(HBĐT) - Những dự án chậm tiến độ, dự án "treo” đang cản trở sự phát triển, làm lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, đời sống của Nhân dân và môi trường đầu tư của tỉnh.



Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình được giao 200 ha đất trên địa bàn xóm Ong, xã Nam Phong (Cao Phong) nhưng đã nhiều năm không triển khai.

Dự án du lịch sinh thái "nắn” suối vào nhà dân

Dự án khu du lịch sinh thái đa năng hồ Dè - núi Đúng thuộc phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) của Công ty CP TM&DV du lịch Thiên Anh được cấp phép đầu tư từ năm 2006, với diện tích 13 ha, thuộc khu vực "đắc địa", sơn thủy hữu tình, được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan, du lịch, mang lại diện mạo mới cho khu vực. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã dừng không triển khai, các phần việc dang dở ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, cuộc sống, khiến người dân bức xúc. Đưa chúng tôi khảo sát dòng suối Đúng, ông Nguyễn Văn Côn, tổ 8, phường Hữu Nghị than thở: Hồ Dè mộng mơ êm đềm, toàn cây rong, hoa súng nay chẳng còn đâu, cảnh quan đã bị phá vỡ hoàn toàn, chỉ còn những ám ảnh mưa lũ mỗi khi mùa mưa tới. Từ khi nhà đầu tư tiến hành san gạt, cải tạo, dòng suối Đúng bị co hẹp, nước từ xóm Máy, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đổ dồn về, nước dâng cuồn cuộn không kịp thoát, nhiều nhà dân bị ngập, tường vỡ, hư hỏng nặng. Bí thư Chi bộ tổ 8 Nguyễn Đại Tuyết, phường Hữu Nghị cho biết: Từ khi được cấp phép đến nay, dự án đã được 16 năm triển khai. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai. Quá trình thi công, san gạt, đắp, nắn dòng suối Đúng, hàng năm, 11 hộ trong tổ luôn trong tình trạng ngập úng, điều trước đây chưa bao giờ xảy ra, nhà cửa bị đánh bay. Cuộc sống nhiều hộ dân luôn trong tình trạng bất an. Bà con đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp HĐND phường để có giải pháp xử lý, trả lại dòng suối như ban đầu, tuy nhiên chưa thấy có động thái gì. Khi có doanh nghiệp vào đầu tư, người dân cũng hy vọng hỗ trợ đầu tư, cải tạo đường giao thông, điện nhưng không có, quá trình phối hợp giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng không tốt nên mới giải phóng được khoảng 80% diện tích dự án. Nhiều năm nay, doanh nghiệp chưa có động thái triển khai dự án, lãng phí đất đai, phá vỡ cảnh quan. 

Sớm trả đất rừng cho người dân yên tâm sản xuất

Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình (Công ty D&G) được cấp phép từ 13 - 14 năm trước, với diện tích hàng nghìn ha trên địa bàn nhiều xã của huyện Cao Phong đã được xác định không triển khai, trong khi đó, người dân hàng ngày vẫn phải sản xuất, canh tác để cải thiện cuộc sống, gây tâm lý không thoải mái, nặng nề cho người dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển của địa phương. Ông Bùi Quang Phục, Bí thư chi bộ xóm Ong, xã Nam Phong cho biết: Công ty D&G được giao 200 ha đất trên địa bàn xóm để triển khai trồng rừng từ năm 2009. Tuy nhiên, diện tích đất giao lại trồng lấn khoảng 70 ha đất của người dân đang sử dụng, phần còn lại là diện tích đất công. Thời gian đầu, công ty cũng trồng cây nhưng chẳng sống cây nào. Nhiều năm nay, công ty không có hoạt động gì. Nhiều hộ dân trong xóm đã trồng keo và đã khai thác, hiện cây keo của người dân đã được 2 năm tuổi.
Tìm hiểu được biết, đầu năm 2009, Công ty D&G được UBND tỉnh quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu cây lâm nghiệp, quá trình thực hiện chỉ trồng được rất ít diện tích. Theo người dân, đến nay không còn sản phẩm cây của Công ty D&G. Bí thư Đảng ủy xã Hợp Phong Bùi Đức Thuận cho biết: Công ty D&G được giao đất trồng rừng với diện tích gần 800 ha, tập trung ở khu vực suối Nhạ, xóm Nhõi, chiếm khoảng 1/4 tổng diện tích của xã Xuân Phong (cũ), còn lại ở xã Đông Phong (cũ) với khoảng 20 ha. Quá trình thực hiện đã trồng được 3 đợt, tuy nhiên, không còn cây nào sống cả. Hiện, diện tích đất vẫn do công ty quản lý. Trong khi đó, công ty không có hoạt động gì. Xã cũng đã định hướng để bà con quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Người dân vẫn làm tốt công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy cho hồ Cạn Thượng, dù không nhận được bất kỳ một đồng tiền phí bảo vệ môi trường rừng. Cử tri địa phương đã rất nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm, thu hồi dự án của Công ty D&G giao đất lại cho người dân để người dân yên tâm sản xuất, quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời chi trả phí bảo vệ môi trường. 

Chung Lê

Các tin khác


Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Lương Sơn

Sáng 25/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và diễn tập phương án PCCC&CNCH tại KCN Lương Sơn.

Trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn), nội dung tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ là hoạt động điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của thành viên tham gia dự án và người dân địa phương.

Cảnh giác khi mua hàng khuyến mại, giảm giá

Trong thời đại công nghệ thì việc mua bán hàng qua mạng là phổ biến. Tuy nhiên đây là kênh dễ lừa khách hàng nhất. Để tạo lòng tin, kẻ xấu giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng thực sự có chiến dịch khuyến mãi.

Thời tiết ngày 25/4: Nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/4, Bắc Bộ bắt đầu tăng nhiệt mạnh. Riêng Trung Bộ nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Tây Nguyên, Nam Bộ trên 37 độ C.

Công đoàn ngành Giáo dục chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động

Xác định việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng hướng về cơ sở. Đồng thời thực hiện đa dạng giải pháp, kịp thời chia sẻ những khó khăn giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới

Ngày 23/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là hoạt động trong kế hoạch triển khai thực hiện dự án "Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục