Dân bị hút theo
"tiền ảo”
Sau thương vụ lan đột
biến giá 200 tỷ đồng vào tháng 12/2020 tại Hòa Bình và mới đây là 250 tỷ đồng ở
Đông Triều (Quảng Ninh), không ít người đầu tư "đứng ngồi không yên”. Ghi nhận
của PV, trào lưu trồng lan đột biến của nhiều người dân ở một số huyện, thành
phố thuộc tỉnh Hòa Bình nở rộ. Những giao dịch, chuyển nhượng lan đột biến
thường đẩy lên với giá trị rất lớn. Có những thương vụ lên đến hàng tỷ, chục tỷ
đồng cho một kie (mầm con) lan đột biến.
Trao
đổi với PV Tiền Phong về thị
trường lan đột biến, anh H.T.T (chủ một vườn lan ở Hoàng Mai, Hà Nội), cho
biết: "Gần đây thị trường lan đột biến có chiều hướng "sốt” hơn do lượng tiền
đổ vào thị trường này quá lớn, trong khi số lượng cây có hạn dẫn đến khan hàng,
giá bị "thổi” cao. Ví dụ, năm 2020 giá của Bạch Tuyết dao động từ 30 - 50 triệu
đồng/cm thì năm nay, có thời gian đỉnh điểm giá của nó lên đến 150 - 200 triệu
đồng/cm”.
Do thị trường lan đột
biến "sốt” khiến nhiều người lao vào đầu tư với mục đích thu hồi lợi nhuận
nhanh, dẫn đến xuất hiện các đối tượng cố tình bán sai cây giống để trục lợi.
Thời điểm giao giống, cây chưa trổ mặt hoa nên chưa thể kiểm chứng được đây là hàng
chuẩn hay không. Điển hình như trong vụ chủ vườn lan Hà Thanh, nếu như trước
đây Bảo Duy có giá 200 - 500 triệu đồng/cm thì nay có giá khoảng 1 tỉ đồng/cm.
Anh
P.T.D, một người chơi lan lâu năm ở Ba Vì (Hà Nội) cho biết: "Trong vụ việc chủ
vườn lan đột biến nghi ôm trăm tỷ bỏ trốn mới đây, nguyên nhân có thể do người
mua đặt "lúa non” nên bị sai cây, còn nếu mua cây lớn thì rất ít khi gặp phải
trường hợp như thế này”.
Ở
góc độ khác, anh P.T.D bày tỏ ngại, hiện có những người thấy thị trường lan đột
biến quá "sốt” nên "té nước theo mưa”, không có tiền nhưng vẫn cầm cố, vay
mượn, bán đất hay trâu bò để nhảy vào. Tuy nhiên, khi thị trường biến động, giá
lan bị "chững” thì những người trên sẽ lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Đối với lan được "quảng cáo” có giá hàng tỷ,
hàng chục tỷ đồng một cá thể, GS.TS Đỗ Năng Vịnh - nguyên Phó viện trưởng Viện
Di truyền nông nghiệp cho rằng, rất khó có giá trị như vậy. Ông phân tích: "Lan
dù có đột biến về y dược hay vẻ đẹp độc đáo thì giá trị vẫn phụ thuộc ở chỗ cá
thể đột biến có thể nhân ra hàng vạn cá thể khác mang giá trị thương mại hay
không. Hiện nay, không ai dự báo được giá trị thương mại của những cây lan đó
hoặc thị trường phong lan. Tôi cũng chưa thấy có nghiên cứu nào thể hiện có thể
nhân bản lan đột biến nên nếu cá thể ấy chết sẽ không còn giá trị. Vì vậy, việc
đẩy giá cao như hiện nay là không có căn cứ”.
Từ đó, GS Vịnh nêu quan điểm, người dân
không nên kinh doanh lan đột biến bởi mua về không biết bao giờ ra hoa, có thể
nhân bản ra cây khác được không? "Việc này, tôi cho là rất gần với những trò
lừa bịp” - GS Đỗ Năng Vịnh nói.
Cảnh báo tội phạm
Liên
quan đến tình trạng giao dịch lan đột biến với giá tiền tỷ, ngày 14/4, trao đổi
với Tiền Phong, đại tá Lê Xuân
Minh, Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, Công an tỉnh có tiếp nhận một số
đơn thư phản ánh, tố giác liên quan đến giao dịch lan đột biến trên địa bàn
tỉnh. "Hiện công an tỉnh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ vào cuộc xác minh làm rõ
các vụ giao dịch lan đột biến trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng công an cảnh báo
tới người dân trên địa bàn, cảnh giác giao dịch liên quan đến lan đột biến”,
đại tá Minh nói.
Trong
khi đó, chia sẻ với PV Tiền Phong, đại
tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, nhận thấy các thương
vụ, giao dịch, mua, bán lan đột biến có dấu hiệu bất thường, chúng tôi đã có
văn bản chỉ đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế, công an các huyện, thị, các xã để tuyên
truyền, khuyến cáo người dân không nên tham gia, chạy theo trào lưu lan đột
biến. Theo đại tá Phạm Văn Sơn, đến nay cơ quan công an tỉnh chưa tiếp nhận
trường hợp nào có đơn thư phản ánh là bị hại, chưa xuất hiện vụ giao dịch, mua,
bán lan đột biến có giá trị tiền tỷ.
Liên
quan vấn đề này, Công an tỉnh Tuyên Quang đã 2 lần cảnh báo phạm tội, lừa đảo
liên quan hoa lan đột biến. Công an tỉnh Tuyên Quang cho rằng: "Hình ảnh các
"tấm gương” đổi đời, làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỷ
trong thời gian ngắn đã đánh vào tâm lý hám lợi của một số bộ phận người dân,
thúc đẩy họ tham gia đầu tư vào hoa lan đột biến”.
Theo
Công an tỉnh Tuyên Quang, hầu hết người chơi hoa lan đều mong kiếm lời dễ dàng,
đổi đời trong chớp mắt nên không ít người bất chấp rủi ro khi cầm cố tài sản,
vay mượn ngân hàng, thậm chí huy động cả "tín dụng đen” để đầu tư. Đây là
nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm
pháp luật.
Công
an một số tỉnh, thành khác cũng đã phát đi cảnh báo người dân về nguy cơ lừa
đảo, đa cấp và các vi phạm khác liên quan việc thổi giá, kinh doanh lan đột
biến.
Liên quan đến vụ việc chủ vườn lan ở Ứng
Hoà (Hà Nội) bị tố ôm hàng tỷ đồng của người mua lan đột biến rồi bỏ trốn,
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Bộ
Công an đã có chỉ đạo về vụ việc và đơn vị đang điều tra làm rõ. Tuy nhiên vụ
việc đang vướng về mặt pháp luật cũng như các căn cứ điều khoản, điều luật để
xử lý hành vi này.
Theo TienPhong