hiện tiêu chí thu nhập nâng cao đời sống cho người dân là vấn đề cốt lõi. Để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện tổ chức tốt sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ mới gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
Có thể khẳng định, công tác giảm nghèo ở huyện Yên Thủy đã đạt nhiều kết quả khả quan, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc. Nhưng thành quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo nơi đây đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của cán bộ, Nhân dân không còn, thay vào đó là tinh thần, khát vọng vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình, quê hương.
Đinh Thắng