Công an xã Pà Cò (Mai Châu) phối hợp các ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn tại xóm Xà Lĩnh.

Nhức nhối vấn nạn tảo hôn

Ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu), Vàng A Trống là người hiểu hơn ai hết về nỗi khổ khi để con trai đang tuổi ăn tuổi lớn lấy vợ sớm. Đầu năm 2023, được sự mối lái của người trong họ, Vàng A Trống đã tổ chức đám cưới cho con trai là Vàng A S. khi mới 16 tuổi. Vợ của S. cũng vừa tròn 16 tuổi. Cưới nhau, cả 2 đều bỏ học ở nhà làm nương rẫy. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi cô con dâu vừa phải lao động nặng nhọc vừa mang thai khi tuổi còn quá trẻ, do vậy sức khỏe không đảm bảo, đau ốm liên miên... 

Vàng A Trống chia sẻ: Bản thân tôi chưa nhận thức được hết việc cho con kết hôn, lấy vợ quá sớm là một trong những nguyên nhân dẫn đến con cái sinh ra sẽ kém phát triển. Sau khi được cán bộ tuyên truyền đã nhận ra đây là việc làm sai trái, bởi nó chính là một phần nguyên nhân dẫn đến đói nghèo...

Thực tế không chỉ gia đình Vàng A Trống mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) có con cháu lấy vợ, lấy chồng sớm khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Như trường hợp của Khà A Tú ở xóm Thung Ẳng, xã Hang Kia lấy vợ khi mới 14 tuổi; Giàng A Gư ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia lấy vợ năm 16 tuổi, khi cưới vợ mới 14 tuổi; Hàng A Du ở xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò lấy vợ năm 14 tuổi, vợ 15 tuổi...

Đồng chí Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò chia sẻ: Tảo hôn là vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Mông. Nguyên nhân do tư tưởng lạc hậu, muốn con em lập gia đình sớm, sinh thêm con, cháu để có nhân lực lao động sản xuất. Khi cán bộ đến tuyên truyền người dân luôn trốn tránh, đưa ra những lý do không thể hoãn cưới...

Còn theo đồng chí Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia, tảo hôn là vấn đề nhức nhối thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã tập trung giải quyết. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp như: xây dựng nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tệ nạn tảo hôn; thi hành kỷ luật đối với những đảng viên có con tảo hôn; xử phạt hành chính trường hợp tảo hôn; xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn tại các xóm, trong từng dòng họ; tuyên truyền tới từng gia đình, vận động trẻ vị thành niên và gia đình không tảo hôn... Tuy vậy kết quả chưa đạt được như mong muốn, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp tục diễn ra. 

Qua tìm hiểu, những cặp tảo hôn ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò hầu hết trong độ tuổi vị thành niên, thiếu sự hiểu biết về hôn nhân, sức khỏe sinh sản, quá trình chung sống phát sinh mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình, hoặc do cuộc sống gặp khó khăn, thiếu thốn, nhiều trường hợp đã vi phạm pháp luật như tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy...

Nan giải bài toán xóa bỏ hủ tục tảo hôn

Theo thống kê, khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 241 trường hợp, đến hết tháng 8/2023 có 127 trường hợp. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến tại một số vùng đồng bào DTTS. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông có số trường hợp tảo hôn nhiều nhất, tiếp đó là đồng bào dân tộc Dao, Tày. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mai Châu có 74 trường hợp tảo hôn, 100% trong vùng đồng bào dân tộc Mông (xã Hang Kia 52 trường hợp, xã Pà Cò 22 trường hợp).
Theo đồng chí Hà Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó có nguyên nhân còn tồn tại hủ tục, tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân như muốn sớm có cháu, chắt, hứa hôn; trình độ nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế... Tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS như cái vòng luẩn quẩn dẫn đến nhiều gia đình còn quan niệm phải sớm dựng vợ gả chồng cho con cháu khi chưa đến tuổi kết hôn. 

Để loại bỏ hoàn toàn vấn nạn tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS là một bài toán nan giải. "Để giải quyết tình trạng tảo hôn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nắm, hiểu và thực hiện, đồng thời tích cực xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã phải phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu trong thực hiện phòng, chống tảo hôn; tranh thủ được đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền phòng, chống tảo hôn... Có như vậy mới có thể từng bước đẩy lùi tệ nạn tảo hôn trong đồng bào DTTS, giống như việc chúng ta đã thành công trong loại bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống" - đồng chí Hà Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Mạnh Hùng

Các tin khác


Người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày dịp Lễ Quốc khánh năm nay

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXB), cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 4 ngày Lễ Quốc khánh năm 2024 từ thứ Bảy ngày 31/8 đến hết thứ Ba ngày 3/9/2024.

“Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe mô tô”, một nữ tiktoker bị Công an triệu tập, xử phạt vi phạm hành chính 

Công an huyện Lạc Sơn cho biết, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bùi Thị M. (SN 2004), trú tại xóm Trung Quyền, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) về hành vi "Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe mô tô” quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Người dân đổ về các bãi biễn giải nhiệt dịp lễ 30/4

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng với thời tiết nắng nóng tạo cơ hội cho nhiều người chọn các bãi biển để vui chơi, giải nhiệt.

Đổi thay nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu của những chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) còn mãi lưu danh. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi niềm tự hào, nguyện tiếp bước cha anh đóng góp, xây dựng quê hương Yên Nghiệp ngày càng giàu đẹp.

Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục