(HBĐT) - "Từ khi có đường giao thông thuận lợi và điện lưới quốc gia, tôi thấy khỏe ra, làm kinh tế cũng "bon" hơn. Mấy năm qua, đời sống của bà con thay đổi nhiều lắm” - đó là chia sẻ đầy phấn khởi của ông Bùi Văn Vinh (66 tuổi), người dân xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn). Pheo chính là xóm bỗng trở nên "nổi tiếng” cách đây nửa thập kỷ bởi không đường, không điện. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, Pheo đổi thay từng ngày, bộ mặt xóm nghèo nay đã khác xưa nhiều.


Từ một nơi không đường, không điện, xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) đã đổi thay nhờ sự hỗ trợ, đầu tư từ Đề án 36. 

Ngỡ ngàng với xóm "nhiều không” 

Đây là lần thứ 4 chúng tôi có dịp về xóm Pheo, lần gần đây nhất vào tháng 3/2018. Khi đó, xóm nghèo đã có điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ, đường giao thông đang thi công. Lần trở lại này vào một ngày tháng 4, tiết trời khá mát mẻ. Bí thư Đảng ủy xã Văn Nghĩa Bùi Văn Chung nở nụ cười tươi rói: "Đường về Pheo đã được mở rộng và cứng hóa đến cuối xóm rồi. Giờ lên Pheo chỉ mất 15 phút thôi”. 

Nửa giờ đồng hồ chúng tôi mới lên tới trung tâm xóm Pheo, bởi mất nhiều thời gian dừng lại ngắm nghía phong cảnh lên xóm núi này. Con đường rộng rãi đổ bê tông chắc chắn uốn lượn theo triền núi được điểm tô bởi những thửa ruộng bậc thang xanh ngút màu lúa. Quả thực, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi rất nhanh của xóm núi này. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn cũ kỹ ngày nào được thay thế bằng nhà xây mái bằng kiên cố. Giữa trung tâm xóm, quán tạp hóa mọc lên với đủ mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Ngôi trường tiểu học rộn vang tiếng cười nói của trẻ trong giờ ra chơi. 

Anh Bùi Văn Chính, Công an viên xóm đưa chúng tôi đi vào tận cùng ngõ ngách cuối xóm Pheo, rồi ghé thăm gia đình ông Bùi Văn Vinh, một trong những hộ ở cuối xóm. Gia đình ông Vinh đã xây nhà mới từ năm 2012 nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà sàn cũ. Mời khách lên nhà sàn uống nước, ông Vinh mở đầu câu chuyện về sự đổi thay của Pheo bằng một sự so sánh rất dễ hình dung: "Ngày trước, mỗi khối cát có giá 700 nghìn đồng mà không ai muốn chở lên Pheo. Giờ chỉ 200 nghìn đồng/m3, xe chở tận nhà rồi. Có đường mọi thứ đều rất thuận lợi”. Ông Vinh nhẩm tính, từ hồi có đường, cả xóm có thêm khoảng 30 nhà xây mới. 

Ngoài đường giao thông thuận lợi, Pheo còn được đầu tư xây dựng mương nội đồng kiên cố. Anh Chính khoe, 3 năm trở lại đây, trâu, bò không còn xuất hiện trên thửa ruộng bậc thang trong ngày mùa nữa. Thay vào đó, bà con đã cơ giới hóa, gieo cấy vụ mùa chỉ mất 1 tuần, thay vì cả tháng như trước đây. Từ một xóm ít người biết tới, nay Pheo trở thành một điểm đến được bà con trong vùng thường xuyên lui tới, với địa điểm là đồi U Bò khí hậu mát lành và những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn. Bí thư chi bộ xóm Pheo Bùi Văn Bình cho biết: "Từ khi được hưởng lợi từ Đề án hỗ trợ 36 thôn, xóm khó khăn của tỉnh, ngoài được hỗ trợ hạ tầng thiết yếu, bà con còn được hỗ trợ về sản xuất. Đó là những hỗ trợ hết sức thiết thực. 3 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của xóm ngày càng giảm, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm”. Hình ảnh hôm nay của Pheo chính là minh chứng rõ nét cho hành trình vượt lên đói nghèo nhờ "đòn bẩy” từ Đề án 36. 

Ngày mai bắt đầu từ... hôm nay

Ở vùng Cộng Hòa của huyện Lạc Sơn, ngoài xóm Pheo còn có một số xóm khác thuộc 36 thôn, xóm khó khăn nhất tỉnh. Đồi Thung (tên gọi chung của xóm Thung 1, Thung 2) của xã Quý Hòa nằm trong những xóm đó. Tháng 12/2015, chúng tôi về Đồi Thung, khi đó, người dân nơi này chia sẻ rằng " Người nơi khác ái ngại khi nhắc đến Đồi Thung”. Đơn giản vì Đồi Thung nghèo, đường giao thông khó khăn quá. Sau 5 năm, Đồi Thung đã thay đổi, từ một nơi mọi người ngại đến, nay những tiềm năng về phát triển du lịch đang được đánh thức mạnh mẽ. "Trước đây, mặc dù cùng xã nhưng tôi chưa từng lên Đồi Thung, mà chỉ nghe ông, bà kể đó là một nơi khá xa và còn nghèo khó. Tết vừa rồi, tôi và nhóm bạn lần đầu lên Đồi Thung du xuân. Đường về Đồi Thung đã được đổ bê tông, từ trung tâm xã lên xóm chỉ mất hơn 20 phút. Lên Đồi Thung, chúng tôi đi thăm đồi Chè, vào vườn hoa Đồi Thung chụp ảnh. Với cảnh sắc đẹp, khí hậu mát mẻ, nhà cửa khang trang, Đồi Thung thực sự là một nơi dễ sống” - đó là chia sẻ của chị Bùi Thị Mỹ Phượng, xóm Cáo, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) sau chuyến lên Đồi Thung. 

Đồi Thung đang chuyển mình mạnh mẽ, những tiềm năng về phát triển kinh tế, du lịch được bà con phát huy. Từ Đồi Thung phóng tầm mắt ra xa là xã vùng cao Miền Đồi, xã cũng có 2 xóm thuộc diện hỗ trợ của đề án, gồm: Thăn Trên (nay sáp nhập là xóm Thăn) và Voi (nay sáp nhập là xóm Thây Voi). Theo đồng chí Bùi Văn Bích, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Miền Đồi, từ sự hỗ trợ của đề án đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ở địa phương, bà con đã tìm được những hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Nổi bật là hiện nay, hai xóm nói trên và nhiều xóm khác trên địa bàn xã đã phát triển trồng cây quýt cổ bản địa, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.  

Như vậy, ngoài sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, có thể thấy, thông qua hỗ trợ từ Đề án 36 đã nhen nhóm những ý tưởng về hướng đi mới để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Gia đình anh Chính, ông Vinh và nhiều hộ ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa đang chú trọng vào trồng cây đào bán dịp Tết; nuôi ong mật, trâu, bò và trồng rừng để nâng cao thu nhập. Bà con xóm Thung Vòng (nay sáp nhập thành xóm Khi), xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) trước chỉ trồng ngô, lúa, nay trồng thêm dưa, bí lấy hạt. Hay xóm Lài, xã Nánh Nghê (Đà Bắc) cũng tìm được thêm hướng đi mới, với mô hình nuôi cá hồi. Rõ ràng, người dân ở các thôn, bản khó khăn đã và đang tự mình "bắt” được những "con cá" từ những chiếc "cần câu” mà Đề án 36 đã hỗ trợ. 

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các thôn, bản khó khăn nhất tỉnh giảm; kinh tế hộ gia đình phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, góp phần giữ vững ANCT - TTATXH tại địa phương. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ, đầu tư các nội dung chưa hoàn thành theo kế hoạch đã phê duyệt đến hết năm 2021. Với những kết quả đạt được, 15 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh dự kiến sẽ thoát khỏi diện thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. 

Viết Đào


Các tin khác


Trợ cấp bình quân hơn 2 triệu đồng/chiến sỹ

(HBĐT) - Quý I/2021, LLVT tỉnh duy trì nghiêm lượng vật chất sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm tốt hậu cần cho các nhiệm vụ. Tổ chức giao chỉ tiêu tăng gia sản xuất, giao hạn mức xăng dầu năm 2021; tiếp nhận, cấp phát quân trang tân binh nhập ngũ năm 2021 cho các đơn vị; bảo đảm đúng, đủ, kịp thời chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sỹ theo quy định.

Huyện Tân Lạc: Thiết thực, hiệu quả phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”

(HBĐT) - Với 10.806 hội viên, chiếm trên 96% người cao tuổi (NCT) trong huyện, nhờ thực hiện hiệu quả phương châm "lấy hội viên làm trung tâm, lấy chi hội, câu lạc bộ (CLB) là nơi hoạt động, lấy phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng” làm mục tiêu”, các cấp Hội NCT trên địa bàn huyện Tân Lạc luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong chăm sóc và phát huy vai trò NCT, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Những trang web lừa đảo kiếm tiền online vừa ‘sập’ lại tái sinh

Ngay sau khi hàng loạt các trang web lừa đảo kiếm tiền online bị sập, lập tức những trang web khác tương tự, thậm chí là chính những trang web vừa sập lại "hồi sinh” bằng những tên miền khác nhau nhưng thực chất là "bình mới rượu cũ”. Vì lòng tham cũng như muốn lấy lại tiền đã mất, người chơi mới lẫn cũ lại tiếp tục tham gia và bị mất tiền chỉ trong vài ngày.

Hội thi Chỉ huy Đội giỏi thành phố Hòa Bình năm học 2020-2021

(HBĐT) - Ngày 24/4, Hội đồng đội thành phố Hòa Bình phối hợp với Nhà văn hóa, Phòng GD&ĐT thành phố tổ chức hội thi Chỉ huy Đội giỏi thành phố Hòa Bình năm học 2020-2021. 35 Chỉ huy Đội xuất sắc đến từ 35 Liên đội TH&THCS, PTDT bán trú trên địa bàn thành phố tham dự hội thi. 

Tuyên truyền kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho 300 học sinh trường TH&THCS Kim Tiến

(HBĐT) - Phòng PC02 (Công an tỉnh) vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi và Công an xã Kim Bôi tổ chức buổi sinh hoạt chủ đề: "Tuyên truyền về kỹ năng phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật" tại trường TH và THCS Kim Tiến.

Truyền thông trợ giúp pháp lý cho trên 120 hộ xã Ngọc Mỹ

(HBĐT) - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh phối hợp với phòng Tư pháp huyện Tân Lạc, chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 và xã Ngọc Mỹ tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý, tư vấn ngoài trụ sở cho trên 120 hộ dân xóm Đôi, là xóm ĐBKK của xã Ngọc Mỹ. Đối tượng được trợ giúp pháp lý là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục