(HBĐT) - Trở lại thăm xã Nam Phong (Cao Phong), con đường từ quốc lộ 6 tới trung tâm xã rộng rãi, có lề lát gạch, trồng cây xanh. Khu vực trung tâm xã được đầu tư xây dựng như phố trong làng.
Trong những năm qua, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, Nhân dân, cuộc sống của bà con nơi đây thay đổi từng ngày. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế được đầu tư phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Đường giao thông nối ra tận ruộng đồng. Chất lượng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa được nâng cao rõ rệt. Các xóm có nhà văn hóa, sân tập thể thao, trang thiết bị được trang bị khá đầy đủ.
Nam Phong từng được biết đến là xã tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giảm diện tích trồng lúa, đưa cây mía xuống ruộng, lên đồi. Dù giá mía có thời điểm lên xuống, song vẫn khẳng định là cây trồng chủ lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Cùng với phát triển các loại cây ăn quả có múi, trồng rừng, chăn nuôi, mở mang ngành nghề phụ đang là hướng phát triển kinh tế tương đối hiệu quả cho người dân.
Đồng chí Đinh Đức Chính, Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết: Dù không có những đột phá về sản xuất, nhưng cán bộ và Nhân dân đã, đang đoàn kết, tích cực xây dựng cuộc sống mới. Năm 2016, xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ đó đến nay tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở mức cao hơn.
Người dân tích cực hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, cổng ngõ, tường rào xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Tuyến đường từ quốc lộ 6 vào trung xã, đường đi các xóm người dân cũng hiến đất, phá dỡ nhà cửa, tường rào để xây dựng. Năm 2022, xã làm đường giao thông xóm Mạc và xóm Nam Thái, chiều dài 7 km, người dân đóng góp tới 50% kinh phí. Đầu năm 2023 xã triển khai xây dựng công trình trường tiểu học, diện tích 9.400 m2 tại xóm Trăm có 26 hộ dân bị ảnh hưởng, người dân đồng thuận ứng mặt bằng, hiện đã xây 16 phòng học, đang triển khai hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết thêm: Một trong những điểm nhấn thành công của xã là đã giải quyết tốt vấn đề môi trường để xây dựng NTM. Nhiều năm trước, rác thải nông thôn là vấn đề nhức nhối không chỉ riêng đối với xã Nam Phong. Khi chưa được xử lý, rác thải gây ô nhiễm môi trường sống trên địa bàn. Được hỗ trợ của Nhà nước, xã quy hoạch xây dựng bãi chứa rác, lò đốt rác tại khu đồng Giá, xóm Chẹo Ngoài. Xã thành lập 1 tổ thu gom rác thải có 3 thành viên để thu gom rác vào 2 ngày trong tuần, vận chuyển đến lò đốt rác xử lý. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn cảnh quan môi trường nơi sinh sống. Ý thức của người dân về giữ gìn môi trường được nâng lên đáng kể. Người dân tích cực tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Thông qua đó, xã đã cơ bản thu gom, xử lý rác thải phát sinh. Đồng thời định hướng, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững. Những năm gần đây, xã Nam Phong có những bước tiến trong sản xuất, từng bước cải thiện đáng kể đời sống Nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 13%.
Hương Lan