Suối cạn, các hộ dân xóm Dướng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phải kéo ti ô dẫn nước từ đầu nguồn về sử dụng.
Khoảng hơn hai tháng trở lại đây, người dân ở nhiều xóm, xã trên địa bàn huyện Đà Bắc mong ngóng những cơn mưa đầu mùa. Thế nhưng đến nay, mưa chưa thấy đâu, trong khi tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ngày càng nghiêm trọng. Như xã Vầy Nưa có 8 xóm, nhưng hiện người dân ở 4 xóm đang trải qua quãng thời gian khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.
Với con suối Khé nước chảy quanh năm, người dân xóm Dướng hầu như chưa từng phải bận tâm về nước sinh hoạt. Tuy nhiên, từ tháng 12/2022 đến nay, con suối được coi là dồi dào nước bậc nhất ở Vầy Nưa ngừng chảy. Để có nước sử dụng, bà con xóm Dướng kéo chằng chịt ti ô từ đầu nguồn suối Khé về. Gia đình bà Đặng Thị Mùi nằm gần con suối Khé cũng không khỏi bất ngờ khi con suối này rơi vào cảnh khô hạn như hiện nay.
Bà Mùi chia sẻ: Chưa năm nào mà nước suối cạn như năm nay. Mọi năm, suối chảy quanh năm, nhưng từ tháng 12 đến nay, nước suối cạn hẳn. Chúng tôi phải kéo ti ô tận trên đầu nguồn để dẫn nước về phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, dòng nước đầu nguồn hiện cũng rất nhỏ, lại có nhiều hộ cùng sử dụng nên thường xuyên thiếu nước, cứ vài hôm lại phải đi kiểm tra đường ống. Rất mong cấp trên quan tâm, xây bể chứa để tích nước cho người dân có nước sử dụng ổn định.
Ở khu dân cư Đầu Trâu của xóm Dướng, các hộ cũng phải sử dụng nước hết sức tằn tiện. Theo anh Bàn Văn Thích, người dân khu Đầu Trâu cho biết, từ trước đến nay, bà con nơi đây sử dụng nước tự kéo ở mó nước trên dãy núi cách khu dân cư khoảng 500 mét. Nhưng hiện nay, mạch nước còn rất nhỏ nên các hộ phải thay nhau đi kiểm tra, chia sẻ nước với nhau để sử dụng. Bà con cũng mong muốn, được các cấp chính quyền quan tâm, xây dựng bể chứa để tích nước, đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt, nhất là trong mùa khô.
Trao đổi với đồng chí Xa Văn Si, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, được biết: Tình trạng thiếu mưa kéo dài nên các xóm trên địa bàn xã đều gặp khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất. Năm 2023, xã được hỗ trợ kinh phí 104 triệu đồng để thực hiện 4 dự án duy tu, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt: sửa chữa bể chứa nước đầu nguồn xóm Săng Bờ; sửa chữa bể chứa nước, đường chứa nước sinh hoạt xóm Thín; sửa chữa bể chứa nước đầu nguồn xóm Mó Nẻ và sửa chữa mương dẫn nước xóm Dướng, mỗi công trình 26 triệu đồng. Việc triển khai các công trình này đã phần nào giảm bớt những khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, các xóm khác vẫn còn khó khăn về nước sinh hoạt, cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư.
Hiền Lương là xã giáp ranh với xã Vầy Nưa, hiện, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang xảy ra ở một số khu dân cư trên địa bàn xã. Theo lãnh đạo UBND xã Hiền Lương, mặc dù trên địa bàn xã đã được đầu tư một số công trình nước sinh hoạt nhưng do tình trạng hạn hán kéo dài, nhiều công trình không phát huy được công năng vì thiếu nước. Bên cạnh đó, một số công trình được đầu tư lâu năm đã hư hỏng, xuống cấp. Như ở xóm Dưng, một công trình nước sạch tự chảy được xây dựng trên 30 năm, hiện đã hư hỏng nên nhiều hộ thiếu nước. Công trình này dẫn nước từ mó nước Gốc Tăng để phục vụ cho trên 10 hộ dân xóm Dưng.
Theo bà Đinh Thị Yên, một trong những hộ từng hưởng lợi từ công trình nước sạch nói trên cho biết: Mặc dù nguồn nước ở đầu nguồn khá ổn định nhưng do hư hỏng đường ống dẫn nước vào bể chứa nên các hộ không có nước để sử dụng. Do khó khăn về nước, năm ngoái, các hộ đã bỏ tiền ra để khoan giếng, với chi phí trên 10 triệu đồng. "Nếu được sửa chữa, công trình này sẽ giúp bà con có đủ nước để sử dụng. Bởi nếu sử dụng nguồn nước giếng khoan để vừa sinh hoạt, vừa tưới tiêu thì tiền điện sẽ tăng cao. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm duy tu, sửa chữa lại công trình”, bà Yên bày tỏ.
Ngoài xã Vầy Nưa và Hiền Lương, nhiều khu dân cư thuộc các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng đang trải qua quãng thời gian khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh yếu tố khách quan do hạn hán kéo dài, thực trạng này còn cho thấy, huyện cần tiếp tục quan tâm duy tu, sửa chữa và đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch để đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là trong thời điểm mùa khô.
Viết Đào