(HBĐT) - Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể địa phương đứng ra bảo lãnh, gia đình anh Nguyễn Văn Phương, xóm Yên Tiến, xã Yên Trị được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với đó, Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Yên Thủy phối hợp MTTQ và các đoàn thể trích kinh phí mua, trao tặng con giống. Từ sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực đó, đời sống của gia đình anh Phương từng bước ổn định với nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi khoảng 200 triệu đồng/năm. Ký ức lầm lỗi khi xưa cũng dần nhạt nhòa...
Cũng như anh Nguyễn Văn Phương, đối với Bùi Văn Hưng, xóm Chềnh, xã Ngọc Lương, bản án phạt tù về hành vi cố ý gây thương tích cũng đã dần xóa nhòa. Bùi Văn Hưng chia sẻ, sau khi chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) được cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ, tín chấp cho vay vốn phát triển sản xuất. Với số tiền vay 200 triệu đồng, Hưng học nghề sửa chữa máy tính, điện thoại di động. Có nghề trong tay, được sự quan tâm, động viên của gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương, Hưng mở cửa hàng dịch vụ sửa chữa, lắp đặt máy tính, điện thoại di động. Từ sự cần cù, chịu khó, cửa hàng của Hưng được nhiều người biết đến. Đến nay, Hưng đã nhận thêm 4 thanh niên ở địa phương làm cùng với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/ tháng.
Theo Thiếu tá Bùi Văn Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Yên Thủy, trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp người lầm lỗi sau khi CHXAPT THNCĐ được cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an huyện phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ, giúp đỡ đã bước qua mặc cảm tội lỗi, trở thành những người có ích cho xã hội.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện Yên Thủy có 80 người CHXAPT trong diện THNCĐ; 106 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng hiện sinh sống tại 11/11 xã, thị trấn trong toàn huyện. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm thực hiện hỗ trợ THNCĐ cho những người CHXAPT trở về địa phương bằng nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả. Ngoài việc động viên, giúp đỡ của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn xóm, khu dân cư thì theo đồng chí Nguyễn Thị Đào, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Thủy, ngân hàng đang có một số chính sách "mở” dành cho là người THNCĐ có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi. Như thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Thi hành án hình sự về THNCĐ, NHCSXH Việt Nam có Văn bản số 6019/NHCS-TDSV về việc hướng dẫn cho vay đối với người CHXAPT. Theo đó, đối tượng này được tiếp cận 2 nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, gồm cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) và cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đối với nguồn vay tín dụng, các đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề, có giấy xác nhận HSSV của nhà trường, có giấy chứng nhận đã CHXAPT hoặc giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được tiếp cận và vay vốn với mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng, được giải ngân thành 2 kỳ học/năm (mỗi kỳ học 20 triệu đồng); lãi suất cho vay bằng với lãi suất hộ nghèo là 0,55%/tháng.
Đối với nguồn tín dụng cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, mức vay tối đa 100 triệu đồng/lao động được tạo việc làm như: vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, mua máy móc, công cụ phục vụ sản xuất..., lãi suất cho vay 0,66%/tháng, bằng với lãi suất cho vay hộ cận nghèo. Ngoài 2 chương trình tín dụng trên, người CHXAPT còn có thể tiếp cận các nguồn vốn khác của NHCSXH, như vốn vay dành cho hộ nghèo nếu người THNCĐ thuộc diện hộ nghèo, mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; nguồn vốn vay chương trình hộ cận nghèo, mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (nếu có nhu cầu vay để xây công trình vệ sinh, công trình nước sạch), mức vay tối đa 10 triệu đồng/công trình; chương trình cho vay xuất khẩu lao động, mức vay tối đa bằng chi phí đi xuất khẩu lao động... Ngoài ra, nếu các đối tượng là người THNCĐ sinh sống tại các xã điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn của huyện như Đa Phúc, Lạc Sỹ có thể được tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ.
"Chúng tôi hiểu, không phải ai phạm tội cũng là người xấu. Hành vi phạm tội của họ cũng đã phải trả giá bằng những năm tháng cuộc đời ở chốn lao tù. Do vậy, với mỗi người sau khi CHXAPT, THNCĐ sẽ luôn được hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất, giúp họ bước qua tự ti, mặc cảm để từng bước ổn định cuộc sống, THNCĐ, trở thành những người có ích cho xã hội” - đồng chí Nguyễn Thị Đào, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Yên Thủy chia sẻ.
Mạnh Hùng