Những căn hộ quây kín bằng "chuồng cọp” ở khu chung cư cũ A23, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).
Dễ dàng nhận thấy, tại các chung cư cũ phía bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình như khu A23, A22, phường Tân Thịnh; B13, phường Thịnh Lang; khu chuyên gia, phường Hữu Nghị…, hầu hết các chủ căn hộ đều cơi nới cả phía trước và sau bằng "chuồng cọp” vừa để tăng diện tích sử dụng, vừa để chống trộm. Do tính chất liền kề của các căn hộ nên ảnh hưởng rất nhanh đến gia đình hàng xóm. Mỗi căn hộ được gia cố bằng các "chuồng cọp”, chỉ duy nhất 1 cửa ra vào thì người trong nhà dễ bị mắc kẹt khi khói lửa bùng lên mù mịt không còn nhìn thấy lối thoát; nếu chạy ra phía sau thì lại bị lồng sắt chặn lại. Gia cố lồng sắt để chống trộm nhưng chẳng khác nào lại tự nhốt mình trong hỏa hoạn.
Theo thống kê của phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), tại các khu chung cư trên đã từng xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại về người, tài sản. Đơn cử như vụ cháy xảy ra ngày 1/8/2017 tại khu chung cư B13, phường Thịnh Lang. Rạng sáng, tiếng nổ và khói mù mịt phát ra từ căn hộ 203, trong khi cửa nhà khóa và có người ở trong. Khi cảnh sát đến, dập được đám cháy thì 1 người đã bị bỏng nặng và tử vong sau đó. Trước đó, tại cầu thang 1, khu chung cư A23, phường Tân Thịnh khói đen ngùn ngụt bốc lên giữa buổi chiều tại căn hộ 402 làm cháy rụi tài sản trong nhà. Chủ căn hộ này khi đó đi vắng nhưng hàng xóm bị 1 phen hú vía, chỉ kịp vơ giấy tờ quan trọng và tháo chạy. Tại Tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp 12 tầng, khu chuyên gia cũng từng xảy ra hỏa hoạn.
Ngay cả những ngôi nhà ở dưới đất, gia chủ bịt kín nhà bằng những "chuồng cọp” và chỉ có 1 lối thoát phía cửa chính như nhà ống thì ẩn họa cũng không kém nếu xảy ra sự cố. Các chiến sỹ đội Chữa cháy, phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ không thể nào quên vụ cháy xảy ra đêm 31/7/2018 tại số nhà 90, tổ 25, phường Tân Thịnh. Khi hàng xóm phát hiện căn nhà cấp bốn 100 m2, trần nhựa, lợp tôn bốc cháy, khói đen ngùn ngụt đã hô hoán mọi người hỗ trợ nhưng cửa chính và cổng đều khóa. Trong khi đó, phía trong nhà có 3 người, gồm 2 vợ chồng và 1 con mới 8 tháng tuổi. Nhận tin, phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ lập tức điều 3 xe chữa cháy cùng CB, CS đến dập lửa. Chiến sỹ Nguyễn Văn Quyền, nguyên cán bộ đội Chữa cháy, người trực tiếp cứu người bị nạn kể lại: Khi tiếp cận được vào trong nhà thì cả 3 người đã nằm bất tỉnh do ngạt khói, phút sinh tử cận kề, chúng tôi mau lẹ đưa họ ra ngoài. Rất may sau khi được sơ cấp cứu và điều trị tại bệnh viên, cả 3 người trong gia đình đã qua cơn nguy hiểm.
Qua tổng hợp, thống kê, phân tích các vụ cháy của phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho thấy: Nguyên nhân chính của các vụ hỏa hoạn là do sự cố, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chập điện. Trung tá Đỗ Thanh Đạt, Đội trưởng đội Chữa cháy cho biết: Việc tiếp cận chữa cháy, cứu người, tài sản ở những nơi quây kín nhà, căn hộ bằng "chuồng cọp” rất khó khăn, mất nhiều thời gian để cắt, phá, trong khi mức độ ảnh hưởng của lửa, khói rất nhanh, chỉ trong vòng 3 - 5 phút ngạt khói đã có thể tử vong.
Thực tế, mỗi vụ cháy đều xuất phát từ một đốm lửa nhỏ nhưng khi lửa, khói đã bùng lên thì gây hậu quả rất nhanh. "Nước xa không cứu được lửa gần”, do đó, chủ động phòng ngừa cháy, nổ; nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân và trang bị kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, Trung úy Nguyễn Tiến Hùng, cán bộ đội Công tác phòng cháy phản ánh: Thực trạng là phòng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống cháy, nổ, thoát nạn tại các khu dân cư, chung cư nhưng rất ít người tham gia (chỉ khoảng 15-20% số dân), chủ yếu lại là người già, người giúp việc, trẻ nhỏ. Tâm lý chủ quan vẫn hiện hữu.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, Trung tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo: Đầu tiên khi xây nhà nên lắp đặt hệ thống điện an toàn; thường xuyên kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện, bếp đun nấu, không để đồ đạc dễ cháy gần ổ điện, bếp. Trang bị bình chữa cháy xách tay, có thể mua mặt nạ phòng độc dự trữ trong nhà. Bố trí nhà có lối thoát hiểm; nếu buộc phải quây "chuồng cọp” nên mở 1 khoang cửa có khóa, chìa khóa để vị trí dễ thấy trong nhà, gần đó để cuộn dây thoát nạn. Chủ động học kỹ năng thoát nạn trong sự cố. Nếu tình huống xảy ra cháy, tùy tình hình thực tế có thể tụt xuống theo dây thoát nạn hoặc dùng mặt nạ phòng độc, khăn ướt bịt mũi, chăn ướt quấn lên người và khom người men theo tường chạy ra cửa. Bên cạnh đó, xây dựng và phát huy vai trò của đội chữa cháy dân phòng, lực lượng chữa cháy cơ sở.
Minh Châu